Sức khỏe

Hạnh phúc bất ngờ cô gái trẻ thoát khỏi ung thư nhờ ghép tế bào gốc

Hằng bảo chính phép màu của tình yêu đã truyền thêm nghị lực sống cùng sự may mắn giúp cô có thể vượt qua được ngưỡng cửa tử thần nhờ biện pháp ghép tế bào gốc.

Sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, Hoàng Thị Hằng sẽ lên xe hoa. Ít ai biết rằng, hơn 1 năm trước, cô gái này trở thành “nhân vật tâm điểm” của ngành Y tế Nghệ An khi là bệnh nhân ung thư được phẫu thuật ghép tế bào gốc tự thân miễn phí. Ca phẫu thuật thành công, Hằng đã vượt qua lưỡi hái tử thần. Với ca mổ này, các thầy thuốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã tiếp tục khẳng định tay nghề của mình.

Hạnh phúc bất ngờ cô gái trẻ thoát khỏi ung thư nhờ ghép tế bào gốc 1
PGS.TS Nguyễn Trung Chính - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật ghép tủy - bệnh nhân Hoàng Thị Hằng. Ảnh: T.L

Trước cửa tử…

Sinh năm 1991, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Trung Thành (Yên Thành, Nghệ An) Hằng đã phải vượt khó trên con đường học tập và luôn nuôi trong mình những ước mơ cháy bỏng về một tương lai tươi sáng. Học hết cấp 3, em thi vào ngành Y - nghề điều dưỡng. Ra trường, Hằng xin được việc làm ở Sài Gòn. Hằng không ngờ một năm qua, cô đã trải qua những biến cố lớn lao khiến toàn bộ cuộc sống bị đảo lộn.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ kí ức về một ngày cách đây hơn một năm về trước. Ngày mà Hằng như ngất xỉu khi phát hiện ra mình bị bệnh ung thư. Khoảng cuối tháng 7/ 2013, một lần soi gương, Hằng phát hiện mình có những nốt hạch mới xuất hiện, sờ vào khá cứng nhưng không thấy đau. Linh tính mách bảo, Hằng đến bệnh viện để khám. Tại Bệnh viện Ung bướu Sài Gòn, các bác sĩ chẩn đoán: Cô bị u Lympho ác tính. Như người bị ban án tử, Hằng suy sụp hoàn toàn. Ngày nào Hằng cũng khóc, nghĩ hết chuyện nọ sang chuyện kia. Nghĩ đến bố mẹ, anh chị em, rồi Hằng nghĩ đến gương mặt yêu dấu của người bạn trai cùng quê. Sự sống như đang trôi tuột khỏi bàn tay, xa dần… “Lúc đó em tuyệt vọng lắm, ai gọi điện hỏi cũng khóc, toàn nghĩ đến những chuyện tiêu cực. Không đêm nào em ngủ được, cứ trằn trọc cho đến lúc mệt quá thiếp đi, rồi lại giật mình tỉnh dậy trong sợ hãi”, Hằng tâm sự. Thời điểm đó, mẹ Hằng cũng vừa mổ ruột thừa, lần lữa mãi, em quyết định gọi điện thoại nói tất cả cho chị gái đang sống ở quê biết bệnh tình của mình.

Gia đình đồng hành bên con

“Lúc  nhận được tin em như vậy tôi cũng hoang mang, lo sợ nhưng vẫn phải tỏ ra cứng rắn, động viên em “Vẫn còn nhiều hi vọng, bây giờ khoa học phát triển, em về quê để mọi người trong nhà được chăm sóc, sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u, sẽ còn nhiều biện pháp chữa bệnh khác nữa mà…”, Hòa - chị gái Hằng tiếp lời.

Nghe lời chị, Hằng quyết định về quê. Không khí gia đình khi ấy nặng nề lắm. Mọi người, ai cũng hoang mang, lo sợ, mẹ thì khóc hết nước mắt, nhưng tất cả đều động viên Hằng nhập viện.

Tháng 9/2013, mẹ cùng anh trai khăn gói lên TP Vinh thuê nhà trọ để giúp Hằng điều trị. Ngày 5/9/2013, Hằng chính thức nhập viện. Sau khi bóc hạch, các bác sĩ chọc vào khối u, lấy dịch đi sinh thiết tế bào. Kết quả xét nghiệm cho thấy có tế bào ung thư, và quyết định mổ. Nằm trên giường mổ, Hằng bắt đầu ngủ sâu vì tác dụng của thuốc gây mê. Mọi vật xung quanh như mờ nhòa đi, chỉ còn thấy tiếng kim loại va vào nhau lách cách, mùi không khí vô trùng, cảm giác lạnh khắp toàn thân.

Sau ca mổ, Hằng phải tiếp tục chịu 2 đợt truyền hóa chất, làm xét nghiệm. Đau đớn và mệt mỏi, cơ thể yếu ớt, sức khỏe giảm sút trầm trọng, lại thêm suy nghĩ, lo lắng khiến Hằng gầy đi, tóc rụng hết.

