Nguyên do số một của các cơn nhồi máu cơ tim ở phụ nữ không có liên quan gì tới hàm lượng cholesterol, cân nặng hay thói quen thể hình.
Bạn 35 tuổi. Huyết áp và lượng cholesterol bình thường. Do đó bạn không tin rằng cảm giác đau thắt ngực lại có thể là dấu hiệu báo một cơn nhồi máu cơ tim. Nhưng bạn có biết rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
Bác sĩ Alfred Casale, chủ nhiệm khoa phẫu thuật ngoại lồng ngực tại Hệ thống Chăm sóc Sức khoẻ Geisinger ở Danville (Pennsylvania - Mỹ), cho biết: "Nguyên do số một của các cơn nhồi máu cơ tim ở phụ nữ dưới 50 tuổi không có liên quan gì tới hàm lượng cholesterol, cân nặng hay thói quen thể hình. Trên thực tế, nếu bạn nhìn vào ảnh chụp động mạch một người vào hôm trước xảy ra cơn đau tim, bạn có thể nói: Chúng trông ổn đấy chứ!".
Nguyên nhân khiến phụ nữ dưới 50 tuổi bị nhồi máu cơ tim không liên quan tới hàm lượng cholesterol, cân nặng hay thói quen thể hình.
Thủ phạm âm thầm của các vấn đề rắc rối về tim mạch ở độ tuổi từ 20-40 được gọi là SCAD - viết tắt của "Spontaneous Coronary Artery Dissection" (Rách thành mạch vành tự phát). Nó xảy ra khi phần trong cùng của 3 lớp động mạch cung cấp máu cho tim bất ngờ bị rách, tạo nên cục máu đông có thể làm hẹp hay thậm chí bịt tắc đường lưu thông của máu.
Theo bác sĩ Casale, có 4 điều quan trọng mà mọi phụ nữ cần biết về chứng rách thành mạch vành thứ phát (SCAD):
1. Không ai được miễn dịch khỏi hội chứng này (nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ của bạn)
Rách thành mạch vành thứ phát có thể xảy ra với bất cứ ai, trong đó 80% là phụ nữ và 30% các ca nhồi máu cơ tim do SCAD xảy ra vào thai kỳ thứ 3 hay ngay sau khi sinh con. Bác sĩ Casale cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng, những thay đổi về hormone trong giai đoạn cuối thai kỳ làm lỏng lẻo các mô trong đường sinh để phục vụ cho việc em bé chào đời cũng ảnh hưởng tới mạch máu trong tim ở một số phụ nữ".
Những thay đổi về hormone trong giai đoạn cuối thai kỳ có thể khiến bạn bị nhồi máu cơ tim.
Người bị hội chứng rối loạn mô liên kết, đặc biệt là chứng loạn sản sợi cơ không mạch vành (non-coronary fibromuscular dysplasia), có nguy cơ cao hơn bị nhồi máu cơ tim dạng này. Trên thực tế, một nghiên cứu tiến hành trên 116 bệnh SCAD tại Mayo Clinic phát hiện thấy, 44% trong số đó bị chứng rối loạn này. Và dù bạn còn trẻ tuổi cũng khó tránh khỏi, độ tuổi trung bình bị nhồi máu cơ tim do SCAD là 42 - tức là cách xa so với mốc 70 tuổi - độ tuổi trung bình của phụ nữ bị nhồi máu cơ tim nói chung.
2. Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim do SCAD giống với nhồi máu cơ tim ở người lớn tuổi
Dấu hiệu rách thành mạch vành tự phát (SCAD) không có gì khác biệt so với một cơn nhồi máu cơ tim điển hình – do tích tụ mảng vữa trong thành động mạch gây ra. Nhưng, nói chung, phụ nữ ở bất cứ độ tuổi nào cũng xuất hiện các triệu chứng nhồi máu cơ tim khó nhận biết hơn so với nam giới.
