Mẹ & bé

Những nỗi lo thường gặp của mẹ bầu trong 3 tháng giữa thai kỳ

Đối với mẹ bầu 3 tháng giữa thai kỳ sẽ là cuộc hành trình với nhiều cảm xúc mới lạ thăng hoa nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ không nhỏ.

Theo BSCK I Lưu Thị Thanh Loan - Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM thì giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ cũng có nhiều nguy cơ rình rập phá hỏng thai kỳ như: sẩy thai to, dọa sinh cực non, hở eo tử cung, đái tháo đường, tiền sản giật…

- Sẩy thai to: Dưới 20 tuần tuổi, thai vẫn có thể bị sảy thai. Điều cần biết để không quá đau lòng là phần lớn sẩy thai tự nhiên do thai có những sai lạc nhiễm sắc thể trong quá trình phân bào (nguyên nhân: bị nhiễm tia X, siêu vi, chất độc hóa học…). Do đó, điều cần làm ngay từ khi chuẩn bị mang thai là nên đi khám phụ khoa, xét nghiệm máu, tầm soát các bệnh về nhiễm trùng, tư vấn các bệnh di truyền, cẩn trọng trong việc dùng thuốc, chụp X quang trong giai đoạn chuẩn bị có thai và lúc mang thai, chích ngừa các bệnh rubella, sởi, viêm gan siêu vi B… và tránh làm việc trong môi trường có hóa chất, tia xạ...

- Sinh cực non là tên gọi khi sinh con dưới 28 tuần tuổi. Có rất nhiều nguyên nhân buộc bé phải chào đời sớm như: đa thai, đa ối, thai dị dạng... Bên cạnh đó còn có nhiều trường hợp do sức khỏe của mẹ như: cao huyết áp, viêm ruột thừa, viêm đài bể thận, hở eo cổ tử cung, dinh dưỡng kém và lao động quá nặng nhọc, do nhau thai bong non, nhau tiền đạo…

- Hở eo cổ tử cung (CTC) là một trong những nguyên nhân gây sẩy thai to hoặc sinh cực non trong suốt quý II này. Bình thường, CTC đóng kín có tác dụng giữ thai nhi ở trong bụng mẹ. CTC chỉ mở khi gần đến ngày sinh. Lúc này, dưới tác dụng của cơn gò tử cung, CTC mỏng dần và mở ra, chuẩn bị cho giai đoạn khai hoa nở nhụy. Ở những trường hợp hở eo CTC, trong giai đoạn thai nhi còn non, tuy không có cơn gò tử cung, CTC vẫn mở, đưa đến sẩy thai hoặc sinh non.


Ảnh minh họa.

Nguyên nhân hở eo CTC có thể do nạo phá thai trước đó, nạo phá thai nhiều lần, do rách CTC khi sinh, hoặc có thể không rõ nguyên nhân…. Sẩy thai to giống như sinh tự nhiên, bà bầu đang sinh hoạt, làm việc bình thường, bỗng phát hiện mình bị vỡ ối và sau vài cơn gò là ra thai. Hở eo CTC có thể dẫn đến sẩy thai to - sinh non nhiều lần. Để dự phòng sẩy thai to - sinh non, những thai phụ đã từng bị sẩy thai to, sinh non, nhất là bị từ hai lần trở lên, nên được tư vấn khâu eo CTC vào thời điểm thích hợp ở lần mang thai sau.

Khi chẩn đoán bị hở eo CTC, giải pháp duy nhất và hoàn mỹ nhất là khâu “cánh cửa” lại. Đây là tiểu phẫu, thực hiện nhanh và không đau đớn nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Bạn cần tư vấn kỹ trước khi thực hiện thủ thuật. Sau khi tiểu phẫu cần nghỉ ngơi, dùng thuốc trong vài ngày. Chỉ khâu được cắt vào tuần thứ 38, bé chào đời đủ tháng.

