Yêu cầu công việc và nuôi dạy con cái thực sự tác động rất lớn đến cơ thể và gây ra những rắc rối về sức khỏe cho những bà mẹ bận rộn này.
Theo thống kê tại Mỹ, gần 70% các bà mẹ giờ đây là một phần của lực lượng lao động. Trong khi đó, họ vẫn phải đảm đương trọng trách chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Ngoài việc tạo gánh nặng phi lý khiến mức độ stress tăng cao, sự mất cân bằng này còn dẫn tới bệnh tật và nhiều rắc rối về sức khỏe khác cho các mẹ vừa đi làm vừa chăm con như dưới đây.
1. Đau lưng
Rắc rối: Bế ẵm con cộng việc với hàng giờ liền ngồi bên bàn máy tính (hay đi kèm chiếc điện thoại luôn phải kẹp giữa tai và vai) có thể dẫn tới tình trạng căng cơ ở cổ, lưng, vai cũng như thoái hoá đĩa đệm.
Giảm nguy cơ bằng cách: "Di chuyển nhiều nhất có thể" - theo lời khuyên từ Marianne Ryan, chuyên gia vật lý trị liệu, một bà mẹ kiêm tác giả cuốn "Baby Bod: Turn Flab to Fab in 12 Weeks Flat". "Việc này không chỉ có ý nghĩa quan trọng nhằm tránh tư thế bước đi vai thõng xuống mà vô số dân công sở gặp phải mà còn giúp thay đổi giữa các tư thế cơ thể khác nhau trong cả ngày làm việc", bà cho biết thêm.
Do đó, mỗi giờ 1 lần, bạn nên đứng dậy, đi lại xung quanh (có thể đặt chuông báo thức trên điện thoại để nhắc việc), tập động tác xoay vai và cổ.
Xử lý rắc rối tại nơi làm việc: Duỗi thẳng thân trên khi ngồi tại ghế, nâng cánh tay lên rồi đan 2 bàn tay lại phía sau gáy. Khuỷu tay hướng ra ngoài, nhẹ nhàng uốn cong lưng ra sau 5 lần, sao cho cảm nhận được sự căng ra ở thân trên.
2. Đau đầu
Rắc rối: Bác sĩ Dawne Kort tại phòng khám chăm sóc khẩn cấp CityMD ở New York cho biết: "Đau đầu có thể sinh ra do thiếu ngủ, stress và không cung cấp đủ nước cho cơ thể - tình trạng mà rất nhiều mẹ vừa đi làm vừa chăm con phải đối mặt".
Giảm nguy cơ: Đeo một thiết bị công nghệ hoặc sử dụng ứng dụng theo dõi lượng nước hấp thu và giấc ngủ của bạn để xem bạn có bị thiếu hụt không. Bác sĩ Kort lý giải: "Tôi từng mắc chứng đau nửa đầu từ năm 12 tuổi. Mãi cho tới khi tôi bắt đầu theo dõi hai việc trên bằng ứng dụng công nghệ, tôi mới nhận ra mình không uống đủ nước. Kể từ lúc tăng lượng nước nạp vào cơ thể, số lần bị đau nửa đầu của tôi giảm đi đáng kể".
Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ khuyến nghị phụ nữ hấp thu khoảng 2,7l nước mỗi ngày thông qua đồ uống và thức ăn, tuỳ thuộc vào khổ người bạn.
Đối với việc tạo thêm thời gian ngủ, hãy bàn với chồng bạn để phân chia nhiệm vụ chăm sóc bé sao cho bạn có thể có những đêm ngủ nguyên giấc.
Xử trí rắc rối tại nơi làm việc: Khi đau đầu tấn công bạn, nhẹ nhàng mát-xa hai bên thái dương ngay tại chỗ ngồi. Hoặc nếu có thể, hãy nghỉ vài phút để tìm một chỗ yên tĩnh, tránh xa tiếng chuông điện thoại hay những âm thanh ồn ào khác, vốn có thể là thủ phạm gây ra chứng đau đầu.
3. Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Rắc rối: Bác sĩ Kort thừa nhận: "Chúng tôi đã gặp rất nhiều các bà mẹ vừa đi làm vừa chăm con gặp rắc rối về đường tiêu hoá như táo bón, tiêu chảy - nguyên nhân cũng có thể là cơ thể mất nước, thói quen ăn uống thiếu lành mạnh và stress".
Bạn có thể bị hội chứng ruột kích thích (IBS) nhưng "rất nên đi gặp chuyên gia về dạ dày - đại tràng nhằm loại bỏ yếu tố viêm loét, ung nhọt và các nguyên nhân khác", bác sĩ Kort khuyên.
Giảm nguy cơ: Theo khuyến nghị của bác sĩ Kort, bạn nên bổ sung lợi khuẩn hàng ngày cho sức khỏe đường ruột và hấp thụ nhiều chất xơ - từ trái cây, rau, ngũ cốc toàn phần - để giữ cho đường tiêu hoá hoạt động trơn tru. Nhớ giảm thiểu tối đa stress. Một nghiên cứu gần đây do các nhà khoa học ở Vanderbilt công bố cho thấy, trị liệu tâm lý có thể giảm triệu chứng IBS.
Xử trí rắc rối tại nơi làm việc: Ngoài việc uống nước cả ngày, ăn thực phẩm toàn phần và tránh xa các chất kích thích như caffeine, bạn hãy dành ra vài phút để thư giãn. "Một bài tập thể dục nhỏ hay một cuộc điện thoại trò chuyện với bạn bè có thể rất hữu ích trong việc giảm căng thẳng", bác sĩ Kort nhấn mạnh.
4. Chứng lo âu
Rắc rối: Tiến sĩ Ginnie Love, bà mẹ của 2 con gái và chuyên gia trị liệu tâm lý tại Miami, cho biết: "Tôi đã gặp nhiều bà mẹ vừa đi làm vừa chăm con rơi vào trạng thái quá tải. Chúng ta luôn luôn phải thực hiện vô số nhiệm vụ và không ngừng "làm" gì đó - nguyên nhân khiến hệ thần kinh của chúng ta phải cài chế độ phòng vệ ‘đánh hay chạy’. Chúng ta dành rất ít thời gian, trong đó, cơ thể có thể nghỉ ngơi và tiêu hoá". Quá nhiều lần như vậy sẽ khiến bạn cảm thấy kiệt sức và stress không ngừng nghỉ".
Giảm nguy cơ: Bác sĩ Love chia sẻ: "Ngay cả khi công việc và chăm sóc con cái khiến thời gian dành việc chăm sóc bản thân ngày càng ít ỏi, hãy xác định xem điều gì nuôi dưỡng tâm hồn bạn và giúp bạn trở lại trạng thái tươi trẻ, đầy sức sống, cố gắng làm điều đó mỗi ngày. Đó có thể là gặp gỡ bạn bè hay để các con chạy nhảy tự do trong sân (hơn là cố ép mình phải cho con thực hiện thêm 1 hoạt động nữa). Khi ấy, bạn sẽ có thời gian ngồi lại để thưởng thức một tách trà".
Và nếu chạy tới phòng tập thể hình tạo cảm giác như một yếu tố gây stress khác, nó sẽ không được xem như khoảng thời gian để bạn chăm chút bản thân.
Xử trí rắc rối tại nơi làm việc: Lập danh sách những thứ có ý nghĩa và đưa ra giới hạn cho những thứ còn lại. Đều đặn xem xét danh sách để đảm bảo bạn đặt ưu tiên cho bản thân mình.
5. Tắc tuyến sữa và viêm vú
Rắc rối: Thật khó để những bà mẹ vẫn đang trong thời kỳ cho con bú phải rời khỏi ca làm việc hoặc các cuộc họp để hút sữa. Nhưng nếu ngực bạn không được thường xuyên làm vơi lượng sữa chứa trong đó, nó có thể gây ứ, nghẽn tuyến sữa và chứng viêm vú - một dạng nhễm trùng đòi hỏi bạn phải điều trị bằng kháng sinh.
