Tình yêu hôn nhân

Chạy trốn chồng

Dù thế nào thì giờ chị cũng đang là người chạy trốn chồng, trong tay không một đồng, không công ăn việc làm, không tài sản nhưng phải nuôi một đứa con bại liệt.

Chị ngồi đó, nghiền ngẫm từng chữ trong tờ đơn ly hôn, thỉnh thoảng xuýt xoa “Sao em viết đúng ý chị thế!”. Đọc mấy lượt, cuối cùng chị lại bảo, làm đơn là để “hù” chồng thôi chứ chị… không ly hôn. Đời đàn bà “có chồng còn hơn ở góa”, như người ta nói “giẻ rách cũng đỡ lấm tay”.

Chị bảo, em thấy đời có mấy người đàn bà có con lớn bộn mà vẫn được chồng cưới bằng cả đoàn xe hoa, áo soa-rê thay hai ba lượt không? Là chị đó! Vẫn biết anh ấy đã qua… ba đời vợ, nhưng chị cứ thương. Có lẽ vì thiện cảm đầu tiên là nước da bánh mật, khuôn mặt sạm nắng gió và cái giọng nói rất ngọt ngào của một nhân viên tiếp thị. 35 tuổi, khoác áo cô dâu lần hai, dù gia đình không đồng ý, nhưng chị vẫn cứ ưng, nói tại lỡ yêu rồi. Gia đình hỏi một câu duy nhất: “Tại sao anh ta phải qua ba đời vợ?”. Chị không trả lời được, chỉ nói tại lỡ yêu.

Hồi đó chị có tiệm làm tóc, trang điểm khá lớn, anh là nhân viên tiếp thị mỹ phẩm. Chị nghĩ, vợ chồng công việc như thế sẽ là “rồng thêm cánh” trong cuộc sống sau này. 36 tuổi, chị sinh con, đứa con đầu lòng của anh, lấy tới người vợ thứ tư mới có được. Anh vui ra mặt, bảo thôi nôi con, anh sẽ làm tiệc “nổ trời”.

Chạy trốn chồng 1
Chị đang nghiền ngẫm từng câu trong tờ đơn ly hôn.

Nhà anh cho đất, cha mẹ chị cho tiền, hai người cất ngôi nhà rộng ngót trăm mét vuông nhưng anh luôn đặt “giới nghiêm” trong gia đình bằng những việc chi li khó hiểu: thu nhập của vợ một tháng bao nhiêu? Chi dùng ăn uống cả gia đình một tháng bao nhiêu? Hai cô con gái của chị, đứa còn đi học thì không được học thêm học bớt gì. Hết giờ ở trường là về nhà giữ em, lau nhà, nấu ăn, giặt giũ. Đứa đã đi làm thì thu nhập bao nhiêu, đóng góp cho gia đình bao nhiêu? Mỗi người phải có một bảng kê chi tiết thu nhập, chi dùng gia đình và chi dùng cá nhân, mỗi tháng nộp cho anh, còn dư bao nhiêu thì bỏ vào tủ sắt gia đình do… anh giữ chìa khóa.

Tất cả các loại giấy tờ, hộ khẩu, sổ hồng, sổ đỏ anh đều nắm hết, chị đừng mong thấy “mặt tròn mặt méo” của chúng ra sao. Tiền bạc, tính qua tính lại, người không phải đóng góp, cũng không phải kê khai chính là… anh.

Con ba tháng tuổi, chị đã mở lại tiệm làm tóc. Con tám tháng, một trận sốt cướp đi nhiều giác quan của bé. Sau mấy lượt đi về bệnh viện chị phải chấp nhận thương đau là đôi chân của đứa con bé bỏng không bao giờ bước được bước nào.

