Mẹ & bé

10 vật "bất ly thân" mẹ cần chuẩn bị cho con vào lớp 1

10 bí quyết chuẩn bị cho ngày khai trường của con dưới đây sẽ giúp bạn thấy mọi việc dễ dàng hơn để cùng con chào đón năm học mới.

1. Chuẩn bị các túi xách chuyên dụng
Việc làm này sẽ rất có ích khi bạn phải đối mặt với một buổi sáng “quá tải”: tập yoga, đưa con đi học, đi siêu thị, đi học/ đi làm... Bạn nên chuẩn bị nhiều túi xách chuyên dụng với đầy đủ thiết bị cho mỗi hoạt động khác nhau.
Đừng cố gắng “nhồi nhét” đồ dùng vào một túi xách duy nhất và cho rằng như thế mới là tiện lợi và gọn gàng. Trên thực tế, việc trộn lẫn đồ tập thể thao với đồ trang điểm và nhiều đồ dùng linh tinh khác như bút, chìa khóa, khăn giấy... có khả năng cao sẽ khiến bạn “bấn loạn” vào buổi sáng. Một người mẹ tốt sẽ không đưa con tới trường trễ chỉ vì đã “đảo tung” nhà mà vẫn không tìm thấy tập tài liệu ở đâu.
10 vật "bất ly thân" mẹ cần chuẩn bị cho con vào lớp 1 1
Một chiếc cặp sách phù hợp sẽ giúp cho con tự tin hơn khi bước chân vào lớp 1.
2. Kiểm tra phương tiện di chuyển
Thay vì “xù đầu” vào phút cuối vì phát hiện bánh xe đã xẹp hết hơi hay gặp phải hỏng hóc nào đó, hãy thực hiện một cuộc “khám bệnh tổng quát” cho xe vài ngày trước lễ khai trường của con. Chắc chắn không phụ huynh nào lại muốn con mình bị lỡ ngày trọng đại với lý do là xe hỏng. Không chỉ trong ngày khai trường, những ngày còn lại của năm học cũng đòi hỏi bạn phải chú ý hơn tới phương tiện di chuyển để đảm bảo bé yêu luôn tới lớp đúng giờ.
3. Lên kế hoạch trang phục
Có lẽ bất cứ người mẹ nào cũng từng trải nghiệm cảm giác đứng cả tiếng đồng hồ trước tủ đồ mà vẫn không biết phải mặc gì hôm nay. Đó là lý do bạn nên lập một bản kế hoạch trang phục cho cả tuần. Nếu không được cả tuần thì ít nhất cũng là trang phục cho ba ngày liên tiếp. Bản kế hoạch này càng chi tiết thì càng tốt.
Đừng dừng lại chỉ ở quần, áo mà hãy quyết định luôn bạn sẽ kết hợp với phụ kiện gì. Sau khi chuẩn bị xong cho mình, bạn hãy lập một bản kế hoạch tương tự cho con. Thông thường các trường học sẽ yêu cầu học sinh mặc đồng phục vì vậy bản “kế hoạch thời trang” của con sẽ đơn giản hơn của mẹ rất nhiều. Việc làm này sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian mỗi sáng.
4. Chuẩn bị đồ mùa Thu
Bạn không nên chủ quan khi thấy trời vẫn còn nắng nóng trong năm học mới của bé. Mùa Thu đang tràn về rất nhanh và chẳng mấy chốc trời sẽ chuyển lạnh. Vì vậy, các đồ dùng giữ nhiệt nên được chuẩn bị càng sớm càng tốt.
Nhiều bà mẹ bận rộn thường có tâm lý “nước đến chân mới nhảy” và người chịu hậu quả lớn nhất ở đây chính là các bé. Khi mùa khai trường bắt đầu, hãy mang đồ Thu - Đông của con ra giặt sạch, phơi khô và để sẵn ở nơi dễ lấy vào buổi sáng. Với cách này, dù trời có trở lạnh đột ngột cũng không phiền gì đến bé yêu của bạn cả.
10 vật "bất ly thân" mẹ cần chuẩn bị cho con vào lớp 1 2
Chuẩn bị trước quần áo cho con sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian mỗi sáng.
5. Quy định về nơi cất đồ dùng học tập của con
Nếu bạn giống như hầu hết các bà mẹ khác, nhất định bạn sẽ phải nếm trải cảm giác cùng con chạy khắp nhà đi tìm ba lô hay quyển vở bài tập vào buổi sáng. Cáu kỉnh với bé vào lúc này thường chỉ làm tình hình thêm “rối loạn” chứ không giải quyết được gì cả.
