Câu chuyện trầm cảm sau khi vợ sinh của những ông bố trẻ hẳn không phải ai cũng biết và hậu quả của nó có khi là khiến cho chứng trầm cảm của vợ tăng lên theo...
Mấy hôm, trên Facebook và trên khắp các mặt báo, từ khoá "trầm cảm sau sinh" trở nên hot hòn họt. Bỏ qua những câu chuyện "ăn theo", thậm chí mượn trend quảng cáo trá hình một cách vô duyên và vô cảm thì có khá nhiều những câu chuyện xúc động, đọc thấy thương từ nhiều mẹ. Như một dịp để những dồn nén, ấm ức, khủng hoảng, bế tắc được oà vỡ ra. Tôi nghĩ, đó cũng là một tin tốt lành và cần thiết. Để những ai từng trải qua trầm cảm sau sinh có cơ hội mà rút gan rút ruột, nói ra cho nhẹ lòng mình. Để những ai sắp làm mẹ được học hỏi nhiều hơn. Và hơn cả, những ông chồng sẽ bớt vô tâm hơn với vợ mình khi biết vợ mình đã từng trải qua khoảng thời gian khó khăn đến thế.
Nhưng, cũng trong dòng sự kiện về trầm cảm sau sinh từ các mẹ, tôi cũng đã đọc được những chia sẻ của vài ông bố cũng bị trầm cảm khi vợ sinh con. Chuyện tưởng chỉ là đùa ăn theo nhưng đến khi đọc và tìm hiểu thêm trên mạng thì quả thực là có hiện tượng như thế!
Theo tiến sĩ tâm lý Christina D.Hibber nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 10-14% các ông bố mắc chứng trầm cảm sau khi em bé được sinh ra. Tuy nhiên thực tế con số này còn cao hơn bởi "những người đàn ông khó có thể xác định rằng họ đang chán nản và cần giúp đỡ". Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Depression Research and Treatment (Tạp chí Nghiên cứu và Điều trị) chỉ ra rằng người đàn ông có thể có dấu hiệu trầm cảm ngay cả khi vợ họ đang mang thai. Các yếu tố là: mất ngủ, căng thẳng, xung đột trong các mối quan hệ, thay đổi để gánh vác trách nhiệm làm cha…Người đàn ông có thể muốn khóc, cảm thấy mệt mỏi, chán ăn nhưng họ không hề biết mình bị trầm cảm. Thay vào đó họ sẽ vùi mình vào công việc hoặc những trò chơi giải trí. Họ có xu hướng khép kín bản thân, dễ cáu giận và hay tranh cãi với người bạn đời của họ. Đây cũng là nguyên nhân khiến đàn ông tìm đến rượu và thuốc lá để giải tỏa. Thêm vào đó đàn ông mắc trầm cảm sau vợ sinh con cũng dễ bị nhức đầu, đau bụng hoặc đau nhức cơ bắp.
Ảnh minh họa
Một nghiên cứu khác từ các thành viên trong nhóm Lisa Underwood, họ đã phỏng vấn 3.826 ông bố (từ tháng 4.2009 đến tháng 3.2010) trong suốt thời gian mang thai của vợ họ. Một đợt khác, nhóm tiếp tục phỏng vấn 3.549 ông bố trong giai đoạn 9 tháng sau khi con họ ra đời. Nhóm của Lisa Underwood nhận thấy rằng 2,3% ông bố bị gia tăng chứng trầm cảm trong thời gian vợ mang thai, còn giai đoạn sau sinh thì có 4,3% đàn ông mắc chứng này.
Một nghiên cứu nữa được thực hiện bởi các bác sĩ nhi khoa tại trường Đại học Northwestern – Chicago chỉ ra rằng, những người đàn ông làm bố dưới 25 tuổi dễ bị trầm cảm trong 5 năm đầu nuôi con, con số này chiếm khoảng 68%.
Tôi nhớ lại, những ngày vợ mình mang thai và sinh con, tôi cũng trải qua khá nhiều cung bậc cảm xúc. Là háo hức của ông bố lần đầu tiên có con. Tôi đã lên mạng, lập blog đếm ngày con ra đời, chia sẻ những ước ao, mong muốn của mình. Có lẽ nhờ viết ra được nên những âu lo cũng nhờ thế mà giảm được đi nhiều. Âu lo chứ! Lo tài chính cho một đứa trẻ sắp chào đời luôn là mối lo thường trực của những gã đàn ông tự lập không có hỗ trợ tài chính từ gia đình như tôi. Là đàn ông Việt, sĩ diện về việc mình là trụ cột gia đình cũng khiến chúng tôi bị áp lực. Tôi nhớ mình khi ấy nhận thêm cơ man nào là việc, viết cơ man nào là bài để tăng cường hầu bao hòng đủ tài chính cho con điều kiện tốt nhất.
