Sức khỏe

Bí quyết “4 không” giúp sống trường thọ của làng nghề Cá thính

Xã Tiên Lữ (Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) có 830 các cụ cao niên có độ tuổi từ 60 đến 104 tuổi, hầu hết các cụ đều còn khỏe và là tấm gương mẫu mực...

104 tuổi vẫn đếm tiền, leo bậc thềm

Chúng tôi theo chân ôngNguyễn Bá Lịch, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tiên Lữ đến thăm cụ Vũ Thị Lợi (thôn Quang Trung) năm nay bước sang tuổi 104. Ông Trần Đức Tỵ (SN 1942, con trai trưởng của cụ Lợi) chia sẻ, ngày cụ ăn đều 3 bữa, mỗi bữa vẫn ăn hết bát cơm. Tuổi cao, răng yếu nên thức ăn dành riêng cho cụ Lợi được gia đình mua những đồ ăn mềm, dễ nhai.

Ở tuổi này, mắt cụ đã kém dần, tai hơi nặng, thỉnh thoảng bị ù (nghe hơi kém - PV) nhưng cụ vẫn còn minh mẫn và tỉnh táo. Ít khi ốm vặt, thi thoảng mỏi lưng, nhức vai, cụ kêu người con trai nắm bóp cho nhẹ người. Ai đến nhà chơi, chỉ cần xưng tên, nói con cháu nhà ai là cụ Lợi nhớ ngay.

Bí quyết “4 không” giúp sống trường thọ của làng nghề Cá thính - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Bá Lịch, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tiên Lữ hỏi thăm sức khỏe cụ Lợi

Bí quyết “4 không” giúp sống trường thọ của làng nghề Cá thính - Ảnh 2.

Thiệp mừng thọ của Chủ tịch nước tặng cụ Lợi

Hàng ngày, cụ vẫn tự leo lên, leo xuống 3 bậc cửa nhà cao gần 1m mà không cần sự trợ giúp của vợ chồng ông Tỵ. Không những thế, hàng tháng ông Tỵ đi lấy tiền lương về cho cụ, cụ vẫn còn đếm được đầy đủ số tiền mà cụ đang được nhà nước trợ cấp (hàng tháng cụ Lợi được hưởng 1,7 triệu đồng tiền trợ cấp). 


Ông Lợi tự hào rằng, gia đình rất vui khi có mẹ là người nhiều tuổi nhất xã. Mẹ ông sinh ra trong một gia đình có 4 chị em gái. Cụ Lợi là chị cả, người em trai mới mất hưởng thọ 96 tuổi, còn lại 2 cô em gái là Vũ Thị Tài 90 tuổi và Vũ Thị Thoa 84 tuổi vẫn còn sống, tất cả đều khỏe mạnh, minh mẫn.

Bí quyết “4 không” giúp sống trường thọ của làng nghề Cá thính - Ảnh 3.

Ở tuổi 98, cụ Sỹ vẫn cõng chắt đi chơi

Tương tự cụ Lợi, cụ Trần Thị Sỹ (thôn Mới) sinh năm 1919, năm năy đã 98 tuổi nhưng cụ vẫn còn hồng hào, khỏe mạnh, vẫn ra vườn làm cỏ, vẫn cõng chắt đi loanh quanh xóm làng.Sáng nào ngủ dậy cụ Sỹ cũng làm “bạn” với cái bếp lửa. Tự tay cụ đổ nước vào ấm, bưng lên kiềng nhóm lửa nấu nước uống. Mọi sinh hoạt cá nhân từ tắm rửa, giặt giũ quần áo cho đến quét nhà, quét sân cụ vẫn thông thạo.


Bí quyết “4 không”

Nhắc đến bí quyết sống trường thọ cụ Sỹ lắc đầu bảo: “Chẳng có bí quyết gì đâu, tôi cứ sống thoải mái, không suy nghĩ gì cả. Còn sức khỏe thì vẫn phải làm”. Thân hình tuy nhỏ bé nhưng lại khá nhanh nhẹn, một ngày cụ vẫn ăn 3 bữa và không bao giờ bỏ bữa. Trong ăn uống, cụ không kiêng một loại thức ăn nào, chỉ thích uống nước đun sôi và không “nghiện” nước ngọt, dù có gas hay không có gas.

Bí quyết “4 không” giúp sống trường thọ của làng nghề Cá thính - Ảnh 4.

Vợ chồng cụ Đỗ Minh Tâm và cụ Trần Thị Mùi

Cách đó không xa là nhà vợ chồng cụ Đỗ Minh Tâm (thôn Đình) sinh năm 1930, nay đã gần 90 tuổi, nhưng đôi mắt cụ Tâm vẫn sáng, đọc tin nhắn ở điện thoại vanh vách, đọc sách không vấp một từ, rất lưu loát mà không một lần dừng lại để lấy hơi, giọng nói thì sang sảng. Áo, quần chẳng may bị rách, cụ vẫn tự xỏ kim vá lại. Thân hình tuy có vẻ gầy, nhưng tay vẫn rắn chắc, chân vẫn còn khỏe.


Mỗi ngày, cụ tập thể dục bằng cách đi bộ khoảng 4km hay đạp xe dạo chơi quanh làng. Mặc dù đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng cụ vẫn tích cực tham gia các hoạt động trong hội người cao tuổi, chưa bỏ một cuộc họp nào.

Cụ Tâm chia sẻ: “Cứ 5h sáng, tôi đã dậy đi bộ. Sau đó về đi chợ nấu cơm sáng cho 2 vợ chồng. Ngày nào đi họp thì thôi, còn rảnh là ở nhà đọc báo, đọc sách hoặc chép những tư liệu quý, bài thơ hay từ sách báo vào sổ tay của mình. Ngoài ra đi dạo chơi quanh xóm, đến giờ nấu cơm là về”.

Ba bữa cơm, cụ Tâm vẫn tự vào bếp nấu. Bữa ăn chẳng cao sang gì, chỉ rau dưa với ít thịt hay con cá nên cũng không tốn thời gian là bao. Do sức khỏe cụ bà là Trần Thị Mùi (SN 1927, hơn cụ Tâm 3 tuổi) hơi yếu nên mọi công việc trong gia đình từ quét nhà, giặt giũ quần áo… đều do mình cụ Tâm đảm nhiệm.

Chia sẻ về bí quyết sống, cụ Tâm bật mí: “Cuộc sống của tôi luôn thực hiện phương châm 4 “không” như không thuốc lá, thuốc lào; không rượu bia; không nước ngọt và không hằn thù một ai. Cuộc sống luôn vui vẻ, tâm lý thoải mái, làm việc nhiệt tình”.

Ông Nguyễn Bá Lịch, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tiên Lữ cho biết, toàn xã có 830 cụ, trong đó tuổi 90 trở lên có 61 cụ, 75 cụ ở tuổi 80 trở lên, còn lại là các cụ từ 60 - 79 tuổi. Hầu hết các cụ đều sống khỏe, sống có ích, luôn là tấm gương để con cháu noi theo./.

aFamily

Người cao tuổi, Chủ tịch nước, bí quyết sống, thích uống nước, Tập thể dục


      © 2021 FAP
        996,035       543