Sức khỏe

Dùng tế bào gốc điều trị tổn thương giác mạc thành công

Điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu bằng công nghệ tế bào gốc là một trong những thành tựu mới của các nhà khoa học về y học ở Việt Nam.

Đây là công trình nghiên cứu của tập thể 16 nhà khoa học đến từ Bộ môn Mô-phôi, Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Kết giác mạc thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương.  
Tập thể đã vinh dự nhận được giải thưởng cao quý Kovalevskaia (giải thưởng thường niên dành tặng cho những nữ khoa học gia xuất sắc, nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân là các nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực - kinh tế, xã hội và văn hóa) năm 2014. Với phương pháp này, những bệnh nhân bị tổn thương giác mạc sẽ khỏi, có thị lực tốt hơn.
Các bác sỹ nhãn khoa cho biết, tổn thương giác mạc là một bệnh lý thường gặp trong nhãn khoa. Nguyên nhân gây tổn thương giác mạc rất khác nhau nhưng đều làm mất độ trong của giác mạc và gây giảm thị lực ở nhiều mức độ khác nhau. Trong một số trường hợp, vùng rìa giác mạc - nơi cư trú của tế bào gốc biểu mô giác mạc cũng bị tổn thương, di chứng để lại cho bệnh nhân là hội chứng suy giảm tế bào gốc của biểu mô giác mạc. Hậu quả của hội chứng này làm mất độ trong của giác mạc do màng xơ mạch từ phía kết mạc xâm lấn qua vùng rìa lên bề mặt của giác mạc, loét biểu mô giác mạc khó hàn gắn, tróc biểu mô giác mạc tái phát.
Để điều trị hội chứng suy giảm tế bào gốc của biểu mô giác mạc, các nhà nhãn khoa đã sử dụng các phương pháp khác nhau: Ghép kết mạc rìa tự thân, ghép màng ối. Tuy kết quả tương đối tốt nhưng vẫn gặp những hạn chế. Với các kỹ thuật này, mảnh mô dùng để ghép lấy từ bên mắt lành cần có một diện tích khá lớn hoặc cần toàn bộ giác mạc.
Dùng tế bào gốc điều trị tổn thương giác mạc thành công 1
Điều trị bệnh bằng công nghệ tế bào là một trong những thành tựu mới của các nhà khoa học về y học ở Việt Nam. Ảnh minh họa
Với mong muốn đưa phương pháp điều trị tổn thương giác mạc bằng tế bào gốc vào Việt Nam, từ năm 2004, nhóm nghiên cứu gồm các phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ thuật viên của Bộ môn Mô- Phôi thuộc Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Kết giác mạc thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp đã đặt ra mục tiêu tìm phương pháp điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu bằng cách nuôi tạo các tấm biểu mô từ các nguồn tế bào gốc khác nhau. Tập thể đã thành công trong nghiên cứu quy trình nuôi tạo tấm biểu mô hoàn toàn mới so với các phương pháp đang áp dụng trên thế giới với quy trình đơn giản, rẻ tiền và không sử dụng vật liệu có nguồn gốc động vật (nỗi lo của các nhà nghiên cứu trên thế giới). Ngày 8/3 tới đây, tập thể sẽ vinh dự nhận Giải thưởng cao quý Kovalevskaia năm 2014.
PGS.TS Nguyễn Thị Bình – đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, điều quan trọng nhất của phương pháp này là nuôi tạo các tấm biểu mô từ các nguồn tế bào gốc khác nhau: Bệnh nhân bị tổn thương một mắt sẽ lấy tế bào gốc từ vùng rìa giác mạc bên lành còn nếu bị tổn thương cả 2 mắt sẽ lấy tế bào gốc từ biểu mô niêm mạc miệng. Sau khi nuôi cấy thành công tấm biểu mô sẽ ghép tự thân vào giác mạc cho bệnh nhân.
Đây là phương pháp mới đang được áp dụng trên thế giới và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu còn ở Việt Nam đây là phương pháp hoàn toàn mới, chưa có đơn vị nào nghiên cứu và áp dụng. Các phương pháp cũ đang được sử dụng tại Việt Nam như ghép màng ối, ghép củng giác mạc tự thân và ghép củng giác dị thân đều gặp phải nhiều hạn chế. Như ghép màng ối chỉ mang tính tạm thời, ghép củng giác mạc tự thân chỉ áp dụng cho bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt và mảnh mô lấy để ghép phải có thích thước lớn nên sẽ ảnh hưởng đến mắt lành…
Bắt đầu nghiên cứu từ năm 2004, đến 1/3/2008, đề tài nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đã cấy ghép thành công cho bệnh nhân đầu tiên theo phương pháp mới. Đến nay, thông qua 3 đề tài nghiên cứu (1 đề tài cấp bộ, 1 đề tài nhánh thuộc đề tài cấp nhà nước và một đề tài độc lập cấp nhà nước) nhóm của PGS Bình đã thực hiện nuôi tạo và cấy ghép thành công cho 37 ca tổn thương bề mặt nhãn cầu, trong đó 15 bệnh nhân lấy tế bào gốc từ vùng rìa giác mạc bên mắt lành và 22 bệnh nhân bị tổn thương cả hai mắt được lấy tế bào gốc từ biểu mô niêm mạc miệng. Tỷ lệ thành công từ 65-80%, mức tương đương các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Các bệnh nhân được thụ hưởng từ phương pháp này cũng đã quay trở lại với công việc bình thường.
Về mặt chi phí, PGS.TS Nguyễn Thị Bình cho biết, những bệnh nhân trước đây đã thực hiện hoàn toàn miễn phí. Hiện nay quy trình này đang được đề nghị công nhận quyền sở hữu trí tuệ và sẽ được nhân rộng chữa bệnh trong thời gian sớm nhất. Người điều trị sẽ phải trả chi phí cho việc nuôi tạo tấm biểu mô và ghép tấm biểu mô với khoảng trên 15 triệu đồng. Riêng thời gian để nuôi cấy một tấm biểu mô mất khoảng trên 20 ngày, với chi phí gốc khoảng trên 10 triệu, rẻ hơn nhiều lần so với một số nước trên thế giới.
Ngoài phương pháp này, nhóm nghiên cứu đang nghiên cứu quy trình nuôi cấy tế bào gốc để điều trị bệnh Parkinson, bước đầu có kết quả tốt mang lại niềm hy vọng cho các bệnh nhân bị bệnh Parkinson ở Việt Nam. Nhóm sẽ không ngừng tiến hành các công trình nghiên cứu để đưa các phương pháp điều trị bệnh hiện đại vào điều trị cho người bệnh Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Tế bào gốc là loại tế bào có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác dùng thay thế những tế bào mất đi do tuổi già, do chết theo chương trình hoặc do nhiều nguyên nhân khác. Ngày nay, tế bào gốc đã được ứng dụng trong điều trị một số bệnh lý về máu, tim mạch, thần kinh, tiểu đường, bỏng, mắt... 


aFamily

      © 2021 FAP
        1,121,523       127