Tình yêu hôn nhân

Anh trai chồng "ế vợ"

Sống với anh chồng một thời gian, cô đã ngẫm ra lý do tại sao ế của anh.

Ngày cô đưa anh về giới thiệu, nhìn anh cao ráo, ăn nói lễ phép, công việc ổn định, con thứ trong gia đình có hai anh em trai, mẹ cô tỏ ý hài lòng lắm. Mẹ nói: “Thân con gái lấy tấm chồng như đánh canh bạc, sướng khổ không ai dám nói trước. Nhưng thằng này mẹ thấy được, gả mày cho nó mẹ yên tâm phần nào".
Nhà anh đến thưa chuyện xin được đón cô về làm dâu con trong nhà, bố mẹ cô vui  gả được con vào nơi ấm êm. Đám cưới được tổ chức trong niềm hân hoan của hai bên gia đình. Sau ngày cưới cô chuyển về sống cùng chồng và anh trai chồng trong một ngôi nhà trên thành phố (Bố mẹ chồng giỏi làm ăn, nên ông bà mua nhà riêng cho hai anh em ở thành phố, còn ông bà ở thị xã trông coi cửa hàng). 
Anh chồng cao ráo, ưa nhìn, làm cơ quan nhà nước, đã 35 tuổi vẫn lẻ bóng đi về một mình, không vợ, không người yêu làm cô không khỏi băn khoăn. Cô hỏi thì chồng kể anh chồng từng trải qua hai mối tình, nhưng chưa lần nào kịp tính chuyện hôn nhân bạn gái đã nói lời chia tay. Và sống với anh chồng một thời gian, cô đã ngẫm ra sự tại sao ế của anh.
Anh trai chồng "ế vợ"1
Anh chồng cao ráo, ưa nhìn, làm cơ quan nhà nước, đã 35 tuổi vẫn lẻ bóng đi về một mình, không vợ, không người yêu làm cô không khỏi băn khoăn (Ảnh minh họa).

Vợ chồng mới cưới đôi nào không quấn quýt như đôi sam, có việc, cô hay rủ chồng đi cùng cho vui, anh chồng càu nhàu: “Chúng mày làm công to việc lớn gì đi phải rồng rắn nhau”. Vợ chồng đùa nhau trước mâm cơm, anh buông đũa to tiếng: “Đang bữa ăn đừng diễn mấy trò hề, thích lên phòng đóng cửa lại”. Mới về làm dâu cô không dám nói, chồng im lặng, bữa ăn trầm hẳn xuống. Lúc đi ngủ chồng thì thầm: “Em đừng chấp lời anh ấy nói, anh em trong nhà mỗi người nhường nhau một tí để giữ hòa khí gia đình nhé”.
Lương không cao nhưng anh chồng thích thể hiện. Quần áo anh mặc phải dùng hàng đắt tiền, xài điện thoại xịn, anh vay thêm tiền vợ chồng cô dùng cho việc mua sắm. Có bộ quần áo mua về mặc vài lần anh kêu chán, liền gạ chồng cô mua lại. Chồng cô mặc không hợp quần áo anh, nhìn xấu, bực mình cô nói: “Sao chồng  phải mặc quần áo thải mất phí cao thế, anh ấy xót tiền thì đừng mua đồ xịn, mắc bệnh sĩ diện hão”. Chồng cười: “Anh em trong nhà không đi đâu mà thiệt em ạ, tính toán gì vài trăm bạc”.
Ngày chồng chưa lấy cô, hai anh em sống cùng nhau, lương chồng cao nên nhận chi trả hết mọi khoản chi tiêu trong nhà. Đến khi chồng lấy cô, anh chồng vẫn giữ nguyên lệ cũ, chưa khi nào cô thấy anh chồng cất lời: “Anh có chút tiền đóng góp thêm vào chi tiêu với chú thím” cho cô mát lòng. Đã thế, anh chồng còn thích ăn ngon, món nào nấu lại qua hai bữa không bao giờ anh đụng đũa. Nhiều hôm nhìn anh chồng ngồi mâm cơm gẩy gẩy thức ăn cho có lệ, không thôi chẹp miệng, cô nhìn tức ứa nước mắt. Cô nấu không vừa miệng anh chê, cô bực mình định nói nhưng nghĩ tới lời chồng dặn nên giữ hòa khí gia đình, cô đành nín nhịn.
Anh chồng không có tiền thì cô không dám nói, đằng này tiền anh để dành cafe, chưng diện. Mẹ chồng biết thế nên thỉnh thoảng gửi rau quả thức ăn xuống nói: "Mẹ góp thêm vào các con lo cho anh”. Anh không đụng tay vào việc nhà dù lớn hay nhỏ. Về nhà, anh ghếch chân lên ghế xem ti vi, hoặc ở lì trên phòng làm gì không ai biết, đồ dùng tiện đâu anh vứt đấy, lung tung khắp nhà. Quần áo bẩn thay xong, anh bảo cô giặt hộ còn dặn: “Mấy cái áo sơ mi đắt tiền lắm đấy, em nhớ vò cẩn thận bằng tay, đừng cho vào máy kẻo hỏng áo”. Cô tức, chẳng lẽ lại giả vờ quên quẳng hết vào máy giặt cho dẹp cái tính lười của anh.
Tiền nước, tiền điện thoại, mạng internet người ta đi thu không có vợ chồng cô ở nhà, anh không chịu đóng, nói họ về ngày khác qua. Đồ đạc trong nhà không phải bố mẹ chồng cô mua cho thì là của vợ chồng cô tự sắm sửa. Anh chồng luôn quán triệt phương châm: “Không có thì khỏi dùng, tao đi làm lương nhà nước ba cọc ba đồng làm gì có tiền mà sắm”.
Vợ chồng không tránh khỏi những lúc bất hòa, mỗi khi vợ chồng cô to tiếng,  anh chồng lên giọng dạy bảo: “Chúng mày biết nghĩ không, hai cái bằng đại học lấy lót ghế mà ngồi” khiến cô đang cơn bực càng thêm ấm ức. Thậm chí có lần anh gọi điện ngay về mách mẹ, mẹ chồng gọi điện cho cô giảng giải đạo lý: “Làm vợ phải học được chữ nhẫn nhà cửa mới thuận hòa, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Bố mẹ không ở cùng, nhưng có anh ở đấy vợ chồng phải biết bảo ban nhau mà sống nghe chưa”.
Anh trai chồng "ế vợ"2
Cô nhìn anh chồng bùi ngùi, không biết bao giờ anh mới lấy được vợ cho cô đỡ khổ (Ảnh minh họa).

