Ở ngôi trường mầm non nổi tiếng nước Nhật này, trẻ con sẽ được sống đúng cuộc sống của các em và được học tập theo một cách rất đặc biệt.
Kiến trúc độc đáo
Toàn cảnh khuôn viên trường mầm non Fuji.
Trường mầm non Fuji tọa lạc trên một mặt bằng rộng mênh mông ở một ngã tư ngoại ô Tokyo, xung quanh được bao bọc bởi các khu dân cư. Trường mầm non này có không gian giảng dạy và vui chơi cho khoảng 560 trẻ em. Đây là một trường mẫu giáo được thiết kế vào năm 2007. Nó có kết cấu vòng tròn gồm 2 tầng. Tầng một là khu học và tầng hai (tầng mái) để trẻ có thể leo lên đó vui chơi thỏa thích.
Không hề có ranh giới hay sự phân chia giữa các lớp học hay ranh giới giữa bên ngoài và bên trong
Trường không hề có ranh giới phân chia giữa các lớp học, giữa bên ngoài và bên trong.
Ngôi trường này không có giới hạn nào giữa bên trong trường và bên ngoài trường. Kiến trúc của
trường mầm non ở Nhật này về cơ bản là một mái nhà. Và cũng không có giới hạn nào giữa các lớp học. Vì thế, cũng không hề có giới hạn nào về âm thanh. "Khi bạn đặt nhiều đứa trẻ trong một cái hộp yên ắng, một số trẻ có thể sẽ tỏ ra sợ hãi. Nhưng trong trường mẫu giáo này, không có lý do gì khiến bọn trẻ phải sợ hãi. Bởi vì không hề có ranh giới", kiến trúc sư Takaharu Tezuka - tác giả của những thiết kế linh hoạt và đòi hỏi nhiều trí tưởng tượng này cho biết.
Bài học chia sẻ ở bồn rửa tay trong lớp học
Đối với trẻ con ở đây, đi rửa tay là niềm vui.
Mục đích của những bồn rửa tay này là để bọn trẻ có thể tình cờ đến và nói chuyện cùng nhau. Thay vì thiết kế bồn rửa tay theo kiểu “vừa rửa tay vừa nói chuyện với bức tường” thì bồn rửa tay ở ngôi trường độc đáo này không hề bị chắn bởi bất kì bức tường nào. Vòi nước cũng được thiết kế là những ống đúc dẻo khiến trẻ có thể dễ dàng chuyển vòi sang cho bạn khi đã rửa xong. Ở Nhật Bản, cụm từ Ido bata kaigi khá thông dụng. Nó có nghĩa là “hội nghị xung quanh vòi nước”. Đối với những đứa trẻ ở đây, đi rửa tay đồng nghĩa với việc được nói chuyện, la hét và chia sẻ. Hầu hết bọn trẻ đều rất hào hứng. Đối với chúng, đi rửa tay là niềm vui.
Trẻ sẽ được vận động, chạy nhảy rất nhiều
Với quan điểm: "Không bảo vệ, không kiểm soát trẻ quá nhiều, trẻ con thì cần vận động, nhảy nhót và… bị thương" nên ngôi trường này tạo điều kiện cho học sinh vận động tối đa. Trung bình, trong khoảng thời gian 20 phút, một cậu bé có thể đi bộ được 6km. Những đứa trẻ trong ngôi trường này trung bình sẽ được vận động (đi bộ, chạy nhảy) khoảng 4km mỗi ngày. Đây là một trong những trường khuyến khích trẻ em vận động nhiều nhất ở Nhật.
Ngoài ra, kiến trúc độc đáo của ngôi trường này còn cho phép trẻ có thể “trèo cây để lên lớp”. Những đứa trẻ khỏe mạnh có thể thể trèo cây để lên lớp thay vì đi cầu thang bộ như bình thường.
