Sức khỏe

Phòng ngừa và điều trị ngộ độc thực phẩm

Những ngày lễ tết sắp đến, điều đáng quan tâm là tránh ngộ độc thực phẩm. Người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua những triệu chứng lâm sàng như: nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụn...

Hiện nay ngộ độc thực phẩm đang là vấn đề rất nóng hổi. Thực phẩm bẩn, ngâm tẩm hóa chất, không rõ nguồn gốc... đang được mọi người dân vô cùng quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng: Do vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn; do virút; do ký sinh trùng; do nấm mốc và nấm men.

Để đề phòng dạng ngộ độc thực phẩm này nên chọn thực phẩm tươi, sạch; thực hiện ăn chín, uống chín; không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; thức ăn đã nấu chín nên ăn ngay (trong 2 giờ đầu), phải được bảo quản đúng cách, đun kỹ trước khi sử dụng lại; không sử dụng thức ăn quá hạn, bị ôi thiu; rửa sạch tay trước khi chế biến, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến; khám sức khỏe định kỳ…

Phòng ngừa và điều trị ngộ độc thực phẩm - Ảnh 1.

Một số ca ngộ độc thực phẩm được điều trị

Ngộ độc thực phẩm do thức ăn biến chất, ôi thiu: Một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường phát sinh ra các loại chất độc (dầu, mỡ dùng đi, dùng lại nhiều lần…). Các chất này thường không bị phá hủy hay giảm khả năng gây độc khi được đun sôi.

Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là không sử dụng các loại thực phẩm để lâu ngày, thực phẩm đã có dấu hiệu thay đổi về mùi, màu sắc, hình dáng (vỏ đồ hộp…)… so với ban đầu.

Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc: khi ăn phải các thực phẩm có sẵn chất độc rất có thể bị ngộ độc như: cá nóc, cá cóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm, một số loại quả đậu….

Cách phòng ngừa tốt nhất là không sử dụng các loại thực phẩm được khuyến cáo có khả năng chứa chất độc, các loại thực phẩm lạ.

Ngộ độc thực phẩm do nhiễm các chất hóa học: do ô nhiễm kim loại nặng (thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực mà nguồn nước, đất bị ô nhiễm các loại kim loại nặng); do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; do phụ gia thực phẩm; do các chất phóng xạ.

Cách nhận biết bị ngộ độc thức ăn

Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày), người bệnh đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 380C.

Sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm

Loại bỏ nhanh chóng hết các chất độc trong cơ thể bằng cách cho bệnh nhân uống nước, tiếp theo là kích thích cơ học vào cổ họng bằng ngón tay chặn xuống lưỡi cho đến khi nôn được.

Lưu ý: chỉ gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh, khi nôn vị trí đầu nằm nghiêng, trường hợp cần thiết lưu giữ lại ít thứ đã nôn ra để xét nghiệm.

- Trong trường hợp không nôn được, cho người bệnh uống than hoạt tính. Tác dụng của than hoạt tính là hút các chất độc ngăn không cho chất độc thấm vào máu.

- Sau khi nôn hoặc đi ngoài nên cho bệnh nhân uống hết 1 lít nước pha với một gói orezol hoặc nếu không có sẵn gói orezol thì có thể pha 1/2 thìa cà phê muối cộng với 4 thìa cà phê đường trong 1 lít nước.

- Bệnh nhân có thể uống thêm men tiêu hóa: probiotic 1 gói x 3 lần/ngày.

Trường hợp bị tiêu chảy không nên uống thuốc hãm lại, nên để bệnh nhân càng đi hết càng tốt.

Đối với bệnh nhân ngộ độc nhẹ sau khi nôn và đi ngoài thải hết chất độc sẽ bình phục, không nên ăn thức ăn cứng sau đó, mà nên cho ăn cháo nhẹ.

Đối với trường hợp sau khi sơ cứu chưa bình phục ngay và có hiện tượng tím tái, khó thở… cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để rửa ruột và có những điều trị cần thiết.

Đối với trẻ nhỏ hay ngộ độc thức ăn nặng nên đưa người bệnh đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.

aFamily

điều trị ngộ độc thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, triệu trứng ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân ngộ độc thực phẩm


      © 2021 FAP
        1,113,898       847