Cậu con lớn của Bea Marshall mới chỉ 3 tuổi khi cậu bé thức dậy vào buổi sáng và quyết định muốn ăn kem thay bữa sáng.
Hầu hết các bậc phụ huynh trong trường hợp này sẽ từ chối thẳng thừng và thay bằng một bữa sáng lành mạnh, truyền thống với bánh mì nướng, cháo hoặc ngũ cốc. Nhưng bà mẹ này thì không. Bea Marshall – một nhà văn, kiêm diễn giả, một huấn luyện viên về nuôi dạy con cái đã xúc một thìa kem lớn vào chiếc bát đặt trước mặt cậu con đang hớn hở ra mặt. Không có gì ngạc nhiên khi cậu bé còn được đáp ứng đúng yêu cầu vào ngày hôm sau và hôm sau nữa.
Bà mẹ này đang nghĩ gì vậy? Bea là một người ủng hộ phương pháp nuôi dạy “Yes Parenting” gây tranh cãi. Đây là một phương pháp nuôi dạy con khá kỳ lạ với mục đích làm thỏa mãn mọi đòi hỏi của đứa trẻ.
Điều đó có nghĩa là bà mẹ 36 tuổi này cho phép 2 cậu con trai – một đứa 9 tuổi, một đứa 8 tuổi – tự quyết định lúc nào sẽ đi ngủ. Nếu chúng muốn chơi game hơn ngồi vào bàn học, ăn tối thì chị cũng vui vẻ đồng ý. Hai cậu bé này cũng có thể thoải mái vẽ lên tường nhà. Nếu chúng không thích làm bài tập về nhà thì có thể xem phim. Thậm chí, bọn trẻ còn được phép mắng chửi lại mẹ.
“Tôi sẽ đồng ý với bất cứ điều gì mà bọn trẻ muốn, dù đó là đồ ngọt trước bữa ăn, vẽ lên tường hay xem phim lúc 10 giờ tối. Tôi khuyến khích bọn trẻ tự đưa ra quyết định của mình” – Bea nói. Nghe có vẻ giống như một kiểu chiều con quá mức, chưa kể là khá điên rồ. Bà mẹ này thường sử dụng rất nhiều lần những từ như “giải quyết”, “tự do”, “lựa chọn” và cụm từ “bắt đầu cuộc trò chuyện” – những từ sẽ khiến các ông bố bà mẹ tin rằng mọi đứa trẻ đều cần phải học cảm thấy khó chịu.
Giới hạn và quy định là những công cụ cần thiết để con cái chúng ta hành xử đúng mực và biết tôn trọng người khác – hầu hết phụ huynh đều nghĩ như vậy. Ông Michael Wilshaw – giám đốc cơ quan giám sát trường học Ofsted cũng đồng ý với quan điểm này. Tuần trước, ông đã chỉ trích một bộ phận thuộc tầng lớp trung lưu nghĩ rằng nên để trẻ phát triển tự nhiên. Ông cho rằng phụ huynh nên đưa ra một danh sách những kỹ năng thiết yếu mà trẻ dưới 5 tuổi cần hiểu, trong đó bao gồm cả những việc không được làm và những giới hạn về hành vi.
Vào một buổi sáng, tôi tới thăm gia đình Bea. Tôi đã từng choáng váng khi so sánh cách dạy con của cô với cách dạy của tôi. Tôi thường xuyên nói “không” với 2 bé gái sinh đôi 19 tháng tuổi của mình: không đứng lên ghế cao, không ăn cuống hoa tuy-lip, không vẽ lên phòng khách. Những câu này Bea chưa từng nói một lần, nhưng cảnh tượng chào đón tôi ở ngôi nhà 3 phòng ngủ của gia đình này có vẻ khá bình yên.
Cả hai cậu bé đều đang ngồi yên trên bàn bếp ăn sáng. Jos ăn ngũ cốc, còn Peep ăn trứng và thịt xông khói. Kem không có mặt trong cảnh tượng này và 2 cậu bé trông rất khỏe mạnh. Có rất ít dấu hiệu của sự nổi loạn hay khiếm nhã ngoài một chút hài hước trong việc đi vệ sinh. Thay vì dán mắt vào trò chơi điện tử thì bọn trẻ đang háo hức hoàn thành nốt những chiếc mũ Lễ Phục Sinh cho một cuộc thi ở trường.
Tất cả những thứ này có phải là dàn dựng không? – tôi tự hỏi.
Bea khẳng định rằng cô không nói cho bọn trẻ biết tôi là nhà báo, mà chỉ nói tôi là một người bạn của cô, ghé qua để uống một cốc cà phê cùng mẹ.
Vậy Bea sẽ làm thế nào nếu bọn trẻ thức dậy vào buổi sáng và không muốn tới trường? Cô sẽ cho phép chúng nghỉ học? “Chuyện đó không xảy ra thường xuyên nhưng khi gặp phải tình huống này, tôi thường nói “Thôi nào, các chàng trai, chúng ta phải đi thôi” và bọn trẻ nghe theo. Nếu chúng muốn nói về lý do tại sao không muốn tới trường, chúng tôi sẽ cùng nhau trò chuyện nhưng cuối cùng, bọn trẻ vẫn sẽ đi học.
