Có câu tục ngữ rằng "có chồng như gông đeo cổ", khi sắp bỏ chồng như cởi bỏ được cái gông ấy. Nhưng không phải vậy, nếu bỏ được cái gông nọ, coi chừng còn đó những cái thòng lọng khác đang lơ lửng trên đầu.
Yêu hồn nhiên, bỏ cũng hồn nhiên
Sau nhiều tháng nghe nhưng điều tiếng về chuyện chồng nhưng đến lúc, chính người bạn gần gũi là cô giáo của con gái nói, chị mới tin được điều ấy. Chồng chị và một “chân dài” đã vào một khách sạn tận ngoài thành phố Hạ Long cùng thời điểm với cô giáo, cô chụp được cả ảnh họ.
Chị đau lòng lắm. Chị sinh trưởng vùng quê nghèo ngoài Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Anh cùng quê, lớn hơn dăm tuổi, làm ăn thành đạt trong Sài Gòn về thăm quê rồi gặp gỡ, cảm mến. Anh ngỏ lời, chị ưng liền, rồi họ thành vợ thành chồng.
Thế là từ một cô thôn nữ, thoáng cái thành dân thị thành, thoáng cái thành mẹ của hai đứa con, thoáng cái bảy năm trôi đi. Vốn là người quê kiểng lại ham việc, hơi vất vả với công việc, tạng người gầy yếu chị già đi rất nhanh. Và anh đã tính chuyện lấy vợ hai từ vài năm nay.
Khi chị chất vấn về chuyện ở Hạ Long, anh không những không cãi mà công nhận ngay. Anh nói thẳng là anh chán chị và muốn từ lâu rồi. Chị chưa qua thử thách này bao giờ. Vượt qua vài tuần buồn chán rồi chị tự nhủ rằng: anh quá tài giỏi, thành đạt, không phải của mình, anh là người của đẳng cấp khác. Số mình nó vậy, may mà có hai đứa con làm vui. Chị đồng ý .
Đường mật từ lời hứa
Từ bé chị chưa ra tòa bao giờ. Ngay việc nghĩ đến ra tòa đã mất thăng bằng rồi, nhưng chị thoáng phân vân: bỏ chồng lấy gì nuôi con?
Chị định bụng “xin” anh năm trăm triệu và đưa hai đứa con về Quảng Ngãi, anh muốn lấy ai thì lấy. Số tiền này so với số tài sản của anh chỉ như hạt thóc giữa một bồ thóc, anh giàu lắm, riêng cái xe anh đi đã hơn ba tỉ.
Không ngờ, tối đó anh chủ động gặp chị, nói: "Ngày mai ra tòa, em và anh ký thuận tình, còn tài sản thì tự mình tính, trước tòa nói chuyện tiền bạc kỳ lắm. Anh sẽ cho em hai tỷ đồng để nuôi con và tòa nhà đang ở. Em tha lỗi cho anh".
Chị khóc, khẽ gật đầu. Ba tháng sau mỗi lần anh về, mỗi tháng đưa chị hai chục triệu. Vài tháng sau số tiền ít đi, có khi chỉ năm triệu. Chị hỏi, anh nói đang thua lỗ, chưa có.
Trên lầu hai, căn phòng rộng rãi, uy nghi nhất của anh vẫn nguyên đó, khóa trái. Thỉnh thoảng có hôm anh về ngủ lại. Con lớn dần, học hành, bệnh tật, chi tiêu càng ngày càng nhiều, lắm lúc chị lâm vào cảnh khốn cùng. Căn nhà cũng tên anh từ xưa, giấy tờ anh giữ. Chị trở thành ôsin giá rẻ trông nhà, cho anh.
Có người bạn trai cũ góa vợ, đồng cảm với chị, muốn kết giao, rất ngại. Chỉ không thể bỏ nhà, bỏ con theo anh được nhưng anh kia cũng ngại đến ở đây trong tình trạng này.
Không có trường dạy “nghề”
Đến hai năm sau, chị gọi điện thẳng thắn đặt vấn đề, anh quát trong máy: "Tôi vậy đấy, cô làm gì thì làm!".
Chị tìm đên văn phòng luật sư để tư vấn. Nữ luật sư cho chị biết rằng, chị phải có người làm chứng về lời cam kết của anh cho chị tiền và tòa nhà. Nếu không thì khởi kiện việc chia tài sản. Nếu vậy, chị phải chứng minh được những tài sản của anh.
Chị đành cậy nhờ luật sư, sau hai tuần chị biết rằng, tất cả tài sản của anh, từ nhà đất, nhà cho thuê, nhà mới xây, xe cộ, công ty đều do cô vợ mới của anh kia đúng tên từ trước thời điểm. Chị không nói được lời nào nữa. Vị luật sư đưa cho chị một li nước lạnh và đỡ chị ngồi tạm xuống ghế.