Từ những mối quan tâm thường nhật như cho con ăn gì hàng ngày đến những điều lớn hơn như dạy con tự lập, dạy con thói quen ăn uống lành mạnh... đã "hâm nóng" chuyện nuôi dạy con trên facebook tuần qua.
Tôi là một bà mẹ dã man – Chia sẻ của mẹ Lê Mai Hương
Bài chia sẻ của mẹ bé Sa đã lập tức nhận được hàng trăm lượt chia sẻ của cộng đồng phụ huynh trên facebook. Mẹ Sa nói rằng chị "bị" gọi là một bà mẹ dã man vì không đút cho con ăn, không đỡ khi con ngã, không dỗ con khóc.... Chị cũng nêu ra lí do vì sao chị làm thế từ kinh nghiệm bản thân và mong muốn
dạy con tự lập.
“Tôi là một bà mẹ dã man. Ai nói thế đầu tiên nhỉ? Bà ngoại Sa. Vì rất nhiều thứ. Vì không xúc cho Sa ăn, vì không giúp Sa, không đỡ con khi ngã, không dỗ con khi con khóc, không bê hộ cái ba lô nặng, không rất nhiều thứ... Sau này thêm rất nhiều người nói ra hoặc nghĩ tôi là người dã man chẳng có chút tình thương với trẻ con.
Đúng là tôi rất “dã man” vì tôi không bao giờ giúp bất cứ ai cái mà họ có thể tự làm được.
Tại sao ư? Làm được thì tự đi mà làm sao phải nhờ người khác giúp. Mà hỏi tôi, tôi trả lời có hay không là quyền của tôi làm sao mà lại trách tôi.
Tôi đã phải trả giá rất nhiều cho việc không độc lập của mình khi bước chân sang Hà Lan và mất một năm trời để thích nghi. Ngay sau đó tôi luôn phải vừa đi làm vừa đi học vừa lo cuộc sống cho chính mình và học những bài học kỹ năng sống suốt 16 năm học ở Việt Nam chẳng có ai dạy tôi cả.
Tôi muốn gap year là một trong những sự lựa chọn của Sa khi 18 tuổi. Tôi không được làm thế khi tôi 18 tuổi càng thúc đẩy tôi giúp Sa để bạn ý có thể làm được. Tôi muốn giúp Sa lớn lên với suy nghĩ “I can do it” - Mình làm được. Để 18 tuổi Sa ra khỏi nhà, bạn ý có thể đi đâu, làm gì cũng không vất vả như tôi hồi trước. Và để chính tôi cũng không phải lo lắng cho đứa con gái bé bỏng của mình. Tôi không có tiền cho con, nhưng tôi sẽ giúp con trang bị các kỹ năng. Tiền con tôi sẽ phải tự kiếm, giống tôi ngày trước. Nhưng đương nhiên đó chỉ là một lựa chọn. Nếu Sa chọn thì Sa làm. Nếu Sa không muốn thì đó là quyết định của bạn ý.
Thế nên tôi là một bà mẹ dã man. Tôi sẽ không bao giờ giúp Sa những việc Sa có thể làm được. Ngược lại tôi còn luôn hỏi Sa cuối mỗi ngày:
1. Hôm nay con làm được gì cho cái đầu của mình?
2. Hôm nay con làm được gì cho cơ thể mình?
3. Hôm nay con làm được gì cho ngôi nhà của mình?
4. Hôm nay con làm được gì cho mẹ?
Và tôi dã man với Sa không phải vì tôi không yêu con mà vì tôi tin vào năng lực của bạn ý. Tôi nói không vì tôi biết con tôi không cần sự giúp đỡ cũng làm được việc đó. Vì sau này, sẽ có những chuyện vượt ra ngoài tầm hiểu biết và sự kiểm soát của tôi, tôi hy vọng con tôi khi không có mẹ bên cạnh sẽ luôn tự mình vượt qua được mọi chuyện vì từ nhỏ mẹ đã luôn nói “Mẹ tin là con tự làm được. Con không cần mẹ giúp đâu”.
7 bí quyết khơi dậy niềm đam mê ăn uống cho trẻ - Chia sẻ của mẹ Phan Hoàng Yến
Tác giả đã chia sẻ yếu tố quan trọng nhất khiến quá trình ăn dặm của trẻ trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu đó chính là khơi dậy niềm đam mê ăn uống cho trẻ. 7 bí quyết chính là : Là một tấm gương tốt cho con - Để trẻ tham gia vào bữa ăn cùng gia đình - Miêu tả "độ ngon" của món ăn - Để trẻ làm phụ bếp cho bạn - Không cho trẻ quyền ưu tiên - Hỏi con thích ăn gì và cuối cùng hãy là một bà mẹ "lười".
