Sức khỏe

Ho quá mạnh dẫn đến gãy một xương sườn, bác sĩ phát hiện ra người phụ nữ này mắc căn bệnh rất đỗi quen thuộc mà không biết

Điều này nghe có vẻ nực cười nhưng sự thực thì một người phụ nữ đã bị gãy 1 cái xương sườn do ho quá mạnh.

Điều đáng nói là trước đó cô đã đi khám bệnh nhưng các bác sĩ chỉ nghĩ cô bị cúm thông thường.

Đó là trường hợp của một người phụ nữ 66 tuổi (giấu tên, sống tại tiểu bang Massachusetts) được nêu trong báo cáo được đăng trên Tạp chí Y khoa New England. Theo báo cáo, cô đã ho kham trong 2 tuần và đau ở phần bụng bên phải. Các loại thuốc bác sĩ kê cho cô để điều trị cúm không có tác dụng làm giảm các triệu chứng. Năm ngày sau, cô quay trở lại khám và cho thấy một vùng da lớn bị bầm tím bên phải bụng. Dấu hiệu này rõ ràng cảnh báo vấn đề nào đó nghiêm trọng hơn là chỉ bị cúm.

Ho quá mạnh dẫn đến gãy một cái xương sườn, bác sĩ phát hiện ra người phụ nữ này mắc căn bệnh rất đỗi quen thuộc mà không biết - Ảnh 1.

Cô nhanh chóng được chỉ định chụp CT và kết quả là cô đã bị gãy xương thứ 9 do ho quá mạnh. Xương sườn của cô đã bị gãy và 2 đầu tách hẳn ra đâm vào thành bụng. Các xét nghiệm sau đó tiếp tục khẳng định cô bị nhiễm trùng Bordetella - 1 loại trực khuẩn gây ho gà.

Theo người phụ nữ này chia sẻ, cô đã tiêm vắc-xin phòng ngừa ho gà từ 8 năm trước. Thời gian gần đây cô cũng không tiếp xúc với ai bị bệnh.

Ho gà là bệnh hiếm gặp ở người lớn, tuy nhiên, trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến các biến chứng như gãy xương sườn.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh ho gà bao gồm: Sổ mũi, mắt đỏ và mắt nước, đau họng, và nhiệt độ cơ thể tăng cao. Những cơn ho nặng thường bắt đầu khoảng một tuần sau đó.

Ho quá mạnh dẫn đến gãy một cái xương sườn, bác sĩ phát hiện ra người phụ nữ này mắc căn bệnh rất đỗi quen thuộc mà không biết - Ảnh 2.

Người phụ nữ này bị thâm tím nghiêm trọng bên phải bụng vì vết xương sườn đã bị gãy trong khi ho.

Người phụ nữ này đã được phẫu thuật và hồi phục hoàn toàn sau điều trị. Tất cả các nhân viên phòng khám và bạn bè thân thiết và gia đình của người phụ nữ cũng được điều trị để đảm bảo họ sẽ không bị nhiễm trùng ho gà.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh Hoa Kỳ (CDC) ho gà là bệnh hô hấp do vi khuẩn gọi là Bordetella pertussis gây ra. Các triệu chứng ban đầu của bệnh thường giống với cảm lạnh, như chảy nước mũi và sốt nhẹ. Nhưng khoảng 1-2 tuần sau đó, những bệnh nhân bị nhiễm bệnh có thể phát triển ho nặng. Bệnh lây theo đường hô hấp, biểu hiện lâm sàng bằng những cơn ho dữ dội đặc biệt và có nhiều biến chứng.

Bệnh này nghiêm trọng nhất ở trẻ sơ sinh, nhưng người lớn cũng có thể gặp các biến chứng từ bệnh, trong đó có cả việc gãy xương sườn do ho mạnh. Theo một nghiên cứu của CDC, khoảng 4% người lớn bị ho gà đã gãy xương sườn vì ho nặng.

Ho quá mạnh dẫn đến gãy một cái xương sườn, bác sĩ phát hiện ra người phụ nữ này mắc căn bệnh rất đỗi quen thuộc mà không biết - Ảnh 3.

Hình ảnh chụp X-quang cho thấy xương sườn đã gãy và gây ra chứng tràn dịch trong thành ngực của người phụ nữ.

Theo báo cáo của CDC, hiệu quả của vắc-xin giảm dần theo thời gian, do vậy, người dân được khuyến cáo đi tiêm vắc-xin phòng ngừa ho gà sau mỗi 10 năm.

Bệnh ho gà chủ yếu lây theo đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp qua giọt nước bọt khi người nhiễm vi khuẩn ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp.

Nhờ triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh trong 30 năm qua, bệnh ho gà tại Việt Nam đã được khống chế, tỉ lệ mắc bệnh năm 2014 đã giảm 249,4 lần so với trước khi triển khai. Tuy nhiên, hàng năm trên toàn quốc vẫn ghi nhận từ 200-300 ca mắc. Ho gà vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ biến chứng cao, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Trẻ càng nhỏ tuổi bệnh diễn biến càng nặng và có nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm. Trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ.

Bệnh ho gà tiến triển qua các giai đoạn sau:

- Thời kỳ ủ bệnh: Kéo dài từ 6-20 ngày (trung bình 9-10 ngày).

- Giai đoạn tiền triệu (viêm long): Kéo dài 1-2 tuần, gồm các triệu chứng sốt nhẹ, chảy nước mũi, hắt hơi, ho húng hắng. Cuối giai đoạn này ho nặng lên thành cơn.

- Giai đoạn khởi phát: Kéo dài 1-6 tuần, trường hợp đặc biệt có thể trên 10 tuần. Cơn ho điển hình xuất hiện đột ngột, bất kỳ thời điểm nào nhưng thường nặng lên về đêm.

Các dấu hiệu ở giai đoạn này

Ho: Ho rũ rượi, thành cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ho nhiều làm trẻ thở yếu dần có lúc như ngừng thở do thiếu ô-xy, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi. Trong 2 tuần đầu, tần suất cơn ho khoảng 15 cơn/ngày, sau đó giảm dần. Bệnh có thể kéo dài hơn 3 tuần nếu không được điều trị. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi có thể không có tiếng rít trong cơn ho.

Thở rít vào: Xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít.

Khạc đờm: Khạc đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Trong đờm có trực khuẩn ho gà.

Sau mỗi cơn ho trẻ bơ phờ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Có thể kèm theo một số triệu chứng sau: Sốt nhẹ, mặt và mi mắt nặng, loét hãm lưỡi, nghe phổi trong cơn ho có thể thấy một số ran phế quản (ran rít, ngáy).

- Giai đoạn hồi phục: kéo dài 2-3 tuần, cơn ho ít dần, bệnh nhân giảm sốt. Tuy nhiên, nhiều tháng sau đó, ho có thể tái diễn gây ra viêm phổi.

Ở trẻ vị thành niên và người lớn, triệu chứng thường nhẹ, ít gặp cơn ho điển hình hoặc không có triệu chứng. Thường có ho kéo dài trên 7 ngày. Có tỷ lệ nhỏ trẻ đã từng tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc bệnh, tuy nhiên ở những bệnh nhân này bệnh thường nhẹ, nhanh khỏi.

Nguồn: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương

Nguồn: DailyMial/Independent

aFamily

ho gà, ho mạnh đến gãy xương sườn, bệnh nguy hiểm, bệnh ho gà


      © 2021 FAP
        1,134,116       769