Tình yêu hôn nhân

"Ước gì chồng không giàu"

Là phụ nữ ai cũng mong muốn lấy được tấm chồng giàu có để cuộc sống sung túc, thoải mái. Song thực tế không phải ai lấy chồng giàu cũng có diễm phúc như vậy.

Việc lấy chồng giàu làm nhiều người nhìn vào thầm ước ao thèm muốn, trong khi đó người trong cuộc đôi khi chịu bao ấm ức, vất vả, thậm chí nhiều chị em phải nuốt nước mắt vào trong mà sống.
Thu Phương (25 tuổi, quận Hoàn Kiếm, HN) là một trường hợp như vậy. Đối với một cô gái tỉnh lẻ như Phương thì lấy anh chồng đại gia Hà Nội đúng là “chuột sa chĩnh gạo”. Trong khi người khác thầm ước ao cuộc sống của Phương thì cô ngày càng thấy mệt mỏi, thất vọng chồng chất với phận dâu nhà giàu. 
Phương tâm sự: “Lẽ ra về làm dâu nhà giàu mình phải được mở mày mở mặt với mọi người, nhưng trong mắt họ hàng nhà chồng, nhất là bố mẹ chồng thì luôn coi thường mình ra mặt vì là gái nhà quê. Hễ mình làm gì không vừa ý bố mẹ chồng, ông bà lại nói mình là đồ nhà quê kệch cỡm, chẳng được dạy dỗ đàng hoàng tử tế. Nghe vậy buồn lòng lắm, bố mẹ mình ở quê nhưng cũng là giáo viên cả, dạy dỗ mấy chị em mình đâu ra đấy chứ có phải để con không biết phép tắc gì đâu”. 
"Ước gì chồng không giàu" 1
Cô cảm thấy thất vọng, lạc lõng trong gia đình chồng (Ảnh minh họa).

