Đó là câu hỏi đầy trăn trở của một người mẹ từng trải qua cảm giác của ngày đầu tiên con đi học.
Được sự cho phép của tác giả, nhân ngày Khai giảng năm học mới, xin đăng lại những tâm sự này của chị, như là một sự chia sẻ, khích lệ đối với tất cả những người mẹ đang cùng con đặt những bước chân đầu tiên vào cổng trường học ngày khai giảng.
“Tuần này trẻ con lớp một nhập học.
Người ta có thật sự biết khi cha mẹ cầm lấy bàn tay với những ngón còn rất nhỏ của con mình dẫn đến trường, đứng ở cửa lớp nhìn con một mình tìm lấy chỗ ngồi của nó trên một băng ghế, việc đó có ý nghĩa gì, hay không? Có việc gì trên đời quan trọng hơn việc này? Hiếm lắm.
Với tất cả thành tâm, tôi cầu chúc mọi cha mẹ trẻ trên đất nước tìm được một cô hoặc thầy giáo, một lớp học, một mái trường ân cần, nhân ái, đủ đạo đức và chuyên môn, để gửi gắm con vào lớp 1.
Một trong những kỉ niệm buồn nhất mà tới giờ này tôi vẫn chưa vượt qua được đã xảy ra vào một ngày đáng lẽ là ngày hân hoan được hết lòng mong đợi như hôm nay: ngày nhập học của con.
Chuyện xảy ra đã 15 năm nhưng điều đáng buồn nhất là sau 15 năm, nó vẫn chưa “lỗi thời”.
Năm con trai tôi vào lớp 1, tôi quyết định cho con đi học trường Việt. Nhưng cái giá của sự yêu tiếng Việt, chúng tôi không trả nổi. Khi làm thủ tục nhập học, tôi đã nói chuyện với nhà trường, rằng con tôi học mẫu giáo ở nước ngoài, và mẫu giáo nước ngoài không dạy viết, dù là viết tiếng nước nào. Ngay trong ngày đầu tiên ở lớp 1 tại trường bán dân lập đó, thằng bé bị cô giáo nắm tóc đánh vì không biết viết.
Đó là buổi học đầu tiên và cuối cùng của con tôi ở đó. Ngày hôm sau tôi đi học thay con trai. Bất chấp các cô ở văn phòng ngăn chặn thế nào, tôi đi thẳng vào lớp, ngồi vào chỗ của con, chờ cô giáo vào để hỏi cô đã làm gì con tôi. Lúc cô giáo chưa tới, tôi có một ít thì giờ để hỏi các học sinh khác về chuyện nắm tóc ngày hôm qua.
Tôi cho con nghỉ học, thì cần gì phải mất thì giờ nói chuyện với cô giáo. Nhưng tôi đến lớp để nói với cô giáo như thế này: Vấn đề không phải là con tôi. Tôi không đến để xin cô con tôi không biết viết thì mong cô để từ từ em học. Tôi đến để nói cô không có quyền làm vậy với bất cứ em nào cả và chờ nghe cô trả lời ai cho phép cô làm như vậy.
Nhưng tôi chỉ tưởng tượng thôi. Lúc gặp cô giáo, tôi không có cách nào để hỏi câu đó cả. Vì tôi có la hét thế nào, cô giáo cũng không nghe thấy.
Đó là một bà già điếc. Vừa điếc vừa có vẻ như sắp loà đến nơi, hay ít nhất là cô giáo không có khả năng tập trung cái nhìn của mình vào người đối diện, vào học sinh, hay vào bất cứ thứ gì. Cô giáo ngơ ngác, không biết tôi nói gì, muốn gì. Có thể bà già ấy giả điếc, có thể bà ấy điếc thật. Còn tôi, tôi còn ngơ ngác hơn bà ấy. Bà già điếc này là cô giáo nghe con chúng tôi đọc bài? Một bà già mà nếu gặp ngoài phố, lúc bà sắp băng qua đường, chúng tôi sẽ chạy lại nắm tay bà dắt qua vì bà không nghe không thấy lỡ bị xe đụng thì sao?
Rồi cũng cái bàn tay yếu đuối mà chúng tôi sẽ nắm lấy dắt qua đường đó sẽ nắm tóc con chúng tôi lên tát vào mặt chẳng vì lý do gì cả. Điều mà chúng ta không bao giờ tưởng tượng được là những con người hiền lành yếu đuối có thể làm gì với bọn trẻ con khi chúng ta quay lưng đi. Và tôi đã không tưởng tượng được. Tôi đi về.
Lúc đi ngang văn phòng, các cô ở văn phòng nói cô giáo lớp 1A đã về hưu rồi. Tôi không phải lo lắng cho con mình, chờ vài hôm có giáo viên mới, thì cô ấy sẽ nghỉ thôi. Cô ấy già rồi. Đánh học trò là thói quen. Người già rất khó bỏ đi thói quen mấy mươi năm của mình.
Mong là các con đi học không chỉ để học chữ mà còn được che chở và yêu thương để luôn vui tươi và hồn nhiên. (Ảnh: Học sinh lớp 1C, trường tiểu học Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh - Hải An) Trẻ con đi học có phải để bị đánh, chỉ vì đánh là một thói quen của thầy cô hay không?
Vấn đề của chúng ta là chúng ta không phải là người ở bên ngoài để mà dửng dưng với chuyện đánh trẻ con, cũng không phải là người ở bên trong trong để cương quyết làm cho đến nơi đến chốn. Tôi không là ai và không ở đâu cả. Tôi ở đâu về, đã cho con nghỉ học, thì không có lý do và vị trí nào để ngăn chặn chuyện cô giáo già nắm tóc trẻ con lớp 1 tát tai. Những phụ huynh khác không cho con nghỉ, thì không làm chuyện đó vì họ rất biết rằng thái độ tốt nhất là làm sao cho con mình càng ít bị để ý càng tốt. Để trả thù trẻ con, thì một số thầy cô, nhà trường có nhiều dịp lắm. Và nhiều thời gian, rất nhiều.
Một xã hội xa xưa nào khác, trong một cộng đồng nhỏ, việc gì trong đó cũng liên quan đến mình. Mình làm gì cũng trong một cái khoảng không gian bên trong tầm nhìn. Chúng ta có thể thấy, nghe được vang vọng của việc mình làm. Tôi tưởng tượng như vậy. Nhưng xã hội hiện đại quá lớn. Sự phân quyền và phân công chiều dọc chiều ngang trong một vùng quá rộng đã trở nên quá trừu tượng và khó hiểu. Có những việc có quá nhiều người có trách nhiệm, đến nổi xin làm một chuyện gì đó phải qua gần mười ban ngành. Rồi có những việc không ai cảm thấy là việc của mình cả.
Một trong những bản năng cần thiết nhất của con người - của bất cứ động vật nào - là bản năng bảo vệ những gì thơ trẻ. Chúng ta nhìn thấy trong đôi mắt trẻ con sự ngây thơ, đáng yêu, và cần được đùm bọc. Trời sinh chúng ta thấy như vậy, vì trẻ con non yếu, không được che chở thì em gẫy đổ. Đến cái bản năng đẹp đẽ nhất mà cũng đành bỏ hay sao?".