Ngày 31/12/2013 Hằng được PGS.TS.BS Nguyễn Trung Chính, Ủy viên Thường vụ Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa Ung bướu Bệnh viện 108; hiện là cố vấn cao cấp Bệnh viện Ung bướu Nghệ An tư vấn về phương pháp điều trị bằng cách ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho hiệu quả cao, tỷ lệ thành công lên đến 60-70%.

Nghe bác sĩ tư vấn, Hằng đã quyết định tình nguyện thử nghiệm phương pháp điều trị mới. “Tôi chưa từng nghe đến phương pháp chữa bệnh mới đó, nghe con nói một cách cương quyết, tỷ lệ thành công lên tới 60-70%, nhưng nếu con có mệnh hệ gì, mẹ cũng cố mà sống. Lúc đó, tôi chỉ biết gạt nước mắt gật đầu…”, bà Lý, mẹ của Hằng bộc bạch.

Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ. 15 ngày sau, các kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể người bệnh xuất hiện mọc các mảnh ghép mới. Theo dõi tiếp sau 30 ngày, các xét nghiệm tuỷ đều cho kết quả khả quan. Các chỉ số tế bào máu của Hằng đã trở lại gần như bình thường, đặc biệt tổn thương di truyền như cấy nhiễm sắc thể tủy PH1 âm tính.

Hạnh phúc diệu kì

"Em cũng sợ lắm chứ, là người thử nghiệm phương pháp mới, khả năng thành công hay thất bại là điều không ai đảm bảo được. Nhưng em nghĩ khoa học ngày càng phát triển, em tin tưởng vào các bác sĩ nên quyết định “liều”, Hằng bộc bạch.

“Những ngày đó các bác sĩ, y tá theo dõi em liên tục 24/24h, mọi biểu hiện sức khỏe của em được kiểm tra kỹ càng, kể cả thức ăn, nước uống. Sự quan tâm của các thầy thuốc đã giúp em vững tin thêm rất nhiều. Sau khi được đưa vào phòng cách ly một tuần thì em lại thấy ngứa ở nơi ghép tủy, lưng đau dữ dội. Em sợ quá, lo bị biến chứng, nhưng lúc đó, các bác sĩ lại vui mừng thông báo: Như thế là tủy đã mọc rồi! Giây phút ấy em và cả gia đình vỡ oà trong hạnh phúc, sung sướng. Em đã được sinh ra lần thứ hai trong đời…”, Hằng kể.

Sau khi hội đồng bệnh viện kiểm tra lâm sàng, xét nghiệm, sức khỏe Hằng hoàn toàn bình thường. Ngày 18/1/2014, bệnh viện đã tổ chức lễ ra viện cho em. Đại diện UBND tỉnh đã tặng hoa chúc mừng đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và bệnh nhân  Hằng - người được chữa khỏi u Lympho ác tính bằng phương pháp ghép tế bào gốc.

Giờ đây Hằng đã có thể hồn nhiên ngồi nói chuyện,  gương mặt em đã hồng hào trở lại, ít ai biết được em đã trải qua một cuộc ghép tủy định mệnh. Em đưa tay cho tôi xem rồi nói: “Đợt trước truyền hóa chất vào, người em gầy đi, da dẻ khô ráp, xù xì, thâm đen, bây giờ đã trở lại bình thường. Em đã thấy khỏe lại”.

Trong căn nhà nhỏ bé, đầm ấm, tiếng cười đã trở lại, dư âm Tết Nguyên đán cổ truyền như vẫn còn phảng phất. Hằng tâm sự: “Được mạnh khỏe như ngày hôm nay, em và gia đình cảm ơn các bác sỹ nhiều lắm. Các bác sĩ đã mang đến cho em cơ hội sống với cuộc đời này. May mắn hơn nữa là em có một người bạn trai luôn ở bên cạnh động viên, chăm sóc hết lòng. Anh ấy làm nghề điện, lúc em nằm viện, anh ấy không nghỉ việc được nhưng vẫn bắt xe từ miền Nam ra Nghệ An  để động viên em yên tâm chữa bệnh”.

Hằng bảo chính phép màu của tình yêu đã truyền cho cô thêm nghị lực sống cùng sự may mắn giúp cô có thể vượt qua được ngưỡng cửa tử thần.

Kỹ  thuật ghép tế bào gốc khá phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao, chuyên môn giỏi, song đem lại hiệu quả vượt trội giúp bệnh nhân bớt đau đớn so với điều trị thông thường, giảm nguy cơ tử vong và các biến chứng nhiễm trùng, xuất huyết.

“Chi phí một ca ghép như thế này khoảng 250 triệu đồng. Tuy  nhiên, đây là bệnh nhân thử nghiệm thực hiện phương pháp này tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An nên chị Hằng được bệnh viện miễn phí hoàn hoàn”,   PGS.TS.BS Nguyễn Trung Chính cho biết.

aFamily

      © 2021 FAP
        1,121,560       172