Mẹ & bé

Cha mẹ đừng vội mừng khi thấy con béo

Trẻ con rất cần chất béo để tăng trưởng cơ thể và phát triển não bộ nhưng năng lượng dư thừa từ chất béo sẽ làm tăng cân nhanh và thậm chí dẫn tới bênh béo phì. Vậy bạn đã biết gì về bệnh béo phì ở trẻ nhỏ?

Thế nào là thừa cân/béo phì?
Ở nhiều nước, thừa cân và béo phì được phân biệt rõ vì béo phì nguy hiểm hơn thừa cân rất nhiều. Còn tại Việt Nam, hai tính từ  này thường được gộp chung làm một. Trong y học, béo phì là lúc lượng mỡ dư tích tụ trong cơ thể gây tác hại đến sức khỏe. Các bác sĩ thường dùng chỉ số cân nặng so với chiều cao hoặc chỉ số BMI để đánh giá trẻ có béo phì hay không. 
Nguyên nhân của bệnh béo phì
- Do bệnh lý: bệnh về nội tiết (suy giáp, cường insulin…) và do di truyền (hội chứng Prader-Wili, hội chứng Turner’s…). Trẻ sẽ dễ bị béo phì hơn nếu có ba mẹ béo phì (nếu bố mẹ mắc bệnh béo phì thì con cái họ sẽ có khả năng mắc bệnh gấp 4–8 lần so với người bình thường) hoặc ảnh hưởng từ lối sống của gia đình. 
- Do ảnh hưởng của tâm lí: những trẻ bị trầm cảm, stress, có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn các trẻ bình thường.
- Sai lầm trong cách chăm sóc chế độ dinh dưỡng của trẻ: cho trẻ ăn đồ ăn có nhiều chất béo, đồ ăn nhanh, nước ngọt/soda, ăn quá nhiều thức ăn trong bữa chính khiến dư thừa calo,….
- Trẻ lười vận động, dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động tốn ít năng lượng như xem TV hoặc dùng máy tính.
Cha mẹ đừng vội mừng khi thấy con béo 1
Tác hại của bệnh béo phì
- Dễ mắc các bệnh nguy hiểm
Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các căn bệnh mãn tính như các bệnh về tim mạch, tiểu đường loại 2, vô sinh, sỏi mật… Hơn nữa, trẻ bị béo phì có nguy cơ bị ung thư rất cao khi lớn lên, do đó tỷ lệ tử vong cũng cao hơn, nhất là khi mắc các bệnh lý kể trên.
- Trở nên kém lanh lợi
Trẻ bị thừa cân, béo phì thường có phản ứng chậm hơn so với trẻ bình thường trong sinh hoạt cũng như trong việc học tập, vui chơi... Hậu quả là dễ bị thua thiệt so với bạn bè xung quanh và khó hòa đồng. 
- Các vấn đề liên quan đến tâm lí
Trẻ bị béo phì thường bị chế nhạo hoặc bị bạo hành, có xu hướng tự ti và mặc cảm về thân thể, dễ bị trầm cảm và rối loạn ăn uống.
- Chất lượng học tập giảm sút
Trong môi trường nóng như môi trường tập thể của lớp học, trẻ béo thông thường rất nhanh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Mặt khác, do cơ thể nặng nề nên để hoàn thành bài học hay nhiệm vụ trong học tập, trẻ béo phì thường phải mất nhiều thời gian và công sức hơn vì chậm chạp hơn so với những trẻ bình thường. Hậu quả là hiệu quả học tập giảm sút rõ rệt.
Cách ngăn ngừa bệnh béo phì
- Tập cho trẻ thói quen ăn đúng bữa cùng với cả nhà. Với trẻ ăn quá nhiều trong bữa chính thì nên giảm khẩu phần ăn từng bữa và ăn thành nhiều bữa nhỏ.
- Hạn chế trẻ ăn vặt và các đồ ăn nhanh, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ … hãy cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi; cho trẻ uống nước hoa quả, uống sữa hay uống nước lọc thay cho việc uống các loại nước ngọt có gas, soda...
- Tránh việc khuyến khích, khen thưởng trẻ bằng đồ ăn vì làm thế dễ khiến trẻ cảm thấy đó là điều thú vị và luôn cố gắng để được khen thưởng, từ đó dễ gây ra béo phì.
- Lập một bảng chế độ ăn hợp lí cho trẻ béo phì: hạn chế trẻ ăn đồ ăn nhiều đạm, đường, chất béo, tăng cường cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi. Nên dạy cho bé tác dụng của các loại hoa quả và rau để khuyến khích bé ăn thêm. Nhưng bạn cũng nên chọn lọc hoa quả vì có rất nhiều trái cây chứa nhiều đường.
- Hãy gương mẫu trong việc tập thể dục và khuyến khích trẻ tham gia tập cùng bạn. Bạn nên chọn những bài tập không quá khó khăn, phức tạp như lắc vòng, đi bộ hay tập aerobic…; Xây dựng lối sống năng động cho cả gia đình như sau bữa tối, cả gia đình có thể cùng đi bộ /đạp xe, ra công viên chơi hoặc đi siêu thị…
- Hãy cho bé đăng ký thời gian xem Tivi hoặc dùng máy tính cố định nhưng không quá 1 tiếng mỗi ngày. Mặt khác, thời gian rỗi có thể khuyến khích bé tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời hoặc làm các công việc nhà.
aFamily

      © 2021 FAP
        1,333,269       279