Sức khỏe

Sau 22 năm mới biết mình thật sự là... con trai

Ngày 14-3, gần 1 tuần sau ca mổ tạo dương vật giả tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, N.T.N. (22 tuổi ở Lai Châu) trở thành con trai sau 22 năm không rõ mình là gái hay trai, vẫn cảm thấy như trong mơ.

Cô bạn của N. biết về chuyến đi phẫu thuật này và hết sức ủng hộ. Cuộc đời của những người như N. có lẽ sẽ không khổ đau nếu được tư vấn sớm về chứng bệnh của mình để có quyết định phù hợp.

22 năm hoài nghi

Mẹ của N. sinh năm 1973 nhưng nhìn già hơn tuổi rất nhiều, cứ rấm rứt khóc khi nói về câu chuyện của con mình.

N. là con cả trong số ba người con của chị, lúc sinh ra con không có dương vật cũng không có bộ phận sinh dục nữ. Ở “chỗ ấy” trống không, không rõ là nữ nhưng lại hoàn toàn không phải nam.

Bà mẹ sốc quá, đưa con đến bệnh viện huyện rồi bệnh viện tỉnh, bác sĩ nói ở đây không chữa được, phải cho đi Hà Nội. Hãy đợi N. 15-16 tuổi xem có kinh nguyệt hay không thì lúc ấy quyết định.

N. lớn dần lên, được mẹ cho ăn mặc như con gái, tóc dài ngang vai nhưng chỉ thích chơi với con trai. Mốc 16 tuổi cũng qua mà ngực không to ra, kinh nguyệt cũng không thấy, hông hẹp như con trai, lại có tinh hoàn, dù N. vẫn có một số nét con gái như chân tay nhỏ, xương cẳng chân nhỏ và làn da mịn màng.

Năm N. 18 tuổi (năm 2012), cả nhà gom góp tiền lặn lội làm nương suốt bao năm đưa con về một bệnh viện ở Hà Nội chữa bệnh.

“Các bác sĩ nói không có dương vật thì thôi cắt tinh hoàn đi cho cháu làm con gái. Mà làm con gái thì không có ngực, không có buồng trứng cũng không thành con gái thật. Cháu đi học cao đẳng y thì các bạn bè trêu, cháu lại về khóc đòi mẹ cho đi Hà Nội chữa, lần này chúng tôi đã nộp 27 triệu đồng viện phí, chưa kể 
tiền ăn ở...”- mẹ N. kể.

Giọng nói còn rất run, N. nhớ lại khi mới 18 tuổi và trải qua ca phẫu thuật cắt đi hai tinh hoàn, N. còn nhỏ, chưa biết yêu. Còn hiện tại, N. đang có rung động với một bạn gái nên rất tha thiết được trả lại đúng giới tính của mình. Tuy nhiên do ca phẫu thuật trước đã cắt đi hai tinh hoàn, giờ N. phải sử dụng hormone suốt đời.

Theo GS-TS Trần Thiết Sơn, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, đã có khoảng 10 người trưởng thành có các đặc trưng kiểu lưỡng tính giả nam như N.T.N. đến bệnh viện ông điều trị.

Người ít tuổi nhất trong số này đã 30 tuổi. 3/10 người trong số này đã quá lớn tuổi nên đề nghị được giữ nguyên trạng thái ban đầu, nhưng 7 người còn lại đề nghị được phẫu thuật để xác định lại giới tính là nam giới cho họ.

Minh họa Lap

Những bất thường 
của nhiễm sắc thể

Theo bà Nguyễn Thị Nga, đại diện một trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền ở Hà Nội, gần đây có một cặp cha con đến làm dịch vụ ADN xác định huyết thống, ở mục giới tính trong bảng kết quả, bà Nga rất bất ngờ khi giới tính của bé trai như bề ngoài lại có nhiễm sắc thể giới tính là XXY, thay vì XY như nam giới bình thường.

Một trường hợp khác, cặp cha - con xác định huyết thống cũng thấy nhiễm sắc thể giới tính của bố là XXY.

“Đây là những trường hợp bị hội chứng Klinefelter, một dạng rối loạn di truyền ở nam giới, các đặc điểm giới tính bình thường ở nam giới trong giai đoạn dậy thì sẽ không phát triển, như sự tăng trưởng của tinh hoàn hay hormone sinh dục nam, những trường hợp như vậy rất khó có con” - bà Nga cho hay.

Còn GS Sơn cho rằng những trường hợp lưỡng tính giả như thế này cần được phẫu thuật hoặc điều trị để xác định lại giới tính từ khi 14-15 tuổi, khi đó thói quen, lối sống chưa hoàn toàn hình thành và trẻ có thể trở lại giới tính thật đang bị những dị tật bẩm sinh hoặc khuyết thiếu về cơ quan sinh sản che phủ, thay vì để đến khi trưởng thành, thói quen, lối sống đã hình thành.

Nhưng rất tiếc ở VN nhiều trường hợp không được tư vấn kỹ và đã có những quyết định phẫu thuật không phù hợp theo giới tính thật 
như trường hợp của N..

Ông Sơn cũng cho hay ngoại trừ bệnh nhân lưỡng tính giả nam hoặc giả nữ đến điều trị, ông cũng nhận được nhiều đề nghị chuyển đổi giới tính nhưng ông đều không nhận.

“Những người như N. hoặc người chuyển giới phải sử dụng hormone giới tính, nhưng nếu bị “ép” dùng hormone trái ngược với đặc tính sinh học của cơ thể, như người nữ chuyển giới thành nam phải sử dụng hormone nam cho cơ thể vốn là nữ và ngược lại sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, nhiều người trong số này chỉ sống được tới tuổi 40-45” - GS Sơn chia sẻ.

Xác định lại giới tính tại cơ sở được phép

Ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết những trường hợp lưỡng giới giả nam, lưỡng giới giả nữ hoặc có khiếm khuyết đủ điều kiện xác định lại giới tính, như trường hợp N.T.N. sau khi hoàn tất kỹ thuật xác định lại giới tính, bác sĩ thực hiện dịch vụ cần ký xác nhận và bản thân người được xác định lại giới tính đến cơ quan chức năng để làm thủ tục thay đổi tên, giới tính trong hộ tịch, như N.T.N vốn là giới tính nữ, nay đổi thành giới tính nam.

Tuy nhiên, yêu cầu hiện nay là cơ sở y tế ấy phải được phép của Bộ Y tế về việc được thực hiện kỹ thuật xác định lại giới tính. “Nếu xác định lại giới tính tại cơ sở y tế được phép thì đã có đầy đủ chính sách để thay đổi hộ tịch của người được xác định lại”- ông Quang nói.

Tại VN, hiện có bốn cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật này là Nhi Đồng 2 TP.HCM, Nhi T.Ư, Việt Đức và Phụ sản T.Ư. Như vậy, Bệnh viện Xanh Pôn dù hoàn toàn đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật, nhưng lại chưa được cấp phép triển khai và N.T.N. sẽ gặp khó khăn nếu muốn thay đổi tên, giới tính trong hộ tịch.

Bộ Y tế cần sớm tháo gỡ khó khăn này, bằng cách rà soát thêm những cơ sở đủ điều kiện y khoa, đủ nhân lực thực hiện kỹ thuật, tạo điều kiện cho người có khiếm khuyết và nguyện vọng xác định lại giới tính được thực hiện nguyện vọng của mình, có thể sống cuộc đời như những người bình thường.

aFamily

giới tính, đặc điểm sinh lý, cơ thể con người


      © 2021 FAP
        1,037,576       538