Phương pháp dạy con này được đánh giá cao, mang lại những hiệu quả tích cực về thành tích học tập của con trẻ, kỹ năng xã hội và hành vi của trẻ.
Rất nhiều phụ huynh hay ca thán rằng sao “con nhà người ta” ngoan thế, chăm học thế, giỏi giang thế, còn con mình thì lười biếng, không chịu nghe lời… Thực ra, những đứa trẻ “con nhà người ta” được vậy là do bố mẹ có phương pháp giáo dục đúng đắn, phù hợp với môi trường, tính cách và độ tuổi.
Để thực hiện phương pháp này, cha mẹ cần: chú ý lắng nghe con, cho con được bày tỏ ý kiến, khuyến khích tính độc lập... (Ảnh minh họa).
Sau nhiều nghiên cứu, thăm dò, các chuyên gia tâm lý và giáo dục học đã đưa ra nhiều kiểu nuôi dạy con khác nhau dựa vào biểu hiện của những thói quen nuôi dạy con cái, hình thức kỷ luật, mức độ gắn kết.
Trong đó, người ta hay nhắc đến nhà tâm lý học phát triển Diana Baumrind, nổi tiếng với phương pháp Authoritative hay còn gọi là phong cách làm cha mẹ có thẩm quyền hoặc phong cách “dân chủ”. Phương pháp này được đánh giá cao, mang lại những hiệu quả tích cực về thành tích học tập của con trẻ, kỹ năng xã hội và hành vi.
Các phụ huynh sử dụng phương pháp dân chủ thường khuyến khích con làm việc độc lập và đặt ra những mức kỳ vọng cao, nếu con phạm lỗi, bố mẹ sẽ đưa ra hình thức kỷ luật công bằng, nhất quán.
Để thực hiện phương pháp này, cha mẹ cần: chú ý lắng nghe con, cho con được bày tỏ ý kiến, khuyến khích tính độc lập, cho con được thảo luận về các lựa chọn, nếu con làm sai thì có biện pháp kỷ luật công bằng và nhất quán, luôn thể hiện sự quan tâm đối với con và đặt ra giới hạn, hậu quả và những kỳ vọng về hành vi của con.
Mới đây, trang Parent.co đã đưa ra một vài gợi ý trong việc giáo dục con theo phong cách “dân chủ” ngay từ những công việc nhà đơn giản.
1. Cho con làm việc vặt phù hợp với lứa tuổi
Đã có rất nhiều bài viết đưa ra các gợi ý những việc vặt trong nhà phù hợp với lứa tuổi, khả năng phát triển mà cha mẹ có thể cho con làm. Vấn đề là mỗi đứa trẻ có khả năng nhận thức và làm được các việc khác nhau.
Chẳng hạn như một bé gái 5 tuổi có thể tự buộc dây giày, còn bé gái 5 tuổi khác lại không thể tự cài cúc áo của mình. Vậy nên điều quan trọng là cha mẹ cần nhìn nhận đúng khả năng của con mình để đưa ra những kỳ vọng ở mức phù hợp, gây dựng cho con tính độc lập để con có thể đạt được thành công với câu “thần chú”: “Mẹ sẽ không giúp con làm bất cứ việc gì con có thể tự làm”.
2. Tầm quan trọng của sự lựa chọn
Khi phân công trách nghiệm, con trẻ (thậm chí là cả người lớn) đều muốn có một số lựa chọn vì vậy không có cớ gì mà bạn không thể đưa ra một vài phương án để con được lựa chọn.
Đơn giản là, bạn và con hãy cùng lập ra danh sách các công việc cần làm. Nếu hôm nay con muốn giúp mẹ rửa bát thì mẹ sẽ làm việc những việc khác. Cứ cho con quyền lựa chọn đi, bạn sẽ thấy kết quả tích cực.
3. Dành thời gian cho con được tự làm việc vặt
Một trong những trở ngại lớn nhất của việc cho phép trẻ tự chăm sóc bản thân hoặc giúp bố mẹ một số công việc gia đình chính là vấn đề thời gian.
