Sức khỏe

Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể, ngay từ điếu thuốc đầu tiên bạn thử trong đời?

Chưa đầy thời gian bạn hút xong điếu thuốc đầu tiên, cơn nghiện đã được kích hoạt.

Ai cũng biết hút thuốc lá có thể dẫn đến ung thư phổi, bệnh tim mạch và nhiều tình trạng nguy hiểm khác. Thuốc lá chứa hơn 4.000 hóa chất , khi được hấp thụ vào cơ thể, có thể gây ra hàng nghìn tỷ đột biến DNA trong từng cơ quan, nội tạng.

Nhưng nhiều người cho rằng đó chỉ là những hậu quả dành cho người nghiện thuốc, những người hút thuốc đã nhiều năm mà không thể bỏ. Còn việc thỉnh thoảng hút thuốc , thậm chí là thử 1 điếu thuốc đầu tiên trong đời gần như là vô hại?

Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể, ngay từ điếu thuốc đầu tiên bạn thử trong đời? - Ảnh 1.

Sự thực không phải vậy. Ngay từ điếu thuốc đầu tiên, bạn không chỉ bắt đầu đặt chân lên con đường dẫn đến các bệnh mạn tính. Nó còn gây ra những triệu chứng tức thì, mà nhiều khi, người hút thuốc cũng không thể nhận ra.

Chỉ cần một điếu thuốc, ngay lập tức, xoang và dạ dày của bạn đã bị ảnh hưởng. Nó cũng thúc đẩy nhịp tim và huyết áp tăng lên.

Não bộ của bạn sẽ nhận được tín hiệu gây nghiện ngay từ hơi thuốc đầu, và nó sẽ khởi động một chu kì thèm thuốc chỉ vài giây sau đó.

Còn gì khác nữa? Dưới đây là những gì xảy ra trong cơ thể, ngay từ sau điếu thuốc đầu tiên bạn thử trong đời:

1. Chất độc tích tụ trong phổi, ngay từ hơi thuốc đầu tiên

Về cơ bản, việc hút thuốc sẽ gây ra những hậu quả giống như bệnh hen suyễn. Triệu chứng chính của bệnh hen là các cơn co thắt phế quản, xảy ra khi các bắp thịt lót đường hô hấp đột nhiên thắt lại.

Sự co thắt trong đường thở có thể dẫn đến hụt hơi, thở khò khè và thở hổn hển. Nó ảnh hướng đến cả người không bị hen và những người hút thuốc lần đầu tiên trong đời.

Khi đi sâu vào phổi, khói thuốc sẽ gây ra sự tàn phá tức thì.

Dưới đây là một video mô phỏng những gì sẽ xảy ra với phổi khi bạn hút tới 300 điếu thuốc lá:

Chúng ta thấy chỉ ngay điếu thuốc đầu tiên, cạnh của các sợi bông đã chuyển sang màu vàng. Chỉ vài điếu sau đó, tất cả đã đổi màu.

Đến lúc 300 điếu thuốc được hút hết hoàn toàn, bông trắng đã biến ra màu gỉ sắt kinh khủng. Bên trong đường ống dẫn khí, bạn có thể tìm thấy một chất nhầy màu nâu gớm ghiếc như nhựa đường.

Sự thực là so với thí nghiệm này, cơ thể của chúng ta có thể loại bỏ một phần các chất độc hại hiệu quả hơn.

Nhưng cuối cùng, nhìn những cục bông đổi màu, chúng cũng sẽ không khác xa lắm những gì sẽ xảy ra với các mô trong phổi của người hút thuốc lá.

Ngoài ra, hậu quả của việc ám khói thuốc lá vào phổi còn phức tạp hơn, liên quan đến dịch màng phổi.

Toàn bộ diện tích phổi của chúng ta được bao bọc bởi một chất dịch nhầy. Nó sẽ bắt giữ bất cứ thứ gì lọt vào phổi từ bên ngoài, bao gồm khói thuốc lá và các hóa chất độc hại khác.

Mặc dù vậy, khi có quá nhiều dịch màng phổi, nhiều hơn mức sinh lý thông thường, vấn đề sẽ xuất hiện. Bạn sẽ bị khó thở, khi dịch nhầy chặn mất các đường dẫn khí nhỏ trong phổi.

Thông thường, khi vấn đề này xảy ra, những sợi lông mao nhỏ trong phổi, gọi là cilia, sẽ làm sạch các chất nhầy này.

Nhưng đối với người hút thuốc, khói thuốc lá sẽ làm tê liệt cilia, gần như suốt thời gian ban ngày. Họ phải đợi đến đêm, khi cilia hồi phục trở lại mới có thể quét dọn chất nhầy trong phổi.

Hệ quả trông thấy là vào buổi sáng khi thức dậy, người nghiện thuốc lá thường ho nặng và có đờm. Đó là vì cilia đã thu dọn đống chất nhầy được tích tụ cả ngày và đêm hôm trước.

Ít ra, đó cũng là một nỗ lực của cơ thể để loại bỏ một phần chất độc mà bạn hít vào từ khói thuốc.

2. Tim phải làm việc nặng nhọc hơn

Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể, ngay từ điếu thuốc đầu tiên bạn thử trong đời? - Ảnh 2.

Ngay sau khi bạn hít vào hơi thuốc đầu tiên, khói của nó bắt đầu can thiệp vào quá trình phân giải và chuyển hóa chất béo. Đồng thời, nó khiến trái tim bạn phải làm việc nặng nhọc hơn, một cách miễn cưỡng.

Cơ thể người hút thuốc sẽ bị cholesterol xấu (LDL) tàn phá nặng nề hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy những người hút thuốc có mức độ cholesterol tốt (HDL) thấp hơn.

