Sức khỏe

Mùa nắng nóng sắp đến, cẩn trọng với bệnh đường hô hấp, tay chân miệng sắp sửa “hoành hành”

Nắng nóng là môi trường lý tưởng cho các bệnh về tay chân miệng, thuỷ đậu, sốt xuất huyết, đặc biệt là bệnh về đường hô hấp bùng phát.

BS CKII Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Khám bệnh BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, thời điểm hiện tại, mỗi ngày BV tiếp nhận gần 5.000 lượt trẻ đến khám và điều trị. Trong đó, các nhóm bệnh mùa nóng đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, bệnh đường hô hấp chiếm đến 30%, tiếp đến là các bệnh truyền nhiễm, bệnh về đường tiêu hoá. Ngoài ra, bệnh tay chân miệng, thủy đậu và sốt xuất huyết dù chưa đột biến nhưng cũng có xu hướng gia tăng bệnh nhân.

Mùa nắng nóng sắp đến, cẩn trọng với bệnh đường hô hấp, tay chân miệng sắp sửa “hoành hành” - Ảnh 1.

Mùa nắng, trẻ nhỏ dễ nhập viện vì các bệnh liên quan đến hô hấp, nhiễm, tay chân miệng. (Ảnh minh hoạ)

"Hiện tại, miền Nam đang vào mùa nóng. Thông thường, khi nhiệt độ nóng lên đến khoảng 38 độ C thì bệnh ở trẻ mới bùng phát. Tuy nhiên chu kỳ bệnh năm nay đã có nhiều thay đổi, một phần do thời tiết bất thường, một phần xuất phát từ việc chăm sóc con không đúng cách của phụ huynh cũng như những quan niệm sai lầm mà cha mẹ đang mắc phải", BS Hoàng chia sẻ.

Theo BS Hoàng, nắng nóng khiến trẻ tiết mồ hôi nhiều là cơ hội để vi trùng phát triển mạnh ở da gây ửng đỏ ngứa ngáy. Theo thói quen, trẻ sẽ gãi liên tục, có thể hình thành nên các mụn nước. Nếu cha mẹ không chú ý để mụn nước vỡ ra sẽ hóa mủ trên da, dẫn đến trẻ bị nhiễm trùng.

Mùa nắng nóng sắp đến, cẩn trọng với bệnh đường hô hấp, tay chân miệng sắp sửa “hoành hành” - Ảnh 2.

Một bé gái bị thuỷ đậu được điều trị tại BV Nhi Đồng 1 sau Tết Nguyên Đán.

"Ban đầu tình trạng này không nguy hiểm nhiều nhưng về sau tình trạng trở nặng sẽ gây viêm mô tế bào, viêm da, thậm chí dẫn nhiễm trùng huyết và dễ gây tử vong", BS Hoàng cảnh báo.

Nói về thói quen của cha mẹ khi chăm sóc trẻ bị bệnh, Trưởng Khoa Khám bệnh BV Nhi Đồng 1 cho biết, với các tình trạng viêm da, sốc nhiệt vào mùa nắng nóng, nhiều phụ huynh hay dùng những phương pháp dân gian như cho con tắm lá khổ qua, trà xanh, gốc rạ… vì nhầm lẫn tên gọi của các loại cây trên có liên quan đến căn bệnh của trẻ. Tuy nhiên đây là suy nghĩ sai lầm, thậm chí cấm kỵ, vì chẳng những không giúp trẻ bớt bệnh mà ngược lại, việc chữa tuỳ tiện sẽ làm tình trạng nhiễm trùng của trẻ nặng thêm.

"Nhiều cha mẹ bận rộn, tự ý đi mua thuốc tại các hiệu thuốc tư nhân khi con mắc bệnh. Ở những nơi này, nhà thuốc thường bán kháng sinh ngay cho trẻ, dễ gây tình trạng kháng kháng sinh, về sau rất khó khăn trong điều trị. Nhiều bà mẹ chủ quan, không giăng mùng vì nghĩ nhà sạch sẽ, có máy lạnh nên không có muỗi, hoặc chỉ thoa kem chống muỗi cho con, nghĩ rằng đã an toàn nhưng trẻ vẫn có thể bị muỗi chích và mắc sốt xuất huyết như thường", BS Hoàng phân tích.

Mùa nắng nóng sắp đến, cẩn trọng với bệnh đường hô hấp, tay chân miệng sắp sửa “hoành hành” - Ảnh 3.

Tiếp xúc với ánh nắng có thể khiến gây nhiều bệnh lý cho trẻ. (Ảnh minh hoạ)

Do đó, BS Hoàng khuyên các bậc phụ huynh nên chú ý đến sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong phòng máy lạnh và bên ngoài, hạn chế cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với trời nắng nóng vì chứa nhiều tia cực tím, có thể làm trẻ giảm sức đề kháng, rối loạn điện giải, tăng nhịp tim và gây nhiều bệnh lý nguy hiểm.

"Cha mẹ nên lưu ý khi cho trẻ tiếp xúc với đồ chơi ở trường học phải khử trùng trước, không cho trẻ cho tay vào miệng. Bên cạnh đó, thức ăn của trẻ nên được kiểm tra, chế biến thường xuyên. Thời tiết nóng, thức ăn dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn dễ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa", BS Hoàng nói.

Mùa nắng nóng sắp đến, cẩn trọng với bệnh đường hô hấp, tay chân miệng sắp sửa “hoành hành” - Ảnh 4.

BS Phạm Văn Hoàng khuyên cha mẹ nên chú ý đến những triệu chứng bất thường của con để mang đến các cơ sở y tế điều trị kịp thời.

Đối với sốt xuất huyết và tay chân miệng - 2 nhóm bệnh gây biến chứng và tử vong cao, điều cần thiết là phải đưa trẻ đi đến BV kịp thời, khi thấy trẻ sốt cao từ 2 ngày trở lên. Ngoài ra, những triệu chứng như sốt lơ mơ, nôn ói, ho nhiều, thở mệt là dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng.

"Phụ huynh cần chủ động hoàn toàn, tránh để phát hiện bệnh muộn, trẻ đã rơi vào trạng thái nặng nề mới đưa đến BV thì vô cùng nguy hiểm", BS Hoàng khuyến cáo.

aFamily

bệnh mùa nóng, hô hấp, tay chân miệng, thuỷ đậu


      © 2021 FAP
        1,116,616       395