Bố mẹ càng hiểu về công nghệ càng muốn con... tránh xa công nghệ
Tại ngôi trường không máy tính này học sinh được thoải mái học tất cả các môn mà không có sự có mặt của máy tính.
Đó là một thực tế đang diễn ra tại thung lũng Silicon, nơi được coi là thành phố công nghệ cao hiện đại nhất thế giới, nơi quy tụ những "cao thủ" công nghệ và những người am hiểu, sành sỏi nhất về các thiết bị điện tử hiện đại. Tuy nhiên, tất cả các bố mẹ ở đây đều đang sẵn sàng chi trả mức học phí cao để cho con theo học trong các trường dạy học bằng phương pháp Waldorf - một phương pháp "tẩy chay" tất cả các thiết bị hiện đại.
Với phương pháp dạy học này, phương tiện dạy học có thể là bút, giấy, bảng,..., ngoại trừ máy tính và các thiết bị công nghệ cao. Trong lớp học không có màn hình máy chiếu, không máy tính và đôi khi còn hạn chế học sinh sử dụng những thiết bị này ở nhà.
Ngôi trường thuộc thung lũng Silicon này chỉ là một trong 160 trường dạy theo phương pháp Waldorf ở nước Mỹ. Phương pháp giảng dạy tập trung vào các hoạt động thể chất, học tập thông qua sự sáng tạo và thực hành. Họ cho rằng máy tính ức chế tư duy sáng tạo, hạn chế tương tác giữa con người và làm giảm khả năng tập trung.
Tại đây, một phần lớn học sinh theo học có cha mẹ là những người sành về công nghệ. Đến thăm quan ngôi trường, bạn sẽ thấy bất ngờ vì những quang cảnh bình dị với bảng đen, phấn màu, giá sách, bách khoa toàn thư, bàn gỗ, bút chì,... Đôi khi bạn sẽ nhìn thấy những hoạt động mới lạ của học sinh, những bài học thực hành về tính nhẩm, những trò chơi để học sinh nhớ lâu, phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng toán học.
Trong lớp học, cô giáo dạy học sinh toán bằng cách chơi trò chơi với những con số được viết trên bảng. Những đứa trẻ phải phản xạ thật nhanh đập vào những con số đó khi cô giáo yêu cầu. Hay cách khác, giáo viên có thể dạy phân số bằng cách cắt trái cây như táo, bánh để học sinh biết phân biệt một nửa, một phần tư,...
Dưới sân trường, bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh học sinh đứng thành vòng tròn để học kĩ năng ngôn ngữ bằng việc nhắc lại theo lời giáo viên hay chơi trò đuổi bắt nhằm phát triển cả não bộ và vận động cơ thể. Một ngày học nơi đây có thể bắt đầu với việc ngâm những bài thơ.
Ông Eagle, từng theo học về công nghệ thông tin tại trường Dartmouth và hoạt động trong lĩnh vực truyền thông của Google là người rất ủng hộ phương pháp này, những đứa con của ông đều học tại các trường Waldorf. Cô con gái của ông đang học lớp năm nhưng không biết dùng Google và cậu con trai lớp 8 mới bắt đầu học sử dụng công nghệ cao.
Phương pháp học không đề cao thành tích và điểm số
Dù có bố mẹ làm trong ngành công nghệ, nhưng bọn trẻ không hề thích tiếp xúc với công nghệ...
Phương pháp giảng dạy Waldorf này đã có gần một thế kỷ trước. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về vai trò của máy tính trong giáo dục vẫn còn tiếp diễn. Theo một số chuyên gia giáo dục, không có cở sở khi nói rằng lắp đặt các trang thiết bị công nghệ cao sẽ thúc đẩy giáo dục. Và thực tế cũng rất khó để chứng minh phương pháp giảng dạy nào tốt hơn.
Những ngôi trường theo phương pháp Waldorf thường không áp đặt một tiêu chuẩn nào cho kết quả học tập và cũng không yêu cầu học sinh đạt điểm cao trong các kì thi. Nếu được hỏi về hiệu quả giảng dạy, Hiệp hội các trường Waldorf chỉ ra rằng 94% học sinh tốt nghiệp từ năm 1994 đến 2004 sau đó vào các trường Đại học uy tín như Oberlin, Berkeley, Vassar,..
Giáo sư về giáo dục tại Đại học Furman Paul Thomas, người từng viết 12 quyển sách về phương pháp giáo dục công lập, cũng nói “cách tiếp cận với thiết bị công nghệ trong lớp sẽ làm phân tâm trong việc học đọc, viết, làm toán và tư duy phê phán”.
Những người ủng hộ phương pháp Waldorf cũng nói sự tương tác thực sự sẽ đến từ những giáo viên tuyệt vời với bài giảng thú vị. Ông Pierre Laurent 50 tuổi làm việc về công nghệ cao và trước đó từng làm tại Intel và Microsoft, có 3 đứa con học trong trường Waldorf và vợ ông cũng là một giáo viên ở đó chia sẻ: “Sự tương tác trong giáo dục là giao lưu giữa con người, giữa phụ huynh với giáo viên, giữa bạn bè cùng lớp”.
Ngược lại, người phản đối phương pháp này cho rằng trẻ em cần tiếp xúc với
máy tính trong thế giới hiện đại ngày nay nhưng những người ủng hộ Waldorf lập luận: “Học cách sử dụng công nghệ dễ như dùng thuốc đánh răng. Tại Google và những công ty về công nghệ, chúng tôi luôn làm cho công nghệ trở nên tiện lợi và dễ dàng hết mức có thể. Chẳng có lý do gì mà trẻ em không tiếp cận được khi chúng lớn lên”.
Những bài học giàu cảm xúc
Trong môi trường học tập như vậy, học sinh của trường vẫn khẳng định họ vẫn được tiếp cận với công nghệ. Một cô bé vẫn thường giúp cha là kĩ sư Apple thử các ứng dụng mới hay một cậu bé cuối tuần thường chơi những trò chơi điện tử.
Những cô bé, cậu bé thường không thích cha mẹ và người thân cứ “dính lấy” các thiết bị điện tử. Cậu bé Aurad Kamkar 11 tuổi đến thăm anh em họ và thấy 5 người xung quanh mình đều ôm lấy máy tính mà không quan tâm gì khi cậu bé đến, và cậu phải liên tục vẫy tay để thu hút sự chú ý.
Cậu bé Finn Heilig 10 tuổi có cha là việc tại Google nói rằng thích học với bút chì và giấy hơn là
máy tính vì cậu có thể theo dõi sự tiến bộ của mình hàng năm. Nhìn lại những nét chữ đầu tiên nguệch ngoạc của mình cậu bé thấy thú vị hơn nhiều chữ viết máy tính lạnh lẽo vô hồn, cậu bé nói "Những bài học của cháu có nhiều cảm xúc hơn, cháu cảm thấy vui vì điều đó".