Học cách học tập trong môi trường tiếng ồn
Trong ngôi trường mầm non này bạn sẽ không bắt gặp bất kì một bức tường nào, chỉ có các khối gỗ đồ chơi và đồ dùng bày trải dài trên một sàn. Âm thanh cũng được truyền đi trong khoảng không gian rộng. Nếu hai đứa trẻ tranh giành đồ chơi ở lớp này thì các bạn ở lớp khác cũng sẽ nhìn thấy, nghe thấy. Nếu một lớp học phát sinh vấn đề gì đó thì có thể ngay lập tức nhận được sự giúp đỡ từ những lớp học khác. Theo giám đốc của ngôi trường này: “Không gian có nhiều tiếng ồn sẽ tốt hơn trong việc nuôi dạy trẻ bởi vì chúng cần rèn luyện khả năng tập trung. Một môi trường yên bình, không ồn ào có lẽ không tồn tại trong xã hội hiện đại”.
Trẻ được khuyến khích… bị rủi ro
Ở trong ngôi trường này, cây có nghĩa là nơi chúng được trèo leo lên để nghịch, để khám phá. Thầy cô sẽ khuyến khích chúng tham gia vào những thử thách mà không hề kiểm soát hay bảo vệ quá nhiều. “Trẻ con cần phải bị thương và đó là cách để chúng tìm hiểu về thế giới này”, kiến trúc sư thiết kế ra ngôi trường đặc biệt này cho biết.
Cái gì cũng có thể biến thành đồ chơi
Những cái cây được chăng thêm lưới. Lũ trẻ có thể nhảy nhót trên lưới, đu lên thân cây hay biến nó thành một chiếc võng tùy thích.
Lũ trẻ sẽ rất thích thú khi được nhìn qua giếng trời (phần kính đặt trên tầng hai có thể nhìn xuống được dưới các lớp học). Chúng có thể nhìn vào đó và hét lên sung sướng: “Bạn đâu rồi? Có ai ở dưới không?” và cười thích thú.
Mỗi tháng các giáo viên tại Fuji sẽ sắp xếp lại đồ nội thất trong lớp học và lũ trẻ được yêu cầu để giúp đỡ các cô. Nhưng hầu như việc này thường “vô ích”. Lũ trẻ sẽ ngồi vào trong những chiếc hộp và biến chúng thành một cái tàu lửa. Trong trường có khoảng 600 cái hộp được làm từ gỗ rất nhẹ được gọi là gỗ kiri. Những chiếc hộp này thường không làm tổn thương trẻ nếu có bị va đập vào tường.
Trẻ sẽ được học về động đất
Nhật Bản là đất nước thường xuyên có động đất vì thế những đứa trẻ ở đây cũng được học những kiến thức cơ bản. Chúng sẽ có những cuộc “tập trận” về động đất và đội những chiếc mũ bông bảo vệ dễ thương như thế này đi lại trong trường.
Khuyến khích sự hồn nhiên của trẻ nhiều nhất có thể
Ở ngôi trường này sẽ có những chiếc rào chắn như thế này và bọn trẻ có thể ngồi xuống thò chân tay, thò cổ ra để lắc lư, đung đưa khi chúng thích. Bọn trẻ ở đây có thể vui chơi giống như những con khỉ con ở trong vườn thú.
Chỗ rửa chân của ngôi trường mầm non đặc biệt này cũng được thiết kế với nhiều loại vòi nước và trẻ có thể tự điều chỉnh được. Chúng có thể phun nước lên người bạn bè hoặc rửa tay chân tùy thích.
Ngôi trường Fuji này là do kiến trúc sư Takaharu Tezuka là tác giả của những thiết kế linh hoạt và đòi hỏi nhiều trí tưởng tượng. Ông Takaharu và vợ là bà Yui đã thành lập công ty thiết kế Tezuka Architects. Họ cùng nhau xây dựng những ngôi trường tập trung vào cây xanh, khu vui chơi thiết kế từ các dầm gỗ kết hợp với nhau. Họ thiết kế những bệnh viện có không gian và ánh sáng vui vẻ để giúp tạo tinh thần lạc quan cho bệnh nhân. Từ khi thành lập công ty vào năm 1994, ông Tezuka và nhóm của mình đã thiết kế nhiều tòa nhà với những bức tường và cửa sổ được đưa vào cuộc sống thực sự – sống động và nghệ thuật hơn. |
(Nguồn: Tổng hợp)