Bố mẹ chồng sốt ruột giục anh lấy vợ, tuổi đã cao lại con trưởng trong nhà, cô mong không kém bố mẹ chồng, chỉ ước có chị dâu cho cô đỡ khổ. Khổ nỗi anh kén chọn đúng kiểu “trâu già thích gặm cỏ non”. Chồng cô mai mối cho anh đứa bạn 28 tuổi, anh liền hắng giọng: “Con gái đầu hai đuôi chơi vơi chưa chồng, chưa người yêu, một thuộc hàng 'cá sấu', hai có vấn đề, tao lấy về làm gì?”.  
Anh chồng thích các em trẻ trung, xinh tươi, có học, công việc ổn định. Cô nghĩ những em như thế, anh có mơ cũng không với được. Từ ngày lấy tấm bằng thạc sĩ, tiêu chuẩn chọn vợ của anh cao thêm nhiều lần. Chồng bảo cô có bạn giới thiệu cho anh, cô nói luôn: “Không dại, sau này bạn em khổ nó lại đổ lỗi tại em”.
Mẹ chồng làm mối cho anh con gái một người bạn, anh đi tán được hơn tháng, về vợ chồng cô hỏi thăm, anh đã chê ngắn than dài: "Nó kiêu lắm, tán cả tháng nó không nói năng gì, đỏng đảnh lấy về làm vợ khổ, ngoan hiền tốt nết giờ còn chẳng ăn ai nữa là…”. Cô liền bảo: “Con gái phải giữ giá, tìm vợ anh muốn nhanh chóng như mua mớ rau mớ cỏ ngoài chợ sao được. Anh đừng kén quá, phải thế nào người ta mới có quyền kén được anh ạ”. Anh chồng nghĩ cô nói ý coi thường, cả tuần anh mặt nặng mày nhẹ, cau có, đi về không nói chuyện với ai câu nào. 
Cô nhìn anh chồng bùi ngùi, không biết bao giờ anh mới lấy được vợ cho cô đỡ khổ. Người ta đi làm dâu thường kêu khổ vì mẹ chồng, em chồng, còn cô thì khổ vì anh chồng. Sự xuất hiện của anh chồng trong nhà đã làm hạnh phúc vợ chồng cô không được vuông tròn…
aFamily

      © 2021 FAP
        1,209,226       994