Chị Dương Thanh Nga, mẹ của một bé trai đáng yêu tên Liam, không “hot” kiểu “mặt trời” – kiểu có thể sẽ làm bạn chói mắt và… toát mồ hôi, chị ấy “nóng” kiểu núi lửa – kiểu sẽ khiến cho bạn càng dấn thân tìm hiểu càng khâm phục và kính nể.
Profile:
Mẹ: Dương Thanh Nga
Con trai: Liam, 7 tháng tuổi.
Cả gia đình hiện đang sống ở Missouri (Mỹ). |
Là một cô gái Sài Gòn có vóc dáng nhỏ bé với khuôn mặt luôn thường trực một nụ cười rạng rỡ, chị chu du khắp Châu Âu và các miền đất Trung Hoa thời sinh viên, trở thành mẹ khi ở Mỹ, những chuyến đi của chị tiếp tục nối dài và thêm một bạn đồng hành mới là cậu con trai nhỏ vô cùng đáng yêu.
“Mẹ tớ ấy à! Vừa giỏi, vừa xinh, vừa cool lắm nhé”
Chào chị, mẹ Liam đúng là một bà mẹ “toàn cầu hóa” (sinh ra ở Việt Nam, từng học tập ở Châu Âu, lấy chồng ở Trung Quốc, làm việc ở Mỹ….), điều đó đã ảnh hưởng như thế nào tới cách nuôi dạy con của chị? Chị có nuôi dạy con theo một phương pháp hay “trường phái” nào nổi tiếng không?
- Tiếp cận với nhiều môi trường, bị “toàn cầu hóa” như cách mọi người hay nói, khiến cho mình phải chấp nhận rằng không có gì là đúng hay sai bởi điều gì cũng có thể là sai, là đúng. Một phương pháp khiến người này thành công có thể hoàn toàn thất bại khi áp dụng vào hoàn cảnh người khác. Các “trường phái” thường có tính định hướng hơn là công thức áp dụng vào một trường hợp cụ thể. Mỗi em bé khi vừa sinh ra là một cá nhân độc nhất với những tính cách khác nhau, không một em bé nào giống em bé nào cho dù có là sinh đôi sinh ba chăng nữa. Mình không đụng nhiều đến những quyển sách “Dạy làm cha mẹ”, mà thay vào đó mình rất hứng thú với những tài liệu giảng giải về sự phát triển não bộ, giác quan, tâm lý, suy nghĩ và thể chất của trẻ. Mình muốn nhìn thế giới theo cách con nhìn vì chỉ khi thực sự thấu hiểu con mới có thể dạy con.
Liam – em bé của “thế giới phẳng”. Cậu bé sinh ra ở Mỹ, mẹ là người Việt Nam, bố là người Trung Quốc, có 3 quốc tịch, (sẽ) biết nói ít nhất 3 ngôn ngữ, bay qua 3 châu lục từ khi còn ở trong bụng mẹ. Trên những con đường, Liam cùng mẹ học và khám phá những bài học đầu tiên của cuộc đời mình.
Trong cuốn “Chuyện gì đang xảy ra trong đầu con trẻ” (What’s going on in there – How the brain and mind develop in the first five years of life), tiến sĩ Lise Eliot – bản thân cũng là một người mẹ - đã khẳng định nghiên cứu của các nhà khoa học rằng sự thông minh của một đứa trẻ phụ thuộc vào 2 yếu tố: gene và môi trường chúng tiếp xúc. Chúng ta không thể thay đổi gene những có thể thay đổi môi trường. Trẻ em được “quăng” vào một thế giới phong phú bên ngoài sẽ có tư duy và giác quan tốt hơn những trẻ em bị bó hẹp trong khuôn khổ nhất định. Ngay cả như người lớn chúng ta vẫn mất đi 20 triệu nơ ron thần kinh mỗi ngày nếu chúng ta không đụng đến chúng.