Nhiều ông bố tôi biết, ngoài những âu lo về tài chính (sẽ là trầm cảm nặng nếu đúng thời điểm đó mất việc hoặc bị cắt giảm lương) thì còn âu lo về việc mình sẽ làm bố thế nào? Đừng nghĩ đàn ông vô tâm, chúng tôi có thể vô tâm với vợ mình nhưng trước con nhiều khi mềm nhũn ra vậy. Tôi nhớ ngày đón tay cậu cả (và cả cô con gái thứ 2 cũng chẳng "dũng cảm" hơn là bao), tôi hoa mắt chóng mặt, tay chân bủn rủn. Đứa trẻ đỏ hỏn trên tay tôi là con tôi đấy. Nó bé xíu, mong manh dễ vỡ đến bủn rủn cả lòng. Tôi trả lại bác sỹ ngay sau chưa đầy một phút vì sợ mình làm vỡ tung đứa trẻ ra. Và cái cảm giác đó theo tôi đến tận khi con tôi biết bò rồi tôi mới đỡ sợ hơn. Sự vụng về ấy lại thêm xúc động khiến chúng tôi căng như dây đàn.
Rồi thì những ngày vợ vừa mới sinh, nửa đêm con quấy khóc, nhiều ông bố cũng bị khủng hoảng. Bản thân tôi có bận dỗ mãi con không nín, mẹ nó thì đang bận vắt sữa ở dưới nhà, tôi đã không kìm chế được mình mà phát cho một cái vào mông con. Thú thực, phát xong mới giật mình suýt khóc. Trời ơi, tôi vừa đánh đứa con bé xíu của mình vì nóng giận. Đó chính là biểu hiện của trầm cảm. Và sau lần đó, tôi càng sợ gần con nếu không có mẹ nó ở bên.
Ảnh minh họa
Còn chưa kể, vợ sau sinh phải "cai". Nhiều anh chồng không chịu nổi phải đi xả bên ngoài. Chứ mấy anh "nhịn" thì càng dễ trầm cảm hơn. Tôi không cổ xuý việc vợ kiêng cữ chồng ra ngoài nhưng quả thực, việc nhịn ấy ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý sinh lý đàn ông. Họ dễ cáu bẳn hơn. Dễ nổi xung. Trong khi bác sỹ dặn chỉ cần kiêng một tuần đến nửa tháng thì nhiều mẹ kiêng một mạch đến tận khi con biết lẫy, biết bò. Lý do là nhiều mẹ khi ấy chỉ quan tâm đến con, cực đoan trong cả việc ân ái khi đó không tự tin với cơ thể của mình. Chưa kể con hơi tí là oe oe khóc. Chồng mạnh một tí là vợ rúm hết cả lại vì lo đè phải con. Vừa làm vừa ngoái nhìn con thì bao nhiêu cảm xúc đều trôi tuốt tuồn tuột rồi còn gì?
Trầm cảm có thể đến cả khi vợ gắt gỏng chuyện sai chồng. Như hôm tôi kể trên Facebook của mình, vợ tôi kêu nhà mất nước, tôi thì đang bận việc tăng kỳ tờ báo của tôi (cũng là vì muốn tăng thu nhập) nên gắt lại: Anh có phải nhà máy nước đâu? Quả thực khi đó vợ tôi cũng đang trầm cảm sau sinh ở thể nhẹ: Dễ xúc động. Và tôi, chắc cũng bị trầm cảm sau khi vợ sinh ở thể nhẹ: Dễ cáu bẳn. May mà vợ tôi chỉ oà khóc. Chứ nếu như vài người trầm cảm nặng hơn hoặc làm căng lên chắc sẽ kinh khủng lắm.
Là còn chưa kể các mối quan hệ xung quanh. Nhiều khi mất ngủ vì nửa đêm con quấy khóc, sáng lại đi làm sớm rồi căng thẳng công việc khiến cho người chồng căng lên như dây đàn. Lại thêm ý kiến này kia của bố mẹ, bạn bè hay kể cả sếp, đồng nghiệp, hàng xóm… có thể như tiếp dầu vào lửa vậy.
Câu chuyện trầm cảm sau sinh của phụ nữ thì ai cũng biết hậu quả cả rồi nhưng câu chuyện trầm cảm sau khi vợ sinh của những ông bố trẻ hẳn không phải ai cũng biết và hậu quả của nó có khi là khiến cho chứng trầm cảm của vợ tăng lên theo. Nặng hơn, có thể dẫn đến nguy cơ tan vỡ gia đình hay tệ hơn nữa, đứa trẻ bị coi là "kẻ thù" của những ông bố bị trầm cảm nặng. Nhiều nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy đứa trẻ có bố hoặc mẹ bị trầm cảm sẽ mắc chứng chậm nói sau này. Thế nên, hy vọng khi mọi người vẫn đang quan tâm đến chứng trầm cảm sau sinh, thêm một góc yêu cầu trợ giúp nữa đến cho các ông bố!
trầm cảm, đàn ông, phụ nữ, trầm cảm sau sinh