Bệnh cúm A được ghi nhận xuất hiện quanh năm ở nước ta và nhiều hơn vào mùa đông xuân và có thể xuất hiện thành dịch cúm nguy hiểm.
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, dễ lây lan, nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Bệnh ghi nhận quanh năm ở nước ta và nhiều hơn vào mùa đông xuân.
Xã Đạ Pal tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận 33 dương tính cúm A(H1N1)
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng, trong ngày 18/03/2015 tại Trường tiểu học Xuân Thành, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 16 học sinh trong một lớp học gồm 18 em có các biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, đau họng. Ngay sau khi ghi nhận hiện tượng sốt bất thường của các em học sinh, ngành y tế tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức cách ly kịp thời các em học sinh có biểu hiện bệnh, tổ chức khám, điều trị cho các cháu tại Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, đồng thời tổ chức điều tra, lấy mẫu xét nghiệm và tiến hành các biện pháp xử lý ổ dịch.
Ngay khi nhận được thông tin về ổ dịch Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng tổ chức triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, không để dịch lan rộng đồng thời Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã cử đoàn công tác trực tiếp phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ công tác điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch.
Kết quả điều tra ổ dịch cho thấy ca bệnh đầu tiên là một cháu gái 9 tuổi học lớp 4 B Trường tiểu học Xuân Thành, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, khởi phát ngày 14/3/2015 với các triệu chứng sốt, ho, nhức đầu, sổ mũi; sau đó từ ngày 18/3/2015 bắt đầu ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới với các biểu hiện tương tự, trong đó chủ yếu là các học sinh của Trường tiểu học Xuân Trường, ngoài ra có 7 trường hợp phát hiện tại cộng đồng thuộc xã Đạ Pal.
Tích lũy từ ngày 14-21/3/2015 tại xã Đạ Pal đã ghi nhận 33 trường hợp sốt, ho, sổ mũi,
tình trạng sức khỏe ổn định, không có biểu hiện nặng. Xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho kết quả dương tính với chủng vi rút cúm A(H1N1), đây là chủng vi rút gây cúm đại dịch vào năm 2009 và nay đã lưu hành như các chủng vi rút cúm mùa khác. Như vậy, đây là một ổ
dịch cúm mùa do chủng vi rút cúm A(H1N1) tại xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.
Hiện nay, ngành y tế đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giám sát và phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm mới tại Trường Tiểu học Xuân Thành cũng như tại cộng đồng để thực hiện cách ly, khám và điều trị kịp thời, các cháu học sinh có biểu hiện bệnh đều được cho nghỉ học tạm thời để cách ly và điều trị đến khi khỏi bệnh.
Ủy ban nhân dân xã Đạ Pal đã triển khai truyền thông về bệnh cúm mùa và các biện pháp phòng bệnh trên hệ thống loa truyền thanh của xã đồng thời cử cán bộ y tế đến tận các hộ gia đình theo dõi sức khỏe người dân địa phương, đặc biệt là những người có tiếp xúc với ca bệnh; trạm y tế xã đã hướng dẫn, phối hợp với nhà trường và các hộ gia đình có ca bệnh thực hiện khử trùng hàng ngày bằng Cloramin B để vệ sinh nhà cửa, khu vực vui chơi của trẻ, tăng cường việc rửa tay bằng xà phòng nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng tiếp tục cử cán bộ hỗ trợ huyện Đạ Tẻh giám sát chặt chẽ tình hình ổ dịch để báo cáo và chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch.
Hiện 16 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 của lớp 4B Trường cấp 1 - 2 Xuân Thành vẫn được điều trị cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng). Ảnh: Khắc Dũng - báo Lao động
Nhận biết triệu chứng và cách phòng tránh
Triệu chứng cúm A/H1N1 cũng giống như cúm thường, là bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, khó thở khi bệnh tiến triển nặng. Tuy nhiên, ở mỗi người, biểu hiện bệnh lại hoàn toàn khác nhau. Có trường hợp nhẹ, nặng, có trường hợp bị cúm A/H1N1 mà không hề có triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh cúm nói chung, dù bất cứ do tuýp nào gây nên, nếu có miễn dịch tốt, khả năng chống đỡ bệnh càng lớn. Còn nếu diễn tiến nặng đều rất nguy hiểm.
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, dễ lây lan, nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Bệnh ghi nhận quanh năm ở nước ta và nhiều hơn vào mùa đông xuân. Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.