Nhà chồng cô vốn có giúp việc, thế nhưng từ ngày có cô về làm dâu, mọi công việc nội trợ mẹ chồng đều giao cho cô, giúp việc chỉ dọn dẹp nhà cửa mà thôi. Phương thở dài kể tiếp: “Cứ sáng ra mình phải dậy sớm đi chợ mua đồ về nấu mâm cơm tươm tất cho cả gia đình, sau đó gõ cửa từng phòng mời mọi người ra ăn cơm. Thú thực cảnh này chỉ thấy ở các gia đình giàu có trong phim Hàn chứ mình chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ gặp phải. Còn buổi chiều tan làm, mình phải vội vàng về nhà để chuẩn bị bữa tối cho cả nhà trước 7 giờ. Hôm nào tắc đường mình về muộn là y rằng bị mẹ chồng ca thán, bà bảo không có thói quen ăn muộn hại dạ dày, mình còn về muộn như vậy nữa thì nghỉ việc ở nhà lo cơm nước, gia đình bà đủ điều kiện để nuôi ‘bá cô’ mình”. 
Phương có than vãn với chồng thì anh lại ậm ừ cho xong chuyện, có khi cô nói nhiều anh còn quát lại bảo vợ ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ đi. Với chàng công tử được mẹ bao bọc như chồng Phương thì làm sao anh đủ sức để bảo vệ cô. Cô cảm thấy thất vọng, lạc lõng trong gia đình chồng. Hiện tại, người phụ nữ 25 tuổi này chỉ có một ước muốn duy nhất đó là: "Người ta vẫn nói 'chim vào lồng biết thuở nào ra'. Mình không muốn đổ vỡ hôn nhân nhưng thực sự, nếu có một ước muốn, mình ước chồng mình không giàu hoặc có cách nào đó mà nhà chồng không còn giàu có nữa...".
Cũng như Phương, Thảo (28 tuổi, quận Ba Đình, HN) phải chịu nhiều cay đắng, nhục nhã khi làm dâu gia đình quyền quý. Gia đình Thảo cũng ở Hà Nội nhưng chỉ ở ngoại thành, bố mẹ cô là công chức ăn lương nhà nước chứ không phải giàu có gì. Ngày Thảo yêu chồng, bố mẹ cô đã khuyên ngăn con gái không nên lấy anh vì hai gia đình không “môn đăng hộ đối”, về nhà chồng cô sẽ chịu thiệt thòi. Nhưng vì quá yêu nên Thảo bỏ qua lời bố mẹ. Ngày cưới, nhà chồng cô đến đón dâu bằng dàn xe hơi hạng sang xếp dài hơn cây số. Bạn bè, hàng xóm đều choáng ngợp và thầm mừng cho Thảo. Thế nhưng chỉ bố mẹ Thảo mới hiểu đó chẳng phải là điều may mắn gì, mà là khởi đầu những vất vả thiệt thòi cho con gái mình. 
Thảo cay đắng kể lại: “Ngay trong lễ cưới, khi mẹ chồng lên trao vàng tặng cho mình, bà thì thầm ‘con tốt số lắm mới được làm dâu nhà này đấy, sau này phải biết điều mà ngoan ngoãn nghe chưa’. Người ngoài nhìn vào chắc nghĩ mẹ chồng con dâu thì thầm tình cảm lắm, nhưng lúc ấy mình đã cố gắng để không khóc khi nghe những lời coi thường của mẹ chồng. Đến khi khách khứa về hết, bà lại nhìn lên cổ mình nói: ‘cái kiềng vàng mẹ cho con một cây đấy, vào nhà nghèo như nhà con thì đào đâu ra’, mình ức quá nên chẳng nói được gì. Mình lấy anh xã đâu phải vì nhà anh giàu, mình đâu tham mấy thứ của cải nhà anh”. 
Cuộc sống của Thảo càng trở nên bức bối khi cô có bầu ngay khi về nhà chồng. Hàng ngày mẹ chồng cô luôn mỉa mai, cạnh khóe: “Làm gì mà có bầu nhanh thế, hay là con có trước. Nhà này danh giá như thế, không chấp nhận chuyện đó đâu nhé. Mà bố mẹ con cũng lạ, ai đời không biết dạy con gái để có chửa trước, thật là… nhà nghèo kém có khác”. Hoặc đôi khi cô nghe bà to nhỏ với con trai: “Mày ngu lắm, học đến tiến sĩ rồi mà chẳng bằng đứa trẻ ranh. Đứa bé trong bụng nó chắc gì đã là con của mày, có mà chỉ đi đổ vỏ cho thằng khác thôi con ơi. Chúng mày liệu đi xét nghiệm ADN đi”. Những lúc ấy Thảo chỉ biết ôm bụng khóc, thương cho thân mình và đứa con chưa chào đời. 
"Ước gì chồng không giàu" 2
Nhiều lần cô ước muốn hiện tại, chồng cô không còn giàu có nữa vì chỉ như thế cô mới thoát được cảnh bị nhà chồng đối xử tệ bạc... (Ảnh minh họa).

Thảo cho biết rất may khi ấy chồng tin tưởng cô nên không bắt đi làm xét nghiệm ADN. Mẹ chồng dù vẫn hậm hực với Thảo: "Những gì bà nói, bà làm trong suốt quá trình mình mang thai thì cả đời này không bao giờ quên được” - Thảo tâm sự.
Không chỉ "nặng mặt" với con dâu, bà mẹ chồng quyền thế của Thảo còn thể hiện thái độ coi thường thông gia. Chẳng là sau khi sinh con, mẹ đẻ của Thảo đến nhà chồng cô để chăm sóc con gái ít bữa. Vậy là được dịp mẹ chồng “lên mặt” với mẹ đẻ. Mẹ đẻ cô có làm gì thì mẹ chồng đều bóng gió: “Cái này chị không được làm thế đâu, ở nhà này toàn đồ đắt tiền chứ đâu phải hàng vứt đi như ở nhà chị”, hoặc “Nhà tôi có mấy cái cũ rồi chẳng dùng nữa, vẫn vứt ở trong nhà kho, lúc nào chị về thì mang về mà dùng, nó còn tốt chán so với mấy đồ rẻ tiền ở nhà chị”...
Nhìn mẹ đẻ, cô chỉ biết ngậm ngùi khóc thầm, cô thấy mình thật bất hiếu vì không có tiếng nói ở nhà chồng để lên tiếng bênh vực mẹ. Không ít lần cô giá như trước đây nghe lời mẹ, đừng lấy anh thì đâu đến nỗi nhục nhã cay đắng như thế này. Cũng nhiều lần cô ước muốn hiện tại, chồng cô không còn giàu có nữa vì chỉ như thế cô mới thoát được cảnh bị nhà chồng đối xử tệ bạc...
aFamily

      © 2021 FAP
        1,281,615       778