Chị có chia sẻ quan điểm của chị và chồng trong việc dạy con, đó là “sẽ dạy con chọn nỗ lực đạt đến kết quả, vì dọc đường đi bao giờ cũng nhiều thú vị hơn đích đến, và thay vì quá tuyệt vọng nếu lỡ thất bại, con sẽ không nuối tiếc vì đã thử hết sức mình”. Quan điểm này ảnh hưởng và chi phối như thế nào đến cách dạy con của anh chị?
- Mình nghĩ hầu hết những bi kịch trong cuộc sống xảy ra một là do không biết bản thân mình muốn gì, hai là do biết mình muốn gì nhưng không cách nào đạt được điều đó. Nên mình khuyến khích Liam ước mơ: từ những mơ ước nho nhỏ giản đơn hiện thực cho đến những mơ ước to tát xa vời viển vông. Và mình tạo mọi điều kiện để Liam có thể thực hiện. Nhưng mình không làm áp lực với con. Mình không muốn trở thành một người mẹ phải hối hận khóc thương đứa con nhảy lầu tự tử vì không đủ điểm vào đại học. Nếu con té khi chạy rượt theo quả bóng, thay vì quýnh lên la toáng “trời ơi con có đau không, thôi thôi đừng có chơi nữa”, mình chỉ vỗ vỗ con và nhe răng cười: “té à, có gì đâu mà, quả bóng vẫn còn kia kìa, người ta phải té vài lần mới chụp được con à”.
Ba Liam luôn có mặt trong tất cả các buổi khám thai, cùng ngồi trò chuyện với bác sĩ và xem siêu âm. Ba Liam luôn có mặt trong mọi cuộc hành trình của hai mẹ con.
Chị có nghĩ rằng, món quà tuyệt vời nhất chị dành tặng cho Liam chính là “một người mẹ hạnh phúc, đam mê tận hưởng cuộc sống, đầy năng lượng làm việc và yêu bản thân” không?
- Mẹ mình ngày xưa là hoa khôi của trường, luôn mơ ước được chu du năm châu bốn biển và làm việc trong cơ quan tình báo quốc tế. Từ hồi sinh 2 chị em mình liền nhau một năm, mẹ lơ là sức khỏe, thờ ơ nhan sắc, dẹp các mơ mộng thời thiếu nữ sang một bên, có giọt nhiệt huyết nào trong người dồn lại hết chăm lo cho con.
Sinh nhật con năm nào mẹ cũng hỏi “con muốn mẹ tặng quà gì”, mình chỉ muốn nói với mẹ “Con không cần bất cứ cái gì, con chỉ cần một thứ duy nhất là mẹ khỏe và vui”. Nói ra thật ngược đời và ngộ ghê, nhưng mà hôm nào mình thấy mẹ hẹn hò với bạn bè, hay mẹ tạm ngưng không chịu chat trên mạng với mình để xem bộ phim mẹ thích, mẹ chăm chỉ đi khám sức khỏe định kì hay tỉ mỉ bôi kem dưỡng da là hôm ấy mình vui như trẩy hội.
Nếu mẹ không biết chăm lo cho chính mẹ, một ngày nào đó khi mẹ gục xuống về thể chất và cả tinh thần, người đau nhất có lẽ là con. Mình không muốn Liam phải chịu nỗi đau ấy mà thay vào đó, mình chỉ mong Liam có thể tự hào với bạn bè của chàng rằng “Mẹ tớ ấy à, vừa giỏi, vừa xinh, vừa cool lắm nhé!”.
Chị có nghĩ “Làm mẹ” cũng chính là niềm hạnh phúc hoàn hảo và “tối thượng” của một người phụ nữ không?
- Nếu nghĩ cho đến tận cốt tận lõi thì tất cả mọi thứ mọi người làm trên đời này đều là vì bản thân mình. Ai đó làm một điều gì đó giúp cho người khác suy cho cùng là vì cảm giác cho đi luôn ngọt ngào hơn cảm giác được “nhận đến”. Nên việc làm mẹ bản thân nó đã là hạnh phúc trọn vẹn rồi. Lúc chưa mang thai nghe mọi người hù cứ sợ lắm, nào là vác nặng, đẻ đau, nuôi khó, đừng mong sau này được đền bù gì. Nhưng ví dụ một ngày nào đó ai bảo mình công nghệ khoa học tiên tiến, đàn ông có thể mang bầu và sinh hộ phụ nữ, mình cũng sẽ không nhường quyền này lại, bởi trải nghiệm “làm mẹ” không gì có thể sánh được.
