Ngày Tết Trung Thu gắn liền với hình ảnh mặt trăng, ngoài những trò chơi dân gian dưới ánh trăng sáng, phá cỗ ngắm trăng thì các trò chơi về mặt trăng sẽ giúp cả nhà có những phút bên nhau thật vui và hào hứng.
Mặt trăng “lớn lên” như thế nào?Đây là một trò chơi khoa học đơn giản nhưng vô cùng thú vị đối với các bé lứa tuổi từ 4 trở lên.
Trò chơi không chỉ giúp con hiểu được chu kỳ phát triển của mặt trăng mà còn rèn luyện rất nhiều kỹ năng, kiến thức về nhận biết hình khối, cắt dán và tư duy logic…
Để chuẩn bị cho trò chơi, trước hết, bố mẹ có thể lên mạng để tìm hiểu về các chu kỳ phát triển của mặt trăng, chuẩn bị một tờ giấy màu, giấy trắng, một mẩu giấy màu đen (hoặc vàng), bút, hồ dán…
Dùng giấy màu đen (hoặc vàng) cắt thành một mặt trăng tròn, giấy trắng dùng để cắt mặt trăng theo từng chu kỳ phát triển mà bố mẹ đã nghiên cứu, giấy màu bố mẹ hãy cắt thành một dải giấy dài để con có thể dán lên.
Bố mẹ dùng bút để vẽ các chu kỳ phát triển của mặt trăng lên dải giấy màu, xếp các hình đã cắt từ giấy trắng tương ứng lên phía trên và hướng dẫn con dán các hình giấy cắt vào hình vẽ đúng trên giấy màu. Đối với các bé lớn hơn, bố mẹ có thể ghi tên từng chu kỳ mặt trăng lớn lên ra giấy để sau khi dán đúng phần hình các con sẽ dán tên của chu kỳ đó ở bên dưới. Còn với các con nhỏ hơn, bố mẹ có thể in luôn hình vẽ về sự phát triển của mặt trăng ra giấy, cắt riêng từng chu kỳ và “thử thách” các con sắp xếp lại cho đúng thứ tự.
“Miệng núi lửa” trên mặt trăngKhi ngắm mặt trăng tròn xoe vào ngày Tết Trung Thu, con gái tôi đã ước được “nằm ườn” trên cung trăng vì chắc là “ở trên đó êm ái và… mịn lắm”, ước mơ là thế, nhưng thực tế thì có vẫn nên biết là mặt trăng thực sự gồ ghề và lồi lõm như thế nào, thế là tôi tìm được trò chơi này – làm “miệng núi lửa” trên mặt trăng (thực chất là những “lỗ thủng” trên bề mặt mặt trăng).
Không chỉ là một trò chơi khoa học rất đơn giản giúp con tìm hiểu xem miệng núi lửa trên mặt trăng đã hình thành như thế nào, đây còn là một trò chơi phát triển giác quan thú vị khi con được chơi với bột mỳ, đá hoặc các viên bi ve…
Mẹ hãy chuẩn bị một khay giấy bạc dùng để nướng đồ ăn hoặc một khay nhựa có độ cao vừa phải hình tròn, bột mì, vài viên đá, bi ve… rồi làm theo các bước sau:
Hướng dẫn con múc bột mì đổ vào khay cho đến khi bột lấp đầy đến miệng khay thì dùng đáy thìa, muỗng to để san phẳng bề mặt của “mặt trăng bột mì”. Sau đó, con sẽ đặt những viên đá, bi ve đã chuẩn bị lên bề mặt của mặt trăng, cuối cùng thì để con nhặt các viên đá, bi ve đó ra khỏi khay bột, thế là các miệng núi lửa đã xuất hiện trên “mặt trăng bột mì” của con rồi.