Khi trong gia đình xuất hiện một đứa con, cuộc sống của người mẹ sẽ hoàn toàn thay đổi: tất cả thế giới chỉ còn xoay quanh thiên thần nhỏ đó.
Thời gian trôi qua, những ông bố bà mẹ vẫn tiếp tục là người cố gắng đảm bảo mọi nhu cầu vật chất cho con mình, cố gắng mang đến cho con mọi điều tốt đẹp nhất. Nhưng liệu việc dành hết cả cuộc sống của mình cho con có phải là đúng đắn? Con cái có cần sự hy sinh đó của bố mẹ?
Thông thường những đứa trẻ không hiểu lắm những năm tháng tốt đẹp nhất của đời người mà bố mẹ đã dành hết cho chúng. Vậy thì ranh giới giữa sự quan tâm và hy sinh ở đâu? Làm sao học được cách sống cho mình và để cho trẻ được sống cuộc sống riêng của nó?
Có cần phải thay đổi cả thế giới?
Sai lầm lớn nhất của các bậc phụ huynh là thu gọn thế giới lại xung quanh con. Dù khi đó con chỉ là một đứa trẻ nhỏ xíu, chưa biết gì. Con cái không phải là cái rốn của vũ trụ, con cái dù gì đi chăng nữa cũng chỉ là một thành viên của gia đình, như tất cả mọi người khác. Tất nhiên là một em bé sẽ có rất nhiều nhu cầu mà tự nó không thể lo cho nó được. Nhiệm vụ của bạn là giúp bé, dạy dỗ cho bé biết tự làm mọi việc để lúc nào đó sống hoàn toàn tự lập.
Mô hình đúng nhất cho mối quan hệ của con cái với cha mẹ là khi đứa trẻ sống cuộc sống của cha và mẹ chứ không phải là ngược lại. Đứa con không thể hạnh phúc khi ở cạnh cha mẹ và được họ đặt lên "bàn thờ" tình yêu. Đứa trẻ hạnh phúc lớn lên trong gia đình có những ông bố, bà mẹ hạnh phúc. Chả có gì là phức tạp ở đây cả. Hãy hiểu mọi việc thật rõ ràng – con bạn sẽ được chăm sóc tốt khi bạn cảm thấy mình vui vẻ, bình an.
Ảnh minh họa.
Những sự hy sinh cần thiết cho ai?
Những bậc cha mẹ quên đi cuộc sống của chính mình và những người thân sớm hay muộn sẽ bắt đầu trút lên con cái sự bất mãn về cuộc sống của mình! Khi họ cố gắng làm mọi thứ vì lợi ích của con, sẽ có lúc họ nhìn thấy trong chính tình yêu đó, thậm chí trong chính đứa trẻ, người có lỗi trong mọi tai họa của mình. Vậy thì ai cần sự hy sinh đó?
Chắc chắn là không phải bạn, cũng không phải con bạn. Đừng hy vọng rằng con bạn sẽ cám ơn bạn vì “chiến công” mà bạn thực hiện khi “làm mọi thứ tốt nhất cho con”, thậm chí cũng đừng trông chờ con thương hại hay đồng cảm với bạn. Khi bạn bất mãn và trách móc con, bạn sẽ nhận được những phản ứng tiêu cực, sự tự ái và không thể chia sẻ. Con cái không bao giờ yêu cầu bạn sống đau khổ vì nó.
Các con bạn không có lỗi. Đừng khiến chúng phải cảm thấy có lỗi vì chúng đã khiến bạn không hạnh phúc, phải lo toan vất vả - đó là lựa chọn của bạn. Nếu bạn hạnh phúc, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhàng cùng với con bạn, con bạn cũng sẽ cảm thấy y như vậy.
Có thể là bạn tiếp thu “mô hình” hy sinh từ chính cha mẹ bạn. Vậy nên bất cứ khi nào bạn muốn trách móc con bạn về những gì bạn không có được thì bạn hãy nhớ rằng bạn đã từng cay đắng thế nào khi nghe những lời trách móc đó dành cho mình.
Vì hạnh phúc của người mẹ
Nếu bạn nhận ra hình ảnh của mình trong bức chân dung chung “Người mẹ anh hùng”, hãy cố gắng thay đổi mọi việc, đầu tiên là vì chính bản thân mình.
