"Con gái không quan hệ với những người đàn ông ngu dốt không chịu dùng bao cao su. Và con gái cũng có bao cao su trong ví", đó là cách cha mẹ Hà Lan giáo dục giới tính cho con.
Là một giáo viên Montessori và cũng là một người mẹ có con gái, trước câu chuyện ồn ào của một cô gái trẻ lên mạng khuyên bạn gái mình nên phá thai những ngày qua, chị Lê Mai Hương đã có một bài viết chia sẻ vô cùng thấm thía về chuyện
giáo dục giới tính cho con được rất nhiều cha mẹ đồng tình và chia sẻ.
“Tôi sẽ kể cho mọi người nghe câu chuyện về giáo dục giới tính ở Hà Lan mà tôi được biết.
Ở Hà Lan, việc bố tắm với con, hay mẹ tắm với con không có gì là to tát cả. Em bé từ nhỏ đã biết cơ thể một người trưởng thành trông như thế nào. Và việc mẹ “đóng bỉm” hàng tháng là việc bé gái cũng biết và mẹ bảo một ngày kia con cũng sẽ cần dùng nó như mẹ. Tất cả những gì thuộc về tự nhiên không bao giờ là đáng xấu hổ hay bị coi là bẩn thỉu như ở Việt Nam. Khi bạn gái hay vợ có kinh, người đàn ông sẽ quan tâm chăm sóc cô ta nhiều hơn vì họ biết phụ nữ thường dễ cáu kỉnh trong những ngày đó.
Từ trước khi cô con gái có kinh lần đầu tiên, cháu đã được mẹ chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng về việc chuyện gì sẽ xảy ra lần đầu tiên con thấy máu chảy ra ở quần lót. Và trong tủ đồ ở nhà tắm đã có đủ những thứ con gái cần.
Khi con gái trải qua kỳ kinh lần đầu tiên, mẹ cô bé sẽ hẹn bác sỹ gia đình, (Family Doctor hoặc General Practice) những bác sỹ ở đó có lẽ là những bác sỹ đã khám cho cô bé từ khi còn bé. Bác sỹ sẽ giải thích cho cô gái rất kỹ lưỡng về chuyện gì sẽ xảy ra nếu quan hệ tình dục, quan hệ tình dục bừa bãi thì sẽ bị lây những bệnh gì. Kể cả việc hôn một người khác cũng dễ bị lây bệnh ra sao. Cô gái được tư vấn kỹ lưỡng các biện pháp tránh thai và được khuyên chỉ nên quan hệ tình dục khi bạn trai đã đi khám và mang kết quả về để chắc chắn không có các bệnh gì có thể lây nhiễm.
Các bạn được quyền “yêu” nhau ở nhà, trong phòng của mình, không phải đi bờ đi bụi hay nhà nghỉ, vừa bẩn vừa nguy hiểm. Thường khi không bị cấm, cái việc yêu nó không trở nên cám dỗ như với thanh thiếu niên Việt Nam. Khi thông tin rất rõ ràng, cụ thể, các bạn cả nam và nữ đều biết cách bảo vệ mình. Con trai luôn có bao cao su trong ví. Con gái không quan hệ với những người đàn ông ngu dốt không chịu dùng bao cao su. Và con gái cũng có bao cao su trong ví. Để an toàn thì vừa uống thuốc tránh thai vừa dùng bao cao su.
Khi đã yêu nhau và quyết định muốn chung sống với nhau, các cô gái mới chuyển sang dùng thuốc tránh thai. Nhưng cứ 6 tháng một lần bạn được khuyên đi khám phụ khoa để biết tình hình sức khỏe. Theo luật, tất cả mọi công dân Hà Lan đều phải có bảo hiểm, tiền khám và điều trị coi như là miễn phí.
Ở Hà Lan, việc có con là một quyết định rất quan trọng của cả hai vợ chồng, khi đủ kinh tế, khi cả hai cùng sẵn sàng về tâm lý và thực sự trưởng thành để làm bố, mẹ. Tôi chưa gặp ai nói họ nhỡ nên có con. Số con cũng như vậy, bạn khó có thể nhìn thấy một gia đình nhiều con ở Hà Lan vì không như các nước khác, tiền học mầm non ở Hà lan bằng lương một người đi làm. Bạn phải có rất nhiều tiền và thời gian mới nuôi được con theo mong muốn. Không phải nước châu Âu nào cũng giống nhau.
Một tiết học giáo dục giới tính với giáo cụ trực quan của học sinh cấp 2 ở Châu Âu. (Ảnh: Theguardian) Thế nhưng ở Anh lại là một câu chuyện khác, văn hóa đi pub sau giờ làm việc uống rượu, bia vào cái dạ dày rỗng lúc 5 giờ chiều làm cho mọi người dễ say hơn và dễ dãi hơn khi nói đến quan hệ tình dục theo quan sát và ý kiến cá nhân của tôi. Hơn nữa vì nhà ở Anh giá thuê quá đắt, các cô gái Anh dễ trở thành mẹ đơn thân để có thể lấy được một căn hộ gọi là council flat, nhà của nhà nước với mức giá thuê rẻ nhất và thêm trợ cấp chính phủ. Chỉ cách có một cái “vũng nước” cách nhìn hoàn toàn khác nhau. 48% mẹ đơn thân ở Anh sống nhờ các khoản trợ cấp của xã hội theo
Daily Mail.
Giờ quay lại Việt Nam và câu chuyện về cô gái không biết nên phá thai hay không mà tôi thấy đang gây ra nhiều tranh luận mấy ngày nay.