Thay vào đó, bạn nên chỉ định một vị trí trong nhà hoặc trong phòng riêng của con để cất đồ dùng học tập. Hãy tập cho con thói quen ngăn nắp từ nhỏ và bạn sẽ thấy ích lợi của việc làm này rõ ràng hơn khi bé lớn lên.
6. Làm giấy nhớ
Đừng lưu các việc cần làm trong ngày vào điện thoại hay các thiết bị điện tử cầm tay khác nếu bạn thực sự muốn ghi nhớ. Một trong những cách dễ và hiệu quả nhất để bạn không bỏ sót việc nào trong ngày là viết ra giấy/ bảng và treo chúng ở nơi bạn nhìn thấy nhiều nhất trong nhà.
Cửa tủ lạnh là một vị trí phù hợp và được nhiều bà mẹ lựa chọn để dán giấy nhớ. Để tăng cao hiệu quả sử dụng, tốt nhất bạn hãy quy định màu giấy khác nhau cho mỗi thành viên trong nhà. Ví dụ mẹ là giấy vàng, bố là giấy xanh và con là giấy hồng. Các công việc liên quan trực tiếp đến mỗi người được ghi vào các tờ giấy khác nhau sẽ giúp bạn dễ quản lý hơn.
7. Làm một hộp lưu trữ giấy tờ của con
Có thể bạn không tin nhưng nhiều bà mẹ không có thói quen lưu trữ cẩn thận giấy tờ, kể cả của chính mình chứ chưa nói đến con. Bạn có thể tự tin nói mình không thuộc nhóm các “bà mẹ cẩu thả” này bằng cách mua một chiếc hộp/ bìa hồ sơ để cất giữ mọi tài liệu liên quan đến việc học của con.
Để tiện cho việc tìm kiếm khi cần, bạn hãy chia ngăn và đánh dấu bằng các thẻ ghi thứ, ngày, tháng cho mỗi loại tài liệu. Cách này sẽ giúp bạn dễ dàng theo dõi quá trình học tập của bé và biết phải tìm gì ở đâu khi nhà trường bất ngờ gửi yêu cầu.
8. Lên kế hoạch bữa trưa cho trẻ học bán trú
Cũng như việc lên kế hoạch trang phục, kế hoạch về dinh dưỡng cho trẻ học bán trú cũng là điều quan trọng mà các bà mẹ nên chuẩn bị sớm. Bạn có thể tham khảo các thực đơn bổ dưỡng và tiết kiệm cho con trên các tạp chí, website chuyên về chăm sóc trẻ em.
Sau đó, tùy vào điều kiện kinh tế và sở thích ăn uống của trẻ mà bạn sẽ tự có những điều chỉnh phù hợp cho kế hoạch bữa trưa. Nhiệm vụ còn lại là đi chợ mua những món tươi ngon nhất để nấu cho bé mang tới trường.
9. Mua thêm đồ ăn nhẹ
10 vật "bất ly thân" mẹ cần chuẩn bị cho con vào lớp 1 3
Những món đồ ăn nhẹ ngon miệng sẽ giúp con nhanh chóng nạp thêm năng lượng để học tập.
Nếu là mẹ của một em bé học tiểu học, bạn chắc chắn sẽ phải làm quen với việc mỗi ngày từ trường về, câu đầu tiên con nói sẽ là: “Mẹ ơi con đói!”. Vì vậy, hãy chuẩn bị nhiều đồ ăn nhẹ như bánh snack, bánh quy, sữa, trái cây… cho con. Tất nhiên bạn không thể cho bé ăn “thả cửa” nhưng được bù lại một phần năng lượng sau ngày học tập căng thẳng sẽ giúp bé khỏe khoắn và bạn cũng yên tâm hơn.
10. Làm một bộ sưu tập tranh vẽ của con
Thay vì để các bức tranh của con bị lãng quên sau khi mang từ trường về, bạn hãy làm một bộ sưu tập từ những tác phẩm hội họa này. Bạn có thể bỏ vào album như album ảnh hoặc đóng khung và treo lên tường trong phòng riêng của con/ phòng khách gia đình . Việc làm này không những giúp bé thấy vui vẻ, tự hào mà còn là cách bạn ghi lại dấu ấn những năm đi học đầu đời của con yêu.
aFamily

      © 2021 FAP
        1,324,552       544