Bác sĩ Đông y Nguyễn Hữu Trường sẽ lý giải cho bạn thấy nhân sâm có tác dụng giảm đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường hay không.
Nhân sâm – Vị thuốc quý trong Đông y
Từ bao đời nay, nhân sâm luôn được coi là vị thuốc quý trong Đông y nói riêng, trong y học chữa bệnh nói chung. Nhân sâm còn có tên gọi khác là viên sâm, giã nhân sâm, thuộc họ Ngũ gia bì. Đây là loại cây sống lâu năm, cao khoảng 0,6m, rễ mẫm thành củ to, lá mọc vòng, cuống dài, lá kép gồm nhiều lá chét mọc thành hình chân vịt. Khi được 4 năm tuổi, nhân sâm cho hoa.
Từ bao đời nay, nhân sâm luôn được coi là vị thuốc quý trong Đông y nói riêng, trong y học chữa bệnh nói chung.
Nhân sâm thường mọc hoang và được trồng ở Trung Quốc, Triều Tiên, vùng Viễn Đông của Liên Xô, và cũng được trồng ở Nhật Bản, Mỹ nhưng nổi tiếng vẫn là sâm Triều Tiên và Trung Quốc. Từ xa xưa, sâm đã được sử dụng như là phương thuốc thần hiệu trị được nhiều bệnh và đứng hàng đầu trong bốn vị thuốc bổ của đông y.
Thành phần chủ yếu của nhân sâm gồm saponin triterpenoid tetracyclic, nhóm dammaran (gọi chung là ginsenosid), có tới gần 30 saponin khác nhau. Cho dù là Đông y hay Tây y thì nhân sâm vẫn được coi là một loại thuốc bổ toàn diện, có tác dụng gia tăng sự hồi phục các chức năng của cơ thể, chống lão hóa các tế bào, thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp protein của tế bào mới. Nhân sâm còn có tác dụng kích thích cơ chế miễn dịch của cơ thể, giúp chống lại bệnh nhiễm trùng, là phương thuốc phòng bệnh. Sử dụng nhân sâm giúp bạn làm việc dẻo dai hơn, tạo điều kiện tăng năng suất lao động.
Gần đây, nhiều bệnh nhân bị bệnh tiểu đường tìm đến nhân sâm như một phương thuốc giúp giảm đường huyết hiệu quả.
Gần đây, nhiều bệnh nhân bị bệnh tiểu đường tìm đến nhân sâm như một phương thuốc giúp giảm đường huyết hiệu quả. Nhiều người cho rằng nhân sâm có những thành phần giúp giảm đường huyết hiệu quả. Vậy nhân sâm có tốt cho bệnh nhân tiểu đường hay không? Chúng ta cùng nghe chuyên gia lý giải ngay dưới đây.
Nhân sâm có tác dụng hạ đường huyết nhưng cần hết sức cẩn trọng
BS Đông y Nguyễn Hữu Trường (Phòng chẩn trị Y học cổ truyền Y Tâm Đường, Hóc Môn, TP. HCM) cho biết, các nghiên cứu khoa họa đều cho rằng nhân sâm có tác dụng làm tăng chuyển hóa đường trong máu giúp hạ đường huyết. Ngoài ra, nhân sâm còn có tác dụng chống lão hóa, tăng cường khả năng miễn dịch, tăng cường khả năng tạo máu, điều hòa chuyển hóa cholesterol...
"Trên lâm sàng, người ta đã thấy rằng nếu dùng nhân sâm cùng với insulin thì có thể giảm bớt lượng insulin dùng điều trị, đồng thời giúp thời gian hạ đường huyết được kéo dài hơn", BS Trường cho hay.
Mặc dù vậy, khi sử dụng nhân sâm, bệnh nhân tiểu đường cần hết sức lưu ý, không được bỏ qua một số khuyến cáo quan trọng.
Các nghiên cứu khoa họa đều cho rằng nhân sâm có tác dụng làm tăng chuyển hóa đường trong máu giúp hạ đường huyết.
"Khi dùng nhân sâm, lượng đường trong máu có thể giảm đáng kể. Vì vậy, nếu bạn đang sử dụng thuốc điều trị tiểu đường thì không nên dùng cùng một lúc với nhân sâm để tránh gây ra tình trạng tụt đường huyết, mức độ nặng có thể gây ra ngất tại chỗ", chuyên gia Đông y nói.
BS Trường cũng cho biết thêm, nhân sâm có tác dụng làm co mạch hệ thống mạch ngoại vi và làm huyết áp tăng lên. Vì vậy, nếu người bệnh tiểu đường có kèm theo bệnh tăng huyết áp thì không nên dùng nhân sâm. Để tránh bị khó ngủ bạn không nên dùng nhân sâm gần thời gian đi ngủ. Liều dùng hợp lý là 5-10g / ngày. Kiêng kỵ: Không dùng chung với Lê lô (tên vị thuốc trong Đông y).
Một số bài thuốc chữa bệnh tiểu đường từ nhân sâm
Theo BS Đông y Nguyễn Hữu Trường, tiểu đường có bệnh danh Đông y là "Tiêu khát", biểu hiện lâm sàng chủ yếu là ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, người gầy sút cân hoặc nước tiểu có vị ngọt. Nguyên tắc điều trị cơ bản của Đông y là dùng pháp thanh nhiệt lợi táo, dưỡng âm sinh tân.
Nhân sâm có tác dụng làm co mạch hệ thống mạch ngoại vi và làm huyết áp tăng lên.
"Nhân sâm là vị thuốc quý có công dụng là: đại bổ nguyên khí, bổ tỳ ích phế, sinh tân, an thần. Nhân sâm được dùng trong bài thuốc "Sinh mạch tán phối hợp với Lục vị địa hoàng hoàn" để điều trị "Tiêu khát" thể khí âm lưỡng hư, có triệu chứng lâm sàng như: khát nước, ăn nhiều nhanh đói, đi tiểu nhiều lần, mệt mỏi, ngại nói, miệng khô khát nước, chóng mặt, lòng bàn tay bàn chân nóng, ăn kém bụng chướng, đại tiện lỏng, tự ra mồ hôi hay ra mồ hôi trộm", BS Trường giải thích.
Thành phần bài thuốc gồm: Nhân sâm 6g, mạch môn 12g, ngũ vị tử 10g, thục địa 12g, hoài sơn 12g, sơn thù 12g, trạch tả 15g, đan bì 12g, bạch linh 12g. Mỗi ngày uống 1 thang. Sắc làm 3 lần uống trong ngày.
Theo chuyên gia, việc điều trị tiểu đường nhằm mục đích ổn định đường huyết, phòng tránh các biến chứng tổn thương đến các cơ quan như tim, thận, mắt... Do đó, không nên tự ý điều trị tại nhà mà cần đến thăm khám bác sĩ có chuyên môn để theo dõi chặt chẽ quá trình chữa bệnh, giúp bệnh ngày càng tiến triển tốt hơn.
BS Đông y Nguyễn Hữu Trường, nhân sâm, Bệnh tiểu đường, giảm đường huyết, nhân sâm chữa tiểu đường