Mẹ & bé

Mẹ kể chuyện “mặc áo lính, cầm súng” của bé 10 tuổi

Mới chỉ 10 tuổi nhưng bé Thận đã được mẹ cho tham gia trại hè quân đội để trải nghiệm việc “mặc áo lính, cầm súng”.

Tham gia học kỳ quân đội không phải là việc quá mới mẻ của các bậc làm cha mẹ khi lựa chọn môi trường sinh hoạt cho con em mình vào mỗi kỳ nghỉ hè. Dưới đây là những chia sẻ của bà mẹ Vũ Ái Nhu về quãng thời gian bé Nguyễn Phúc Thận (sinh năm 2004) trải nghiệm việc mặc áo lính. Thận hiện đang là học sinh trường tiểu học Quang Trung – Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Con đi học kỳ quân đội, mẹ nửa mừng nửa lo
Bé Phúc Thận là con đầu của chị Ái Nhu, dưới Thận còn một em gái 3 tuổi. Đầu tháng 6/2014, nhân kỳ nghỉ hè, lại qua người quen giới thiệu nên chị Nhu đã quyết định cho cậu con trai lớn tham gia học kỳ quân đội. Lý do vì chị muốn Thận được rèn luyện sức khỏe, chịu đựng được khó khăn và tự lập hơn trong cuộc sống.
Vốn thương con, nên chị Nhu cũng cân nhắc khá kỹ trước khi cho Thận tham gia học kỳ quân đội bởi chị biết con còn nhỏ, chưa từng phải sống xa ông bà, bố mẹ. “Ở nhà, mọi chuyện ăn uống, tắm giặt, nghỉ ngơi, học tập của cháu đều có bố mẹ đôn đốc, chăm sóc. Cái mình lo lắng nhất là sự an toàn của cháu, nên mình cũng có hơi sợ, nhỡ cháu có thể gặp nguy hiểm. Về chuyện gian khổ thì mình cũng không ngại lắm, bởi vì cả mình và ông xã đều quan niệm là con trai thì phải chịu đựng được vất vả, khó khăn”, chị Nhu chia sẻ.
Mẹ kể chuyện “mặc áo lính, cầm súng” của bé 10 tuổi 1
Chị Nhu và 2 con.
Mẹ kể chuyện “mặc áo lính, cầm súng” của bé 10 tuổi 2
Phúc Thận "công tử bột" và cô em gái 3 tuổi.
Để yên tâm, trước khi con lên đường, chị Nhu cũng tìm hiểu về nội dung học tập trong những ngày con sinh hoạt tại trung tâm. Ngoài chương trình học, chị cũng còn vô vàn nỗi bận tâm như các bà mẹ khác, chị lo vì “cậu cả” vốn không quen nước lại bị viêm mũi dị ứng, lo vì sắp tới con phải tự tắm giặt liệu có mắc bệnh ngoài da không, lo vì sợ con sổ mũi khi phơi nắng nhiều… Nhưng vượt lên tất cả nỗi thương con là mong muốn con sẽ tiếp thu được thêm nhiều kiến thức mới, được thoải mái giao lưu cùng bạn bè đồng trang lứa, đó cũng là động lực để chị Nhu đưa con tham gia học kỳ quân đội.
10 ngày mẹ thấp thỏm lo lắng
10 ngày sinh hoạt học kỳ quân đội tại Sơn Tây, HN thì cả 10 ngày chị Nhu đều cố gắng dõi theo hành trình của con. Tuy nhiên, có một điểm thiếu sót của bên tổ chức chương trình khi không thông báo rõ ràng để các phụ huynh biết phải vào đâu để theo dõi hành trình của con. Thành ra, mặc dù hình ảnh về 10 ngày tập luyện được cập nhật khá đều đặn trên fanpage của trung tâm, nhưng nhiều phụ huynh ở nhà vẫn thấp thỏm lo âu, không biết rằng con đang làm gì, việc rèn luyện có xảy ra điều gì không hay đơn giản là cảm xúc của con ra sao… Chị Nhu cũng nằm trong số những phụ huynh chỉ biết chờ đợi và chờ đợi. Chị chỉ kết nối được với bé Thận qua điện thoại của trung tâm và chờ đến ngày kết thúc khóa học để lại được gặp con ở nhà. Lần đầu con sống xa nhà, không thể gặp con mỗi ngày, không khó để hiểu cảm giác của chị Nhu khi ấy: nhớ nhung và thấp thỏm. Nhưng nghĩ tới sự tiến bộ và trải nghiệm mới mà con sẽ thu nhặt được từ khóa học, chị lại yên tâm chờ đợi.
Mẹ kể chuyện “mặc áo lính, cầm súng” của bé 10 tuổi 3