Bao nhiêu của cải, tài sản chị dồn hết vào việc cứu chữa cho con. Tiệm làm tóc đóng cửa mãi rồi cũng dẹp. Anh bắt đầu những trận gây gổ, đánh chửi chị vì những lý do không đâu. Chị đưa con đi khám bệnh về muộn: chửi. Cơm nấu không kịp giờ: đánh. Chị phân bua kể lể: chén bát bàn ghế bay tứ tung… Đứa con lớn không chịu nổi cảnh bất hòa giữa mẹ và cha dượng nên bỏ ra thuê nhà trọ sống. Đứa con gái nhỏ cũng theo chị, bỏ mẹ lại ngôi nhà rộng thênh đó để chui vào căn phòng mười mấy mét vuông với chị nhưng bình yên.

Đứa con út đã sáu tuổi mà cứ như đứa bé lên hai. Chồng chị đi sớm về khuya không giờ giấc. Tiền anh đưa nhỏ giọt, có khi không đủ mua bịch tã, lon sữa cho đứa con tật nguyền. Nhưng, cơm nước chị vẫn phải “hầu” đầy đủ mỗi bữa ba món. Nấu rồi để đó hâm lại, hâm vài lần thì… đổ, vì anh không mấy khi ăn ở nhà. Nhưng nếu không nấu thì y như rằng, hôm đó anh ta tạt về ngày ba bận. Có con nhỏ đã cực, con bệnh tật càng khổ gấp trăm lần, huống chi gần đây chị còn phát hiện mình vướng phải chứng bệnh nhà giàu: tiểu đường. Niềm vui duy nhất của chị là một bữa cơm rau với hai đứa con riêng cuối tuần ghé về để mẹ con hít hà với chén tương ớt. Chồng về gặp bắt bẻ: “Có tao ở nhà, cái mặt mày như đưa đám. Tao đi vắng, mày rước hai “bà” của mày về cười đùa vui vẻ quá hén?”.

Ngay cả tiếng cười, bây giờ chị cũng phải “điều chỉnh” cho “hợp lúc”. Nhưng, điều chị đau nhất không phải là chồng khó khăn với con riêng của chị, không đưa tiền cho chị nuôi đứa con bệnh tật của hai người, mà là anh ta có bồ nhí, tất cả giấy tờ về tài sản đã sang tên từ chị qua cô ta mất rồi!

Chị phát hiện, làm ầm lên, chồng chị trơ trẽn: “Mày nghĩ lại thân mày đi! Bây giờ mày không làm tròn trách nhiệm người vợ được nữa thì hãy để người khác làm. Tất nhiên, quyền lợi cũng mất. Tao sang tên tài sản cho người đó là đã quá tốt với mày rồi. Khôn hồn thì im lặng để tao rước cô ấy về, hàng tháng tao còn cho hai mẹ con mày năm trăm ngàn mà sống. Bằng không…”. Anh vung dao lên. Con dao gọt trái cây bé nhỏ, sáng loáng khiến chị rùng mình.

Nhà rộng quá. Những sáu phòng ngủ, hai cổng. Anh ta rước bồ nhí về ở chung, đi riêng cổng. Chị hé răng nửa lời là xem như cuộc đời kết thúc, nhưng chị không nhịn được. Cô ta không những “xài” chồng chị, mà còn sử dụng luôn các vật dụng gia đình của chị như nhà của mình. Bật máy điều hòa nhưng mở cửa phòng; ti vi bật nhưng không ai xem, một bộ đồ cũng bỏ vào máy giặt; nhà vệ sinh để nước chảy lênh láng… Chị ý kiến, anh vung dao kề cổ chị hỏi: “Muốn sống hay muốn chết?”. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị gom hết tư trang, bồng đứa con tật nguyền chạy trốn chồng, thuê nhà trọ sống, làm đơn ly hôn “hù” chồng để mong anh ta nghĩ lại.

42 tuổi, những người phụ nữ khác đang an hưởng ấm êm của cuộc hôn nhân vào thời kỳ bình ổn, riêng chị vẫn còn dò dẫm trên đường tìm hạnh phúc…

aFamily

      © 2021 FAP
        1,280,766       212