- Tiểu đường thai kỳ (TĐTK): Một số phụ nữ không bị tiểu đường nhưng khi mang thai lại bị tiểu đường. Đây gọi là tiểu đường thai kỳ, thường xuất hiện trong khoảng tuần thai thứ 24 -28 nhưng cũng có thể sớm hơn. Một số nội tiết tố và một số chất khác được tiết ra từ nhau thai buộc cơ thể mẹ phải sản xuất thêm insulin để duy trì đường huyết bình thường. Song, cơ thể một số bà mẹ không cung cấp đủ insulin, dẫn đến mắc bệnh tiểu đường nhất thời. Sau khi sinh, mọi thay đổi trong cơ thể trở về mức bình thường, bệnh tiểu đường cũng “lặn” mất. Các đối tượng dễ bệnh gồm: phụ nữ Á Đông, gia đình có người mắc bệnh tiểu đường týp 2, đã bị TĐTK trong lần mang thai trước, bị thừa cân, béo phì trước khi mang thai…

Nếu bệnh không được điều trị, có thể bị các nguy cơ sau:

- Thai to do lượng glucose thừa trong máu. Thai càng to càng tăng các sang chấn lúc sinh. Sau sinh, thai nhi dễ bị hạ đường huyết, vàng da sơ sinh…

- Thai chết lưu khi gần đến ngày sinh. TĐTK nếu không kiểm soát tốt rất dễ dẫn đến thai chết lưu.

Bệnh TĐTK thường không có triệu chứng điển hình. Vì vậy, khám thai định kỳ và thực hiện xét nghiệm dung nạp glucose ở thời điểm 18 - 24 tuần là cách phát hiện bệnh sớm. Bác sĩ điều trị sẽ hướng dẫn chế độ ăn uống cữ ngọt, giảm tinh bột, tăng cường rau xanh, cá, hải sản… vận động điều độ trong thời kỳ mang thai để ổn định lượng đường trong máu.

- Tăng huyết áp thai kỳ - tiền sản giật: Tiền sản giật - sản giật hiện là một trong năm tai biến sản khoa đáng sợ. Nhiều bà mẹ có huyết áp bình thường nhưng khi mang thai, đến một ngày nào đó, huyết áp tăng lên, kèm theo có đạm trong nước tiểu. Đó là các triệu chứng của tiền sản giật. Nếu tiền sản giật không được xử trí tốt, người mẹ có thể lên cơn co giật.

Để chẩn đoán tiền sản giật, thai phụ cần đi khám thai định kỳ. Mỗi lần khám thai, đa phần các bác sĩ đều đo huyết áp và làm xét nghiệm nước tiểu. Các bà mẹ cần ăn uống đầy đủ chất, ăn nhiều thịt, cá, rau xanh, trái cây. Một số nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng khi mang thai làm giảm nguy cơ bị tiền sản giật…

- Tăng sức bền cho cơ thể: Ngoài việc phát hiện các bệnh nêu trên, thai phụ cần tập thể dục điều độ trong thời gian mang thai, trong đó chủ yếu tập thở, giúp thai phụ vượt cạn không khó khăn. Song song là các bài tập giúp cho các cơ vùng chậu săn chắc, dẻo dai và có thể điều khiển được để hỗ trợ tối đa cho quá trình lâm bồn. 

Nếu biết bơi thì bơi lội cũng là cách vận động giúp hệ tuần hoàn thông thoáng và chân được nghỉ ngơi. Khi mang thai nên nhẹ nhàng lúc nằm xuống và ngồi dậy để đỡ áp lực cho tim; khi ngồi dậy nên nghiêng người sang phải, giơ tay phải qua khỏi đầu, tay trái chống để lấy đà từ từ ngồi dậy. Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu vì dễ bị suy tĩnh mạch.

aFamily

9 tháng thai kỳ, mang thai, làm mẹ, sinh con, 3 tháng giữa


      © 2021 FAP
        1,310,633       404