Giảm nguy cơ: Nói với sếp rằng bạn cần hút sữa vào một thời điểm nhất định mỗi ngày, nhấn mạnh đây là vấn đề liên quan tới sức khỏe. Nếu sếp tỏ ra do dự, bạn hãy cầu cứu một chuyên gia. Bác sĩ Kort tiết lộ: "Tôi từng viết một số thư giúp bệnh nhân, trong đó, nói rõ họ cần phải được hút sữa theo một thời khoá biểu đều đặn".
Xử trí rắc rối tại nơi làm việc: Cho vào lò vi sóng một tấm khăn ướt rồi áp nó lên vùng ngực đang đau tức. Trước khi hút sữa, hãy mát-xa bầu ngực của bạn. Một khi sữa bắt đầu được hút ra, tiếp tục mát-xa núm vú trong lúc hút để sữa lưu thông dễ dàng.
6. Đau khung chậu
Rắc rối: Nghiên cứu chỉ ra rằng, với hơn 1/3 phụ nữ, đau bộ phận sinh dục và khung chậu có thể kéo dài 1 năm sau sinh. Chuyên gia vật lý trị liệu Ryan giải thích: "Dây chằng và mô liên kết bị căng ra trong quá trình sinh nở thường trở nên lỏng lẻo sau khi sinh, dẫn tới sự thiếu ổn định và các cơn đau. Tình trạng này thậm chí còn trở nên khó chịu hơn khi bạn liên tục phải ngồi làm việc suốt nhiều giờ".
Giảm nguy cơ: Dành 10 phút mỗi ngày tập bài tập co thắt sàn chậu (hay còn gọi là bài tập Kegel) và tập bụng để tăng cường sức khỏe nhóm cơ tại các khu vực này.
Xử trí rắc rối tại nơi làm việc: Đặt miếng dán cố định lên ghế văn phòng của bạn để giảm áp lực lên khung chậu trong lúc ngồi.
7. Hội chứng ống cổ tay
Rắc rối: Chuyên gia vật lý trị liệu Ryan cho biêt: "Mô liên kết lỏng lẻo có thể ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể - không chỉ riêng khung chậu – và việc này khiến các bà mẹ vừa đi làm vừa chăm con dễ gặp phải chấn thương hơn, do những hoạt động lặp đi lặp lại", như đánh máy chẳng hạn.
Giảm nguy cơ: Tránh tỳ cổ tay lên bàn phím trong lúc gõ văn bản bởi vì việc này đòi hỏi bạn phải cong cổ tay lên, từ đó khiến dây thần kinh ở ống cổ tay bị bó lại. Thay vào đó, nhấc cổ tay lên khỏi bàn phim bằng cách sử dụng một miếng đệm.
Xử trí rắc rối tại nơi làm việc: Đeo một chiếc vòng tay để đảm bảo cổ tay ở vị trí ngang bằng trong lúc bạn gõ bàn phím và cả trong lúc bế con hoặc ngủ.
8. Thiếu hụt dinh dưỡng
Rắc rối: Những bà mẹ vừa đi làm vừa chăm con thường xuyên bị thiếu hụt sắt và B12, dẫn tới tình trạng mệt mỏi, uể oải. Với những bà mẹ vẫn đang cho con bú, tình trạng này thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Giảm nguy cơ: Nếu bạn không có thời gian để cải thiện chế độ ăn của mình, ít nhất hãy bổ sung vitamin với sắt mỗi ngày – bác sĩ Kort gợi ý.
Xử trí rắc rối tại nơi làm việc: Bắt đầu một ngày của bạn bằng cách bổ sung dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, nhờ một ly sinh tố hỗn hợp rau và trái cây mà bạn hoàn toàn có thể mang theo tới nơi làm việc.
(Nguồn: Workingmother)
Chăm sóc con, chăm sóc sức khoẻ, bí quyết sống khỏe, rắc rối về sức khỏe