Tôi trách bố mẹ cô gái đó đã không dạy dỗ trang bị kiến thức cho con và là chỗ dựa cho con khi cần đến nỗi cả xã hội biết còn mình thì không. Tôi chắc nếu bố mẹ tìm được bao cao su trong ví của con gái mình thì cô gái đã được một trận đòn.
Tôi trách trường học đã không làm tròn trách nhiệm là người cung cấp thông tin và trang bị kỹ năng cho tất cả số học sinh của mình từ khi mới dậy thì. Tôi mà là giáo viên cấp 2 tôi sẽ cho tất cả học sinh xem phim tài liệu về tất cả các bệnh lây qua quan hệ tình dục. Các em sẽ được xem cả quá trình nạo thai trông thực sự như thế nào, ảnh hưởng lên tâm lý, sức khỏe, cơ thể của người phụ nữ ra sao. Tôi nghĩ nếu các trường làm thế sẽ rất hiệu quả. Nếu vẫn chưa hiệu quả, mời các bác sỹ sản và bác sỹ điều trị hiếm muộn đến nói chuyện về kinh nghiệm của họ.
Tôi trách cô bé đã làm điều mình không biết và lãnh hậu quả. Có thuốc tránh thai trước, trong và sau khi quan hệ. Làm sao mà để đến nỗi có bầu với một người coi thường mình và chẳng đủ kiến thức để bảo vệ cả mình lẫn bạn tình. Bạn tình thôi chứ đã yêu nhau chắc người ta sẽ bảo vệ nhau, tôi cho là thế.
Tôi trách lớp trẻ coi thường tính mạng mình khi quan hệ tình dục không dùng bao cao su. Các bạn có biết người ta đã ngủ với những ai không? Đấy là lỡ có bầu, thế lỡ lây HIV thì làm sao, sẽ đi tự tử ư?
Tôi trách cái cách sống thiển cận mới hình thành coi việc ngủ với người khác là món quà mang dâng hiến, hay bằng chứng cho tình yêu, hay dùng nó để giữ một ai đó, hay đôi khi là để trả thù ai đó cho bõ tức.
Tôi trách những người nhìn xuống cô bé đó mà không nghĩ cô bé đó cũng là một nạn nhân của việc bị bố mẹ, trường học, xã hội, bạn trai bỏ bẵng thờ ơ. Nếu mỗi cá nhân được chăm sóc tốt như ở những nước tiên tiến khác sẽ chẳng có câu chuyện đó. Nếu cô bé đó ở một nước khác sẽ có những cách giải quyết khác. Nếu tất cả mọi người đều làm tròn trách nhiệm của mình, chuyện của cô gái đó sẽ không xảy ra.
Riêng tôi, từ khi có con gái tôi đã hướng dẫn con mọi điều tôi biết.
1. Không một ai được chạm vào con, hôn con trừ gia đình. Chỉ nói chuyện thôi. Ai mà biết tay họ đã cầm cái gì trước đó. Mồm họ đã hôn ai trước đó.
2. Con phải tự chăm sóc mình, tự mặc đồ, tự mình xử lý sau khi đi vệ sinh, không nhờ ai để họ
có thể động chạm vào cơ thể con. Con cũng không chạm vào ai, cơ thể của ai là của người đó.
3. Ai làm con đau cả về thể chất hay tinh thần đều là người không yêu con. Yêu đầu tiên là tôn trọng nhau. Đã tôn trọng nhau thì không ai lại làm đau người mình yêu cả dù dưới dạng nào.
4. Con được quyền sai và con luôn có thể nói mọi chuyện với bố mẹ. Tôi không muốn con tôi mai sau sợ tôi đến mức có chuyện gì cả bàn dân thiên hạ biết còn tôi thì không.
5. Tôi nuôi dạy con độc lập để con luôn đứng trên chân mình và không phụ thuộc về tình cảm để người khác lợi dụng thể xác hay dùng thể xác để có được điều mình muốn mà không phải lao động.
6. Tôi tôn trọng và yêu con hết mực để con luôn được sống trong tình yêu và luôn cân bằng không thiếu thốn tình cảm để phải đi tìm kiếm các cảm giác sai lệch với người khác.
7. Khi con lớn, tôi sẽ chỉ cho con tôi cách giữ gìn sức khỏe sinh sản để có những đứa con khỏe mạnh sau này với người mình thực sự yêu thương và xứng đáng làm bố của con mình.
Trước khi đi thực tập ở trường mầm non Montessori ở Anh, tôi được khuyên không chạm vào các em bé. Vì nếu em bé về nhà nói “Mẹ ơi cô sờ vào a, b, c của con”… thì tôi còn có nguy cơ bị ra tòa và bị tước mất bằng dạy học. Trẻ con ở châu Âu được dạy từ nhỏ về việc bảo vệ cơ thể mình khỏi bị
lạm dụng tình dục. Đó cũng là lí do tại sao tất cả các em bé đều phải độc lập khi dùng nhà vệ sinh trước khi đi học mầm non.
Từ góc độ một giáo viên mầm non, tôi cũng mong các bố mẹ làm như thế với con mình. Trang bị các kỹ năng, khuyến khích để con độc lập về thân thể và tình cảm từ nhỏ. Khi cô giáo mầm non không ôm, không dỗ, không vỗ về, động chạm, không rửa đít cho con thực ra là các cô giáo đang bảo vệ con chứ không phải các cô không yêu quý trẻ, không muốn giúp các cháu.
Còn lại đừng ai quyết định hộ cô gái kia, cô gái đó tự biết mình có thể làm gì, nên làm gì. Đôi khi trả giá cũng là một phần của việc học. Chỉ đáng tiếc là học phí của bài học này cao quá.