Mặc dù tình trạng mắc bệnh Alzheimer rất phổ biến nhưng nhiều quan niệm sai lầm về căn bệnh này vẫn tồn tại.
Bạn có biết, cứ 66 giây lại có một người ở Hoa Kỳ phát hiện bệnh Alzheimer, một hình thức phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ. Mặc dù tình trạng mắc bệnh phổ biến như vậy, nhiều quan niệm sai lầm vẫn tồn tại. Dưới đây là 7 sự thật mà các bác sĩ hàng đầu khuyên bạn nên biết về căn bệnh này.
Bệnh không chỉ phát triển ở người lớn tuổi
Đúng là nguy cơ mắc bệnh Alzheimer tăng lên đáng kể khi bạn bước vào tuổi tứ tuần, nhưng vẫn có khoảng 5% số người mắc bệnh xảy ra trước tuổi 65 và đôi khi sớm hơn, thậm chí là ở độ tuổi 30.
Loại bệnh Alzheimer này thường liên quan đến ba gen, APP, PSEN 1 và PSEN 2. Mặc dù có thể kiểm tra được sự đột biến gen trong cơ thể, nhưng nó không có nghĩa bạn có thể tránh được. Heather Snyder, Tiến sĩ, Giám đốc Medical and Scientific Relations cho biết: "Không có cách nào để ngăn ngừa bệnh Alzheimer, việc bạn phát hiện ra gen đột biến chỉ gây ra lo lắng, hoặc kỳ thị trong việc dùng bảo hiểm chăm sóc lâu dài".
Nếu bạn quên tên của ai đó, đừng hoảng sợ
Snyder nói rằng hầu hết sự đãng trí, đặc biệt ở những người ở độ tuổi 30, 40 và thậm chí là 50 tuổi, là do sự kết hợp của những thay đổi liên quan đến tuổi tác và các yếu tố lối sống, ví dụ như đa nhiệm hoặc căng thẳng gây ra. Nếu bạn ở độ tuổi 60 hoặc 70, việc đãng trí diễn ra thường xuyên hơn, và việc bạn phải cố gắng rất nhiều mới nhớ được tên của một người bạn, điều đó cũng khá bình thường.
Ngược lại, đột nhiên bạn quên những sự kiện quan trọng thường xuyên xảy ra hàng ngày, chẳng hạn không thể nhớ về sổ tiết kiệm hàng tháng, quên sinh nhật của con… có thể là dấu hiệu của căn bệnh Alzheimer.
Phơi nhiễm nhôm không phải là vấn đề
Theo Hiệp hội người Alzheimer, kể từ những năm 1960 người ta đã cho rằng phơi nhiễm nhôm là một trong những nguyên nhân có thể gây ra chứng Alzheimer, nhưng thực sự chưa có một nghiên cứu chính xác nào tìm thấy liên kết giữa 2 điều này.
Trên thực tế, mặc dù những lo ngại về việc phơi nhiễm nhôm, bạc nảy sinh bởi chúng có nguồn ngốc từ hỗn hợp chứa thuỷ ngân, các tổ chức như FDA và Tổ chức Y tế Thế giới cho biết kim loại này có mặt ở mức thấp đến nỗi nó không thể gây hại tới bộ não của bạn.
Chế độ ăn uống MIND có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh
Chế độ ăn uống MIND – một sự kết hợp của chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn DASH – có thể làm giảm nguy cơ mắc Alzheimer tới 53%, theo một nghiên cứu vào năm 2015 của Harvard. Và nghiên cứu được trình bày vào tháng 7 vừa rồi tịa Hội nghị quốc tế Hiệp hội Alzheimer ở London phát hiện ra những người đi theo chế độ ăn này ít có khả năngphát triển tất cả các bệnh liên quan đến mất trí nhớ, bao gồm cả bệnh Alzheimer.
Nguyên lý chính của chế độ ăn MIND chính là ăn nhiều thực phẩm làm tăng trí não – bao gồm rau lá xanh, quả hạch, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cá, dầu ô liu, rượu vang và tránh thịt đỏ, bơ thực vật, phô mai, bánh ngọt, các thức ăn chiên và thức ăn nhanh.
Đừng để bộ não nghỉ ngơi quá lâu
Bạn càng có học vấn, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer càng thấp, theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 12 vừa qua trên Tạp chí Y khoa Anh. David Perlmutter, bác sĩ chuyên khoa Thần kinh học ở Naples cho biết: "Lý thuyết cho rằng việc đi học đại học, hoặc thậm chí là sau đại học buộc não của bạn phải tăng cường mức dự trữ, do đó phải mất thời gian hơn não mới có những thay đổi liên quan đến bệnh sa sút trí tuệ hoặc bệnh Alzheimer".
Bạn không nhất thiết phải vùi đầu vào học để có bằng được tấm bằng tiến sĩ, bạn chỉ cần giữ bộ não hoạt động bằng cách đăng ký các khóa học đại học tại địa phương, học ngôn ngữ hay nhạc cụ mới…
Theo một nghiên cứu của Duke xuất bản trong tạp chí Alzheimer & Dementia: Tạp chí Hiệp hội Alzheimer cho rằng sự tham gia vào xã hội - bất kể là bạn tham gia điều gì buộc bạn phải ra khỏi nhà và giao lưu với người khác - sẽ giúp bạn giảm nguy cơ, đặc biệt là là ở những người có xu hướng di truyền cao về bệnh Alzheimer.
Có giấc ngủ tốt
Chỉ cần một đêm ngủ không ngon đã làm tăng beta amyloid - một protein não liên quan đến bệnh Alzheimer, theo một nghiên cứu của Đại học Washington đăng trên tạp chí Brain vào tháng 8 vừa qua.
Perlmutter giải thích: " Việc thiếu ngủ và chất lượng giấc ngủ kém chất lượng khiến não sản sinh lượng BDNF thấp hơn - một protein ngăn ngừa sự sụt giảm thậm chí là chết của các tế nào não hiện có và giúp xây dựng những tế bào mới". Do đó, hãy đảm bảo rằng bạn đang ngủ đủ 7-8 tiếng đồng hồ, và gặp bác sĩ ngay nếu bạn không có được giấc ngủ ngon, cảm thấy thường buồn ngủ vào ban ngày hoặc thức dậy với tâm trạng uể oải, mệt mỏi hay đau đầu. Dấu hiệu ngưng thở, rối loạn thở vào ban đêm có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn bình thường.
Không có cách nào chữa trị Alzheimer triệt để
Mặc dù FDA đã phê duyệt hai loại thuốc là chất ức chế cholinesterase (Aricept, Exelon, Razadyne) và memantine (Namenda) để điều trị mất trí nhớ và nhầm lẫn liên quan đến bệnh Alzheimer, tuy nhiên theo Hiệp hội Alzheimer, các loại thuốc này chỉ làm chậm các triệu chứng trong 6 đến 12 tháng.
Hiện nay có một số loại dược phẩm mới hứa hẹn sẽ phát triển vượt bậc, bao gồm Aducanumab và JNJ - 54861911, cả hai đều nhắm đến việc đánh bật amyloid beta – nguyên nhân gây ra triệu chứng Alzheimer, nhưng dường như để hoàn thiện loại thuốc này, người ta cần ít nhất 5-10 năm trong tương lai.
Nguồn: Prevention
bệnh Alzeimer, bệnh về trí não, suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, sa sút trí nhớ