Thử tưởng tượng xem, mỗi buổi sáng bạn phải thức dậy, tất bật với đủ thứ việc, nào là nấu ăn cho cả nhà, chuẩn bị sách vở quần áo cho con đi học… và lao đến cơ quan với tốc độ nhanh nhất có thể; tối về lại vùi đầu vào bếp, rồi tắm rửa cho con… sau cùng là chỉ muốn “yên thân” trên chiếc giường ngủ khi đồng hồ đã điểm 10h.
Thế nên, không mấy người có đủ kiên nhẫn để dành thời gian chỉ dạy con biết cách tự chăm sóc bản thân. Thay vì chậm rãi nhắc con cách tự mặc quần áo, nhiều mẹ sẽ làm luôn để khỏi muộn giờ, còn buổi tối, thay vì từ từ dạy con đánh răng thì mẹ lại làm luôn giúp con để được nghỉ ngơi sớm.
Vì vậy, cách tốt nhất là cha mẹ hãy dành thời gian chỉ dạy để con sớm có thể tự lập, tự làm được một số việc đơn giản mà không phải nhờ đến người lớn.
4. Đừng quá coi trọng sự hoàn hảo
Đối với những đứa trẻ, việc làm rơi, đánh vỡ cái đĩa, cái bát… là chuyện hết sức bình thường. Trong những tình huống như vậy, đa phần các phụ huynh sẽ nổi giận, thậm chí trách mắng con. Nhưng đó không phải là việc bố mẹ nên làm, khi đó, hãy là ông bố, bà mẹ “tâm lý” bằng cách dạy con thu gom mảnh vỡ một cách an toàn.
Dưới đây là một số gợi ý bố mẹ có thể thực hiện để “con đường” dạy con thành đứa trẻ tự lập dễ dàng hơn
Với việc mặc quần áo
Việc này được coi là tuyệt vời nhất vì đứa trẻ thấy được quyền tự do cá nhân của mình, mà bố mẹ thì có thời gian cho việc khác.
Khi lên 3 tuổi, hầu hết các con đã có thể “phối hợp” với bố mẹ trong việc thay đồ. Lên 6 tuổi, hầu hết mọi đứa trẻ hoàn toàn có thể tự mặc quần áo, và khi lên 8, chúng còn có thể tự giặt đồ của mình.
Để giúp con làm được việc này, cha mẹ cần để đồ của con ở nơi chúng có thể tự lấy và để nhiều quần áo để con có sự lựa chọn. Có thể cách lựa chọn của chúng có phần “kỳ dị” nhưng đừng quá quan tâm đến điều đó.
Tự trèo lên xe
Việc này tưởng chừng như quá đơn giản và không cần thiết nhưng thử nghĩ xem, liệu bạn có thể nhấc con lên xe mãi?
Hãy tạo điều kiện cho con được tự lập bằng cách này. Chẳng phải sẽ tốt hơn rất nhiều nếu con biết tự trèo lên xe trong khi bạn sắp xếp đồ đạc, túi xách mang theo và nổ máy. Có thể thời gian đầu con sẽ gặp khó khăn, nhưng đừng làm thay và cũng đừng quát mắng, chỉ vài ngày mọi thứ sẽ cải thiện. Bạn cũng đừng quên dành cho con vài lời động viên, cổ vũ và khen ngợi nếu con làm tốt.
Tự ăn
Ban đầu là việc dạy con cách tự cầm thìa xúc ăn, qua từng giai đoạn bạn hãy dạy con cách chuẩn bị đồ ăn của riêng mình hoặc tự sắp xếp bữa trưa cho mình bằng cách để đồ ăn ở nơi vừa tầm với của con. Dành riêng một ngăn thấp trong tủ lạnh để đồ ăn vặt hoặc tạo một ngăn có đầy đủ những thứ cần thiết để chuẩn bị 1 bữa ăn. Việc còn lại con sẽ tự lo!
Tự dọn dẹp, lau sàn nhà
Để ủng hộ con làm việc này, bạn có thể sắm thêm một cây lau nhà, hoặc chiếc xô nhỏ để con không phải khó nhọc, sắp xếp đồ đạc làm sao cho con dễ dàng lau chùi nhất. Và bố mẹ cũng có thể làm cùng để con không cảm thấy “choáng ngợp” và coi việc lau dọn nhà là “nỗi ám ảnh”.
dạy con, phương pháp dạy con, Nuôi dạy con