Bác sĩ Casale giải thích: "Chúng khiến bệnh nhân cho rằng đó là cảm giác khó chịu ở ngực hay đau thắt ngực hơn là một cơn đau dữ dội. Đau đớn cũng có thể xuất hiện ở hàm, vai hay cánh tay". Nếu bạn có những triệu chứng này, đừng chần chừ gì nữa, hãy tới phòng cấp cứu nay vì lúc này, thời gian chính là yếu tố sống còn. "Nếu có thể mở động mạch trong vòng 90 phút, bạn có cơ hội tốt hơn nhiều để trở lại hoạt động bình thường", bác sĩ Casale nhấn mạnh. Đó là bởi vì cơ tim có thể xử lý tình trạng thiếu máu trong khoảng 1 giờ 30 phút. Sau khoảng thời gian này, nó bắt đầu chết dần.
Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim do SCAD giống với nhồi máu cơ tim ở người lớn tuổi.
3. Việc điều trị có thể không giống nhau trong các trường hợp SCAD
Tại phòng cấp cứu, bạn sẽ được xét nghiệm máu để xác định xem có đúng là một cơn nhồi máu cơ tim hay không. Bác sĩ Casale cho biết: "Cho dù cơn nhồi máu cơ tim do mảng vữa thông thường gây ra hay do rách thành mạch vành tự phát, xét nghiệm cũng sẽ giúp xác nhận nguyên nhân chính xác".
Từ đây, bạn có thể được chuyển tới phòng thông tim. Đây là nơi các bác sĩ sẽ cho biết nguyên nhân gây ra tình trạng tắc nghẽn của bạn là gì. Nếu do mảng vữa, bạn sẽ được đặt stent động mạch. Stent là các ống đỡ động mạch, chất liệu lưới kim loại, có tác dụng mở rộng đoạn mạch bị tắc. Nhưng nếu do rách thành mạch vành tự phát (SCAD), đặt stent có thể còn gây hại hơn là giúp thông mạch vành.
Bác sĩ Casale khẳng định: "Ống thông mạch stent hiệu quả tới 90-95% trong các ca nhồi máu cơ tim do xơ vữa nhưng hiệu quả chỉ còn 60-70% trong các ca nhồi máu cơ tim do SCAD do mô trở nên mỏng manh hơn". Bác sĩ khi đó sẽ phải đưa ra quyết định lên tiếp tục lộ trình đặt ống thông mạch hay xử lý tình trạng tắc nghẽn bằng thuốc làm loãng máu.
Tại phòng cấp cứu, bạn sẽ được xét nghiệm máu để xác định xem có đúng là một cơn nhồi máu cơ tim hay không.
4. Xem xét mọi thứ trong mối tương quan…
Bạn có thể ngừng lo lắng, hoảng sợ. Ngay cả khi SCAD là nguyên nhân chính của một cơn nhồi máu cơ tim ở phụ nữ dưới 50 tuổi, thật may mắn là nhồi máu cơ tim ở nhóm tuổi này không phổ biến đến thế.
Ví dụ, nguy cơ một phụ nữ da trắng 35-44 tuổi bị nhồi máu cơ tim chỉ là 1/5.000; với phụ nữ Mỹ-Phi là 1/1.000 – theo số liệu của Hiệp hội Tim Hoa Kỳ. Tuy nhiên, "điều tôi muốn chị em phụ nữ ghi nhớ là nếu có bất cứ thứ gì cảm thấy không ổn ở ngực, hãy đi kiểm tra ngay", bác sĩ Casale khuyên. "Các bác sĩ phòng cấp cứu thà gửi về nhà một bệnh nhân còn hơn là bỏ lỡ một ca nhồi máu cơ tim".
Một phụ nữ da trắng 35-44 tuổi có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim chỉ là 1/5.000 nhưng đừng chủ quan.
(Nguồn: Pre)
đau nhói ngực, bệnh tim mạch, sức khỏe phụ nữ, nhồi máu cơ tim