Chủ quan trong chăm sóc sức khỏe bản thân từ những điều nhỏ nhặt như nhổ răng, tay chân có vết xước nhẹ… cũng có thể khiến bạn bị hoại tử do vi khuẩn "ăn thịt người" tấn công.
Phá hủy toàn bộ khuôn mặt sau khi nhổ một chiếc răng
Vào tháng 12 năm ngoái, Suth Ret, 18 tuổi (Campuchia) đến phòng khám nha khoa để nhổ một chiếc răng hàm. Sau khi nhổ xong răng, nha sĩ đã xử lý qua loa, chủ quan, khiến cho vi khuẩn vẫn còn tồn tại trong cổ họng cô, không lâu sau thì xâm nhập vào đường máu.
Vi khuẩn này nhanh chóng len lỏi dưới da, hủy hoại toàn bộ gương mặt của cô gái trẻ, khiến khuôn mặt cô hiện nay bị biến dạng nghiêm trọng. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, cô gái đã bị mắc bệnh viêm cân mạc hoại tử (necrotizing fasciitis). Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn "ăn thịt người" gây nên.
Suth Ret, 18 tuổi (Campuchia) bị vi khuẩn "ăn thịt người" tấn công sau khi nhổ một chiếc răng hàm.
Theo NHS, loại vi khuẩn này gây nhiễm trùng và sống ở những nơi khác nhau trên cơ thể, trong nhiều trường hợp có thể gây chết người. Viêm cân mạc hoại tử thường do một nhóm liên cầu khuẩn có tên là Streptococcus gây ra. Loại vi khuẩn này có khả năng phá hủy da, chất béo, dây thần kinh, mạch máu và các mô bao phủ cơ chỉ trong thời gian cực ngắn.
Triệu chứng ban đầu của người bị viêm cân mạc hoại tử thường là căng cơ. Sau đó có thể lên cơn sốt, da bị viêm loét, nổi mụn nước hoặc đốm đen, da chuyển màu đỏ… Trong nhiều trường hợp khi bệnh trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tử vong ngay không thể cứu vãn.
Suy đa tạng, cắt bỏ toàn bộ chi sau khi bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A
Vào năm 2014, Alex Lewis (34 tuổi) phải cắt bỏ các chi sau khi bàn chân, các đầu ngón tay, cánh tay, mũi, môi và một phần tai chuyển sang màu đen. Loại vi khuẩn chết người khiến anh suy đa tạng và rơi vào trạng thái hôn mê trong suốt một tuần.
Theo lời kể của Alex, vào một đêm của tháng 11 năm 2013, anh bị cảm lạnh và quyết định đi ngủ sớm để khỏe mạnh trở lại vào sáng hôm sau. Anh tỉnh dậy lúc 2h sáng và phát hiện mình tiểu ra máu. Lúc này, da dẻ anh cũng trở nên tím tái, tròng mắt giãn. Anh nhanh chóng được đưa vào bệnh viện thì được chẩn đoán mắc bệnh liên cầu khuẩn nhóm A.
Alex Lewis (34 tuổi) phải cắt bỏ các chi sau khi bàn chân, các đầu ngón tay, cánh tay, mũi, môi và một phần tai chuyển sang màu đen.
Thực tế, đây là loại vi khuẩn bình thường, vô hại mà cơ thể có thể loại bỏ được. Nhưng thật không may, trong trường hợp hiếm hoi như anh, vi khuẩn lại xâm nhập dẫn đến nhiễm trùng hoại tử và hội chứng sốc nhiễm độc. Từ cuối năm 2013 đến năm 2014, anh đã trải qua nhiều ca phẫu thuật lớn để cắt bỏ 2 chân, cánh tay trái, thay toàn bộ da cánh tay phải bằng da lưng.
Vào năm 2015, Cindy Martinez (34 tuổi, Mỹ) cũng phải cắt toàn bộ 2 chân, tay phải vì mắc chứng hoại tử cơ do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A.
Theo Webmd, liên cầu khuẩn nhóm A thường được tìm thấy trên da và trong cổ họng. Thông thường, bệnh sẽ có những biểu hiện nhẹ là viêm họng, chốc lở. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vi khuẩn xâm nhập sâu vào máu, phổi, các cơ, gây nguy hiểm tính mạng.
Loại vi khuẩn này phát tán trực tiếp qua việc tiếp xúc chất nhầy hoặc vết loét trên da người nhiễm bệnh. Nhiễm trùng khuẩn liên cầu xảy ra khi số lượng vi khuẩn vượt quá sức đề kháng của cơ thể. Nhiễm trùng do vi khuẩn này gây ra có tỷ lệ thấp, tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng khuẩn này chiếm 25% nhưng nếu chủ quan thì rất có thể bạn sẽ là nạn nhân.
Vi khuẩn "ăn thịt người" Aeromonas hydrophila xuất hiện tại Việt Nam
Không chỉ có ở nước ngoài, tại Việt Nam cũng xuất hiện nhiều ca vi khuẩn "ăn thịt người". Năm 2013, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nam thanh niên 40 tuổi ở Tiền Hải, Thái Bình trong tình trạng sốc nặng, viêm hoại tử cánh tay trái. Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận một số trường hợp bị nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người".
Aeromonas hydrophila thường gây hoại tử vùng cổ, ngực, chân tay.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp (Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng hoàn toàn giống với người bị nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" Aeromonas hydrophila. Loại vi khuẩn này thường gây hoại tử vùng cổ, ngực, chân tay, phổ biến trong tự nhiên, thường có trong môi trường nước bề mặt, gây bệnh cho cá, tôm, động vật lưỡng cư, đôi khi gây bệnh ở người.
Vi khuẩn này thường gây nên 3 thể bệnh chính: Tiêu chảy do uống nước nhiễm bẩn khuẩn này; Nhiễm trùng đường mật và huyết ở bệnh nhân xơ gan; Viêm mô mềm hoại tử, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết ở người khỏe mạnh có vết xây xát, tiếp xúc với nước bẩn, bùn có khuẩn này. Một khi vi khuẩn tấn công con người thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Bệnh tiến triển rất nhanh, bệnh nhân hoại tử nhiều, dễ sốc nặng dẫn đến suy đa tạng.
Như vậy, có thể nói, bất cứ ai – dù là bệnh nhân, bác sĩ hay người khỏe mạnh bình thường cũng đều cần thật cẩn thận, không được chủ quan trong chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, ngay cả khi có một vết xước trên da. Nếu tình trạng xước da không chuyển biến tích cực sau vài ngày, xuất hiện mụn rộp, da chuyển màu bất thường…, bạn cần đến thăm khám bác sĩ ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời, phòng những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
(Nguồn: Tổng hợp)
vi khuẩn ăn thịt người, liên cầu khuẩn nhóm A, nhiễm trùng, vết xước da, vi khuẩn "ăn thịt người"