Hãy hình thành trong con cái mối quan hệ đúng đắn trong việc phân chia các giá trị vật chất giữa các thành viên trong gia đình. Hãy để con cái hiểu rõ quy tắc: “Đầu tiên là mẹ, sau đó mới tới con”. Đừng mua cho con những thứ mà chính bạn không có. Con gái muốn có Iphone 6, mẹ phải có nó trước đã. Nếu không, đừng nghĩ tới chuyện đó. Khi con trẻ có được những món đồ mắc tiền mà bạn đã phải chi gần hết tháng lương, chúng không thể đánh giá được đầy đủ giá trị của việc hy sinh đó, bởi chúng không biết bạn đã phải làm lụng nhiều thế nào mới có thể mua được món đồ ấy.
Ảnh minh họa.
Đừng hiện thực hóa những ước mơ không thành của bạn bằng cuộc đời con bạn. Con bạn có toàn quyền xây dựng số phận của mình và lựa chọn con đường đi của mình. Giống như chính bạn. Thừa nhận và sửa chữa sai lầm của mình không bao giờ là muộn, vậy thì hãy tự hiện thực hóa những mong muốn của mình. Bạn sẽ cảm thấy thật sự hạnh phúc.
Đừng đặt mong muốn và nhu cầu của con lên cao hơn của bản thân. Con trẻ không phải là thần thánh hay cái rốn của vũ trụ. Bé cũng chỉ là một con người bình thường. Mang cho con tất cả những gì mà chính bạn không có bạn có thể sẽ biến con thành một kẻ ích kỷ không bao giờ cần biết tới mong muốn của cha mẹ mình, một kẻ luôn cho rằng mọi người có nghĩa vụ phải thực hiện mọi ý muốn của anh ta.
Đừng chờ mong lòng biết ơn về sự hy sinh của bạn. Bạn mang tặng con bạn cả cuộc sống của bạn, yêu và quan tâm tới nó – đó là lựa chọn chỉ của riêng bạn. Con bạn không có lỗi khi bạn quên mất những mong muốn hay nhu cầu riêng của mình. Con bạn sẽ càng không cảm thấy vui sướng gì với những món quá được tặng ấy nếu nó luôn đi kèm với lời trách móc, kể lể.
Ảnh minh họa: Internet
Hãy nhớ rằng sớm hay muộn con bạn cũng sẽ rời khỏi tổ và sẽ có gia đình riêng của mình. Những ông bố bà mẹ cả đời công kênh con trên vai nhiều khả năng sẽ muốn tham gia một cách tích cực vào cuộc sống của con, can thiệp vào gia đình trẻ - đó là điểm khác biệt với những ông bố bà mẹ có mối quan tâm riêng, mong muốn riêng, đam mê riêng của mình.
Đừng rơi từ thái cực này qua thái cực kia. Những ông bố bà mẹ quá ích kỷ cũng không tốt như nnhững ông bố bà mẹ quá hy sinh cho con. Dù sao thì việc chăm sóc con cái, quan tâm tới sự phát triển và giáo dục con cũng chiếm nhiều thì giờ, sức lực, tiền bạc của chúng ta. Nghĩa vụ của bạn là đảm bảo mọi nhu cầu cần thiết của con cái. Tất nhiên, cha mẹ sẽ phải hy sinh điều gì đó cho con cái và điều quan trọng là những gì cần phải hy sinh đó phải nằm trong vòng kiểm soát của sự thông minh, tỉnh táo, hiểu biết.
Con cái là một phần hết sức quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, nhưng cũng không phải là tất cả. Chẳng có đứa trẻ nào lại không vui sướng và tự hào vì một người mẹ thành công, hạnh phúc. Đừng làm mất đi của con trẻ niềm vui đó. Hãy sống một cuộc sống sáng lạn, đầy đủ, trọn vẹn, để con bạn được tự hào bởi bạn! Hãy hạnh phúc cùng nhau, yêu thương nhau – để có được điều đó không cần phải hy sinh chính bản thân mình.
làm cha mẹ, nuôi dạy trẻ, sinh con, nuôi con, làm mẹ