Việc làm mẹ bản thân nó đã là hạnh phúc trọn vẹn rồi nên có một ngày nào đó ai bảo mình công nghệ khoa học tiên tiến, đàn ông có thể mang bầu và sinh hộ phụ nữ, mình cũng sẽ không nhường quyền này lại.
Mẹ con đừng giam nhau trong bốn bức tường
Có ý kiến cho rằng, các mẹ ở Việt Nam dường như quá “cô đơn” trong việc nuôi dạy, chăm sóc con cái. Suy nghĩ của chị về ý kiến này? Chị và bố Liam phân chia vai trò, trách nhiệm như thế nào trong việc này?
- Ai bảo các mẹ ở Việt Nam đảm đang quá làm gì (haha, ai giỏi hay phải làm nhiều mà). Nói đùa thôi, chứ chuyện vai trò của người mẹ luôn làm lu mờ vai trò của người cha là lẽ tự nhiên trong mọi xã hội, mọi quốc gia chứ đâu phải chỉ riêng Việt Nam. Các nước phương Tây sớm nhận thức sự chênh lệch này nên đã cố gắng đẩy mạnh sự tham gia của người cha trong mọi công đoạn mang – sinh – nuôi – dạy.
Chẳng hạn như ba Liam không thiếu mặt một bữa nào trong tất cả các buổi khám thai, cùng ngồi trò chuyện với bác sĩ và xem siêu âm. Ba Liam ngồi cạnh đầu giường trong phòng sinh để động viên mình và là cũng người đầu tiên đón tay Liam đưa đến cho mình. Khi mẹ cho Liam bú thì ba nấu cơm, mẹ tắm cho Liam xong thì ba thay tã. Lúc nào mẹ bận thì ba chơi với con, khi nào ba làm thì con chơi với mẹ. Mẹ dạy con tiếng Việt, tiếng Anh thì ba dạy con tiếng Anh, tiếng Hoa. Mẹ chỉ cho con chơi đàn piano và bơi lội thì ba tập cho con vẽ tranh và chơi bóng rổ.
Các mẹ hay ôm hết việc chăm con vào người vì cho rằng đó là lẽ đương nhiên, hay vì mẹ yêu con quá mà không đưa cho người khác được. Để giảm tải gánh nặng này, thay vì là những chiến binh độc lập, người mẹ nên là nhà quản lý trong dự án “chăm con”, lên lịch và giao việc cho ba, và thậm chí cho cả ông cả bà hay những ai có thể giúp mẹ.
Người lớn như mình đây còn muốn được ôm chặt vỗ về, huống gì là em bé. Chẳng có cái ôm nào là thừa cả, đặc biệt là một cái ôm chặt, vì nó đem lại cảm giác an toàn, được yêu thương và trân trọng.
Liam còn rất nhỏ nhưng số km em chu du cùng bố mẹ thì quả là “khổng lồ”, chị có thể chia sẻ về một chuyến đi đáng nhớ nhất cùng con được không?
- Trong 7 tháng đầu đời, Liam đã đi trên hầu hết tất cả các phương tiện giao thông mà nhiều người có khi mất cả cuộc đời mới đi hoặc chưa đi đến. Từ xe hơi, xe máy, xe đò, xe khách, xe buýt đến máy bay, tàu lửa, xe điện trên không, tàu điện ngầm, cáp treo… Có lẽ nguyên nhân cũng là do mình không muốn cái viễn cảnh sinh con ra phải giam mình nhìn ngó 4 bức tường suốt ngày, điều ấy có thể dẫn đến trì trệ tinh thần và thể chất. Nên khi con khoảng 2 tuần tuổi mình bắt đầu dẫn con đi công viên, đi mua sắm, đi chơi nhà bạn bè, đi những chuyến ngắn ngắn vài tiếng đồng hồ sang các thành phố quanh nơi mình ở tại Missouri (Mỹ).