Lí do, nicotin trong thuốc lá đã làm suy yếu khả năng phân giải cholesterol LDL. Hậu quả là các chất béo này tự do trôi dạt trong máu, khi chúng tích tụ lại với nhau sẽ tạo thành các mảng bám vào thành mạch.

Những mảng bám này lớn lên theo thời gian, làm tắc nghẽn dòng máu. Đó là một tương lai dành cho những người hút thuốc, bởi ngay từ hơi thuốc đầu tiên, mức cholesterol LDL đã bắt đầu tăng lên.

Ngược lại với đó, hút thuốc làm hạ mức cholesterol HDL, bởi nó làm giảm các enzyme và protein cần thiết để sản sinh loại cholesterol tốt này. HDL được gọi là cholesterol tốt bởi nó giúp dọn dẹp và loại bỏ cholesterol xấu ra khỏi cơ thể.

Đối với tim, nicotine đóng vai trò là một chất kích thích, ngay lập tức làm tăng nhịp tim của bất cứ ai hút thuốc, nhai kẹo cao su chứa nicotin hoặc bằng cách nào đó đưa nicotin vào máu.

Các nghiên cứu đã chỉ ra tim của người hút thuốc lá phải đập nhiều hơn trung bình 3 nhịp so với những người không hút thuốc. Nhịp tim nhanh hơn, có nghĩa là nó có thể lão hóa nhanh hơn, liên quan đến nguy cơ đột quỵ, kể cả ở người trẻ tuổi

3. Ngay cả một lượng nhỏ nicotin cũng lập tức kích thích axit dạ dày, làm rối loạn hoạt động tiêu hóa

Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể, ngay từ điếu thuốc đầu tiên bạn thử trong đời? - Ảnh 3.

Hút thuốc có thể gây trào ngược axit dạ dày, gần như ngay lập tức. Nicotine làm giảm lớp phủ bảo vệ dạ dày của bạn, trong khi tăng lượng axit tiết ra.

Chúng ta biết dạ dày tiết axit để phân giải thực phẩm và lấy năng lượng cho cơ thể hoạt động. Tuy nhiên, nó cũng phải bảo vệ chính nó bằng một lớp phủ có tính kiềm, nhằm trung hòa axit không cho dạ dày tiêu hóa chính nó.

Dạ dày ở người hút thuốc vẫn có lớp phủ này, nhưng nicotin và khói làm cho nó mỏng hơn, giảm hiệu quả trung hòa và dẫn đến axit trào ngược.

Ngược lại, khi hút thuốc, axit cũng có xu hướng tiết ra nhiều hơn. Cơ thể mất kiểm soát các cơ chế này, dẫn đến hoạt động tiêu hóa bị rối loạn.

Trong khi dạ dày của bạn bận rộn vào việc đối phó với mức axit cao, nó cũng khiến việc tiêu hóa các vi chất dinh dưỡng như vitamin C, E và axit folic kém hiệu quả hơn. Sự thiếu hụt các vi chất này có thể khiến bạn cảm thấy yếu đi và xuống tinh thần.

4. Đóng băng hoạt động của mũi, xoang và tai

Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể, ngay từ điếu thuốc đầu tiên bạn thử trong đời? - Ảnh 4.

Xoang của bạn được lót bằng một lớp lông mao nhỏ, tương tự như cilia trong phổi. Và nó cũng làm nhiệm vụ dọn dẹp các chất nhầy.

Hút thuốc ảnh hưởng đến các lông mao trong xoang hệt với cilia trong phổi. Ngay khi khói thuốc vào mũi của bạn, các sợi lông đang hoạt động bình thường sẽ bị tê liệt, cho phép chất nhầy tích tụ trong xoang.

Hậu quả là bạn sẽ dễ bị nhiễm trùng và viêm.

Hút thuốc ảnh hưởng đến xoang mũi có thể dẫn đến nhức đầu và thay đổi khứu giác. Các hiệu ứng có thể xảy ra cả trong ngắn và dài hạn.

Điều tương tự với mũi xoang cũng xảy ra ở tai. Thuốc lá làm ngưng trệ quá trình tự làm sạch của tai. Ráy tai tích tụ và các chất lỏng chảy xuống tai giữa có thể sớm biến nó thành một ổ nhiễm trùng.

5. Chưa đầy 1 điếu thuốc, cơn nghiện đã bắt đầu

Nhiều người hút thuốc cố chấp cho rằng hút chỉ 1 điếu thuốc sẽ giúp họ thư thái hơn. Nhưng nghiên cứu cho thấy điều ngược lại: Thuốc lá khiến não bộ căng thẳng hơn.

Nicotin tác động lên não rất nhanh, nó xoa dịu các vùng não kiểm soát cảm xúc, cảm giác về không gian và khả năng lập kế hoạch.

Nhưng sự hưng cảm này chỉ kéo dài vài giây. Khi nó kết thúc, não bạn sẽ bị bỏ rơi ngay lập tức, khiến bạn thấy lo lắng, bồn chồn và mù mờ.

Để lấy lại hưng cảm, bạn phải hút thêm thuốc. Nó là cơ chế bắt đầu của một cơn nghiện. Nghiện thuốc lá giống như nghiện bất cứ một thứ gì khác, nó làm làm nhờn tác động của dopamin, một hooc-môn quan trọng tạo cảm giác hạnh phúc.

Kết quả là thuốc lá có thể khiến cuộc sống của bạn phiền muộn hơn khá nhiều sau này, khi dopamin bị giảm tác dụng. Đó là cái giá mà bạn sẽ phải trả, ngay từ điếu thuốc đầu tiên.

aFamily

tác hại của thuốc lá, cai thuốc lá, nghiện thuốc lá, cách cai thuốc lá


      © 2021 FAP
        922,653       693