Mẹ kể chuyện “mặc áo lính, cầm súng” của bé 10 tuổi 4
Phúc Thận đã có những trải nghiệm mới mẻ và có thêm nhiều kỹ năng mới.
Chị Nhu kể, khi ở trung tâm gọi điện về, Thận không than thở gì với mẹ ngoài việc phải tự giặt quần áo, đến mức áo phai hết cả. Lúc đó, chị Nhu có động viên con phải cố gắng học tập để về còn giúp đỡ mẹ thì thấy cháu yên lặng. “Mãi đến sau khi về nhà, cu cậu mới được thể phàn nàn rất hăng: nào là phải phơi nắng để tập đội ngũ, bị kiến đốt. Nào là không có vòi sen, phải tự múc nước để dội, tối ngủ không có điều hoà, trời nóng nực, thức ăn nguội, không ngon như ở nhà... và kiên quyết không chịu tham gia tiếp khoá học sau”, chị Nhu bật cười kể lại.
“Sau khi đi học con mới thấy đời con sung sướng thế nào!”
Ngày đón con về, chị Nhu mừng khôn xiết khi thấy con tuy đen hơn nhưng rắn rỏi và khỏe mạnh hơn. Chị cũng bất ngờ khi nhận ra được những thay đổi nho nhỏ nhưng vô cùng đáng khen của cậu con trai cả sau khi bước ra từ môi trường quân đội. “Sau khi đi học về, mình có cảm nhận rõ rệt niềm hạnh phúc của con khi được sống với bố mẹ, cháu cũng có ý thức tự lập hơn. Buổi sáng, Thận dậy sớm đi bộ ra công viên để tập thể dục. Thận còn đề nghị mẹ dạy cháu tự nấu những món đơn giản như: rán trứng, cắm cơm,... Ăn xong còn đòi lau bàn giúp mẹ. Mẹ có nhờ làm việc nhà thì cháu cũng hăng hái làm ngay”, chị Nhu phấn khởi chia sẻ.
Chị Nhu xởi lởi khi nhắc đến một kỷ niệm vui về sự thay đổi của con sau khi trở về từ học kỳ quân đội. Trước đây, lúc nào “cậu cả” cũng than vãn là “đời mình khổ sở”, mỗi khi thấy mẹ suốt ngày ép học bài đúng giờ, đi ngủ đúng giờ hay không được xem ti vi quá nhiều. Trải qua những khổ cực từ đợt huấn luyện, “cậu cả” cũng lên chức trở thành “ông cụ non” bởi câu phát ngôn nổi tiếng khiến cả nhà phải bật cười: “Sau khi đi học con mới thấy đời con sung sướng thế nào!”. 
Mẹ kể chuyện “mặc áo lính, cầm súng” của bé 10 tuổi 5

Mẹ kể chuyện “mặc áo lính, cầm súng” của bé 10 tuổi 6
Thận đã có thêm nhiều bạn bè mới.
Theo ý kiến cá nhân của chị Nhu thì học kỳ quân đội là một khoá học tốt, các mẹ nên cho con mình tham gia. Bên cạnh đó, chị cũng có một vài lời khuyên hữu ích dành cho các phụ huynh và phía tổ chức chương trình. Các mẹ nên có sự chuẩn bị tốt về tinh thần cho các con trước khi lên đường. Bên cạnh đó, cũng nên kiểm tra lại phía đơn vị tổ chức để tránh trường hợp cấp phát thiếu đồ dùng hay quần áo cho bé. Điển hình như chị đã phải mất 3 lần đi lại mới lĩnh đủ tư trang cho Thận, chiếc áo phông cuối cùng được lĩnh vào đúng hôm lên đường. 
Mẹ kể chuyện “mặc áo lính, cầm súng” của bé 10 tuổi 7
Phúc Thận rắn rỏi sau những ngày sinh hoạt tại học kỳ quân đội.
aFamily

      © 2021 FAP
        1,333,471       384