Chuyến đi thực sự đầu tiên của Liam là khi hai vợ chồng tự lái xe cùng Liam từ Missouri đến Chicago dài hơn 900km khi Liam 7 tuần tuổi. Chuyến bay đầu tiên cũng là chặng đường dài nhất cho đến giờ của Liam là khi chàng 2 tháng rưỡi đi từ Branson (Missouri) đến Los Angeles thăm nhà bạn mẹ và tối hôm đó bay từ Los Angeles (Mỹ) sang Đài Bắc (Đài Loan) để chuyển máy bay về Sài Gòn. Tổng cộng chặng đường khoảng 16000 km trong khoảng 30 tiếng đồng hồ. Cho đến giờ hơn nửa năm tuổi Liam đi 13 thành phố.
Nhiều người cho rằng, trẻ con còn bé đi chơi chưa biết gì, tha lôi chúng đi khắp nơi dễ khiến chúng mệt mỏi, sinh hoạt không nề nếp…. Quan điểm của chị về việc này như thế nào?
- Nhiều người gàn mình lắm, từ ông bà hai bên cho đến người dưng nước lã, ai cũng nói “tội quá nó còn nhỏ xíu”, thậm chí có người còn không hiểu “ủa, 2 tháng tuổi thì người ta có cho lên máy bay không nhỉ?”. Xin thưa là các hãng hàng không cho em bé bay từ 2 tuần tuổi và hộ chiếu của em bé có thể được làm từ khi chào đời. Liam làm hộ chiếu Mỹ khi 3 tuần tuổi và làm hộ chiếu Việt Nam khi 1 tháng tuổi. Hình trong hộ chiếu mắt vẫn còn nhắm tịt.
Đeo con lên vai và đi. Từ hồi mang bầu đến tận 9 tháng đi mọi nơi thế nào thì bây giờ con mới vài tháng cũng cứ mang con theo đi thế đó.
Nếu bạn cứ để con trong nhà, bạn sẽ không bao giờ biết được liệu con có thích ra ngoài thế giới hay không. Cứ thử một chiều nào đó, bạn đẩy con vài ba tháng tuổi ra công viên hay siêu thị mà xem, thử nhìn nụ cười nở trên môi và đôi mắt chúng lóng lánh. Mà Liam cũng thụộc dạng ham đi, chắc do gene của mẹ. Ở nhà vài tiếng là chán dỗi khóc. Vừa đeo ra khỏi cửa là yên chí ngủ ngon hoặc nín ngay háo hức nhìn trời nhìn đất.
Liam đi ngoài đường cả ngày vẫn cứ đều đặn cách khoảng 2-3 tiếng là dừng nghỉ bú mẹ và cách 3-4 tiếng lại nhắm mắt ngủ trong khi mẹ vẫn địu đi. Đến giờ mở mắt dậy chơi thay vì loanh quanh trong nhà với những món đồ chơi vài hôm lại chán thì Liam sáng mắt ngó tranh trong bảo tàng, ngắm phố xá cảnh vật, nghiên cứu vô vàn các gương mặt khác nhau của những người chàng gặp trên đường. Đến tối 9-10 giờ về khách sạn bú xong lại ngủ 1 giấc đến sáng 8-9 giờ dậy bú rồi theo mẹ đi tiếp. Ấy, cũng sinh hoạt nề nếp có kém gì ở nhà?
Nếu dùng một câu ngắn gọn để “miêu tả” việc làm mẹ của chị, thì chị sẽ viết câu đó như thế nào?
Làm mẹ như một hành trình tuyệt vời chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc.
Cảm ơn chị và chúc hai mẹ con sẽ luôn ở bên nhau trên mọi cuộc hành trình, mọi chuyến phiêu lưu của cuộc đời!