7 bí quyết tuy đơn giản nhưng nếu không có sự quyết tâm và kiên trì của người mẹ thì cũng sẽ trở thành khó khăn. Vì thế các mẹ hãy cùng cố gắng để con thấy được niềm vui trong ăn uống nhé!
Vài nguyên tắc mà mẹ Larry áp dụng trong việc ăn uống:
- Không ăn thì thôi, đói ráng chịu.
- Không sợ con đói, không sợ con bỏ bữa.
- Chỉ được ăn những món trên bàn ăn, nếu không ăn thì nhịn. Mẹ không bao giờ nấu đủ thứ món cho 1 bữa ăn.
- Trước giờ ăn không ăn vặt (bánh, kẹo....).
- Cha mẹ phải tôn trọng trẻ, không áp đặt.
- Ăn thì ngồi 1 chỗ, chạy lung tung là nhịn.
- Tự mang đồ ăn lên, và tự dọn đồ ăn xuống.
Ngoài ra mẹ Larry cũng chia sẻ rằng:
Với những nguyên tắc như thế, Larry nhà mình đã trở thành 1 “foodie” chính hiệu từ lúc nhỏ. Larry ăn tất cả mọi thứ, ăn rất nhiều, và rất khoẻ. 14 tháng đi du lịch nước ngoài ăn tất cả mọi thứ mà cha mẹ nó ăn. Bây giờ thì em 2 tuổi 7 tháng rồi. Nếu là món ngon, và trúng món con thích thì ăn đến khi nào hết đồ ăn thì thôi, không có định nghĩa no. Khẩu phần ăn của em thì bằng người lớn. Ai nhìn em ăn cũng chảy nước miếng theo, đến cả mẹ nó cũng há mồm nhìn nó ăn. Ăn khỏe nên sức khoẻ cũng dồi dào. Rất ít khi ốm vặt.
Đừng có áp dụng cứng nhắc các kiểu ăn dặm. Ăn dặm kiểu này kiểu nọ giống như mốt nuôi con thời nay. Bạn phải hiểu con mình, hiểu rõ cái hay và từng nguyên tắc của mỗi phương pháp ăn dặm. Rồi từ đó áp dụng linh hoạt.
Chẳng có đứa trẻ nào sinh ra đã bị biếng ăn, nếu có là tại cái người trực tiếp chăm trẻ. Quan niệm sai lầm, thói quen xấu kéo dài dần hình thành nên sự biếng ăn. Đừng đổ thừa con mình khó, hãy đổ thừa mình “lười, kém hiểu biết”.
Trẻ dưới 1 tuổi nên tránh những đồ ăn gì? – Chia sẻ của mẹ Quỳnh Chi
Mẹ Quỳnh Chi chia sẻ khuyến cáo của cực thực phẩm Thụy Điển về danh sách những thực phẩm không nên cho trẻ một tuổi ăn bao gồm:
- Rau có lá to bản màu xanh vì có chứa nhiều nitrat
- Khoai tây mọc mầm.
- Mật ong.
- Sữa chưa được tiêt trùng.
- Muối
- Đường
- Các loại hạt khô và lạc khi để nguyên hạt.
Trong đó có 3 lưu ý quan trọng là:
Muối
Trẻ dưới 1 tuổi không thể tự điều chỉnh cân bằng được hàm lượng muối trong cơ thể. Chính vì vậy không nên thêm muối vào đồ ăn cho trẻ dưới 1 tuổi (bao gồm cả nước mắm, xì dầu). Tuy nhiên có thể sử dụng các loại rau gia vị như thì là, mùi, hành... trong nấu đồ ăn cho trẻ.
Lưu ý: muối cũng có trong nước mắm, xì dầu, hạt nêm các loại.
Đường
Tránh cho thêm đường khi nấu đồ ăn của trẻ. Đường không hề có vitamin hay khoáng chất mà chỉ có những ”Calorie trống rỗng”. Trong sữa chua có vị (ví dụ sữa chua hoa quả bán sẵn), bánh, kẹo, kem, nước hoa quả, nước uống có gas (ví dụ như coca cola hay bò húc)… có chứa rất nhiều đường. Nên tránh cho trẻ sử dụng những đồ này càng lâu càng tốt.
Các loại hạt khô và lạc khi để nguyên hạt
Các loại hạt khô và lạc khi để nguyên hạt có thể gây hóc ở trẻ. Chỉ nên cho trẻ ăn ở dạng nghiền hoặc băm nhỏ.