Phương pháp “Yes Parenting” khuyến khích phụ huynh nghĩ về những lựa chọn trước khi nói “không” với yêu cầu của trẻ. Một nghiên cứu chỉ ra rằng trung bình một đứa trẻ phải nghe từ “không” hoặc “đừng” hơn 148.000 lần trong quá trình lớn lên, so với chưa đến 1.000 lần những thông điệp mang hàm ý đồng tình.
Jos đã từng chửi thề khi cô không có thời gian tìm đồ chơi cho cậu bé, nhưng thay vì mắng mỏ, bà mẹ này lắng nghe vấn đề của con và tìm cách giải quyết Tuy nhiên, Bea cho biết cô cũng từng gặp sai lầm với phương pháp này. “Tôi bắt đầu đồng ý với mọi thứ và Peep đã trải qua một thời kỳ mà tôi chỉ có thể gọi là tự tung tự tác. Ngày nào thằng bé cũng muốn ăn kem, ăn đầy đồ ngọt và ăn một bát trứng sữa trước bữa tối”.
“Thằng bé cố tình không đi ngủ khi tôi không quy định giờ đi ngủ và xem phim hoạt hình hàng tiếng đồng hồ. Sau khoảng 2 tháng, tôi nghĩ “Ôi, không, tôi đã sai lầm chăng?” nhưng tôi vẫn tiếp tục đọc các tài liệu, tin tưởng rằng nó sẽ có tác dụng. Sau 3 tháng, Peep quyết định không muốn ăn kem vào bữa sáng nữa và bây giờ thì rất hiếm khi thằng bé đòi như vậy. Thậm chí, Peep chỉ đòi một muỗng kem, rồi ăn hoa quả và ngũ cốc thay thế. Bây giờ, cả hai đứa đều có thái độ rất lành mạnh với đồ ăn. Không hề đòi hỏi thái quá vì chúng biết rằng mình có thể ăn nếu muốn” – bà mẹ này chia sẻ.
Những phụ huynh khác sẽ rất hoảng khi biết rằng sự tự do phát triển này thậm chí còn cho phép chửi thề. “Tôi không chửi thề nhiều nhưng cũng có. Jos từng nói ‘chết tiệt’ khi tôi không có thời gian tìm đồ chơi cho thằng bé. Nhưng tôi không cấm. Tôi hiểu rằng đó chỉ là cách thể hiện cảm xúc và sự tức giận của chúng. “Con có vẻ như đang rất tức giận, có chuyện gì xảy ra vậy?” – tôi sẽ nói vậy, rồi cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề.
Không có gì ngạc nhiên khi cách dạy con của Bea bị chỉ trích rất nhiều khi cô công khai quan điểm của mình. Bea thì cho rằng những kẻ ác ý nhất là những người chưa từng gặp cô và bọn trẻ. Bà mẹ 2 con khẳng định không có vấn đề gì với bọn trẻ ở trường hay ngoài xã hội. “Bạn bè chúng luôn khen ngợi về sự lịch sự và đáng yêu của bọn trẻ. Một số phụ huynh thậm chí còn nói rằng con cái họ cư xử tốt hơn khi chơi với con tôi”.
Tuy nhiên, một số người thân trong gia đình vẫn nghi ngại về cách dạy con của chị. “Bố mẹ tôi rất khắt khe với chuyện nói ‘cảm ơn’ hay ‘xin lỗi’, nhưng bọn trẻ nhận ra điều này và cố gắng hơn khi chúng ở cùng ông bà. Có một hôm tôi nghe thấy Peep nói với Jos rằng: “Ngay cả khi chúng ta đã nói cảm ơn rồi mà bà không nghe thấy thì chúng ta phải nói lại”. Điều đó cho thấy bọn trẻ biết rằng chúng phải điều chỉnh cách ứng xử của mình sao cho phù hợp với môi trường.
Tất nhiên là Bea cũng phải nói “không” với một số đòi hỏi của con. Ví dụ như khi chúng đòi lái xe, uống một cốc vodka, đi xe đạp sát mép đá hay mua một con cá sấu. “Tôi sẽ có mẹo để bọn trẻ từ bỏ ý định. ‘Được thôi, hãy cùng tới sở thú nào. Con nghĩ một con cá sấu giá bao nhiêu? Chúng ta có đủ tiền mua không, rồi chúng ta sẽ giữ nó ở đâu?’” Và bọn trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra đòi hỏi đó là không thể.
Bea bác bỏ những nhận xét cho rằng cách dạy con của cô là lười biếng. Đúng lúc đó thì bọn trẻ nổ ra một cuộc cãi vã. Thay vì yêu cầu con im lặng, phản ứng của cô giống như là đang trong một hội nghị gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Cô nói rằng tranh cãi thật tốn thời gian.