Sức khỏe

Cô gái bị ký sinh trùng ăn loét giác mạc, trả giá bằng 1 tuần không được ngủ chỉ vì một thói quen ai cũng xem nhẹ

Rất nhiều người đeo kính áp tròng nhưng vẫn chưa có thói quen giữ gìn vệ sinh thật cẩn thận. Cô gái trẻ, Jessica Greaney đã phải trả giá vì điều đó.

Năm 2015, cô sinh viên năm nhất Jessica Greaney của trường đại học Nottingham, Anh, suýt bị mù một bên mắt sau khi nhập viện với tình trạng mắt sưng mọng, đỏ, và đau nhức. Ban đầu Jessica chỉ nghĩ rằng mình bị đau mắt vì mí mắt sưng và sụp xuống, sau đó bác sĩ chẩn đoán có thể cô bị loét giác mạc và cho thuốc về chữa trị.

“Chỉ đến cuối tuần, mắt tôi bắt đầu sưng lồi lên, giống như một quả bóng golf màu đỏ. Tôi đau đớn vô cùng và phải nhanh chóng nhập viện”.

Sau khi được kiểm tra và xét nghiệm tỉ mỉ, Jessica kinh hoàng khi nghe bác sĩ thông báo rằng trong mắt cô tồn tại những con ký sinh trùng mang tên Acanthamoeba Keratitis và chúng đang dần dần đục khoét giác mạc của cô.

Cô gái bị ký sinh trùng ăn loét giác mạc, trả giá bằng 1 tuần không được ngủ chỉ vì một thói quen ai cũng xem nhẹ - Ảnh 1.

Mắt của cô gái sưng đỏ và đau đớn do ký sinh trùng xâm nhập.

Jessica phải dùng thuốc nhỏ mắt để diệt ký sinh trùng cách 10 phút một lần và trong vòng 7 ngày liên tục. Điều này cũng có nghĩa là cô hoàn toàn không thể có một giấc ngủ trọn vẹn trong cả một tuần lễ, đi kèm đó là sự đau đớn, mệt mỏi và tuyệt vọng.

“Quá trình này chẳng khác gì tra tấn. Chỉ đến ngày thứ 4, tôi đã gần như phát điên và khóc mỗi 5 phút, nhưng không có gì thay đổi”.

Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh, trường hợp mắt bị nhiễm ký sinh trùng Acanthamoeba Keratitis là khá hiếm gặp. Đây là loại ký sinh trùng có thể tìm thấy ở trong hầu hết các loại đất, nước ngọt và nước biển. Jessica đã bị lây nhiễm chỉ vì không đậy nắp hộp đựng kính áp tròng khi để chúng gần bồn rửa mặt.

Cô gái bị ký sinh trùng ăn loét giác mạc, trả giá bằng 1 tuần không được ngủ chỉ vì một thói quen ai cũng xem nhẹ - Ảnh 2.

Quá trình chữa trị một tuần không được ngủ, thê thảm hơn tra tấn.

“Trong nước có chứa rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau và Acanthamoeba là một trong số đó. Một chiếc kính áp tròng của tôi đã bị nhiễm ký sinh trùng và chúng đã sống sót ngay khu vực giữa chiếc kính và giác mạc của tôi”, Jessica nói.

Nếu không được điều trị kịp thời, ký sinh trùng có thể gây ra các vấn đề về mắt, gây tê liệt hoặc thậm chí là chết người khi nó ăn qua mắt và vào tủy sống của người bệnh. Sau khi được xuất viện, Jessica vẫn phải tiếp tục nhỏ thuốc 21 lần mỗi ngày đến khi mắt không còn đỏ và sưng. Thật may mắn sau đó cô gái trẻ đã hoàn toàn bình phục, không bị bất cứ di chứng nào.

Cô gái bị ký sinh trùng ăn loét giác mạc, trả giá bằng 1 tuần không được ngủ chỉ vì một thói quen ai cũng xem nhẹ - Ảnh 3.

Jessica rất may mắn đã bình phục và không phải chịu di chứng nào.

Được biết trước khi sự việc xảy ra, Jessica đã đeo kính áp tròng được khoảng 2 năm. Cô hy vọng sau khi câu chuyện của mình được lan tỏa, mọi người sẽ phải ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh khi đeo cũng như bảo quản kính áp tròng.

“Tôi muốn nâng cao nhận thức về ký sinh trùng này và nói với mọi người rằng họ cần phải rất cẩn thận khi đeo kính áp tròng. Chỉ cần một giọt nước nhỏ xíu văng vào hộp đựng kính thôi cũng đã có thể gây ra vấn đề rất lớn rồi”.

(Nguồn: Telegraph, Women’s Health)

aFamily

kính áp tròng, mắt, đau mắt, ký sinh trùng, vệ sinh, vệ sinh kính áp tròng, kính sát tròng, nguy hiểm


      © 2021 FAP
        996,049       564