Chưa bao giờ những người bố chồng này quan tâm và yêu thương con dâu thật lòng khiến cho những nàng dâu không khỏi điêu đứng và tủi thân. Hàng ngày họ luôn tự nhủ phải cố gắng chịu đựng.
2 năm sau ngày
lấy chồng, dù đã có con nhỏ song Phượng, 27 tuổi luôn phải sống trong ức chế với nhiều đêm không ngủ được vì ghét cay ghét đắng bố chồng.
“Mình đang ở chung với bố mẹ chồng đây. Mẹ chồng mình thì rất dễ, sao cũng được nhưng bố chồng thì vừa khó tính, gia trưởng, bẩn tính và độc ác nữa. Mình sợ và ghét ông lắm. Hầu như ngày nào mình và mẹ chồng nấu cơm canh xong, ông cũng chê được. Bữa thì ông chê cơm nấu quá rắn hay quá nát, bữa thì chê canh mặn, bữa thì chê đồ xào quá tay nên nhũn. Ăn nhiều món tươi ngon cũng chê đơn điệu, ăn nhiều món khô cũng chê bôi. Thật sự mình không biết làm sao cho vừa lòng ông. Cả hai mẹ con mình ngày nào cũng cặm cụi từ gần 6 chiều đến 8 giờ tối để nấu xong bữa cơm. Mẹ chồng mình cũng khéo tay nữa. Thế mà vẫn bị bố chồng chê được thì bó tay” - Người con dâu này than thở.
Dù đã chăm chỉ dọn dẹp nhưng do bé nhà Phượng mới được 1 tuổi nên phòng của Phương cũng bừa bộn hơn trước. Song bố chồng Phượng suốt ngày soi và chê bai: “Mỗi lần ông vào phòng vợ chồng mình, dù cũng chẳng đến nỗi nào nhưng ông toàn chê như cái ổ chuột này nọ. Hễ cứ để quên một chiếc quần nào của cháu ở phòng khách thì ông chửi cho mất mặt luôn. Ông làu bàu từ sáng đến tối. Đến cả cách chăm con của mình cũng không được tự do. Mỗi lần cho con ăn, mình toàn bị
bố chồng soi mói. Ức chế, mình cứ phải lẩm bẩm trong miệng mà không dám to tiếng với ông”.
"Nhiều đêm, cứ nghĩ đến lời bố chồng nói hay chì chiết là mình lại ôm con khóc. Chồng thì được bố mẹ bao bọc nên bênh bố chồng chằm chằm rồi" (Ảnh minh họa)
Nhiều lúc quá ngột ngạt, bí bách, người phụ nữ này kể tiếp: “Ngán ngẩm nhất là ngày nào ông cũng lên phòng vợ chồng mình, để ý đến cả cái áo chưa giặt còn bỏ trong thau, cái ly uống nước rửa rồi nhưng chưa kịp mang xuống nhà, còn để trên phòng. Đi làm về, mình chào thì ông không thèm thưa. Chào xa một chút thì ông nói bóng gió: ‘Mày chào thế cho vui à? Chào như thế ai mà nghe được’?!” .
Rồi mỗi lần vợ chồng Phượng xin phép về nhà bố mẹ đẻ chơi: “Bố chồng tuy không nói lời cấm đoán thẳng thừng nhưng toàn hỏi ‘Nhớ mẹ hay sao mà xin về suốt thế?’ (trong khi 4-5 tháng vợ chồng mới về quê vợ chơi 1 lần). Và cứ hôm nào mình về nhà bố mẹ đẻ, chẳng hiểu sao hôm sau về, ông tỏ thái độ khó chịu. Mình thật sự cũng chẳng biết phải làm sao cho vừa lòng bố chồng nữa”.
Nói về bố chồng của mình, người phụ nữ trẻ này kêu ca: “Lấy chồng mới thấy làm dâu vừa khó vừa khổ. Nhiều đêm, cứ nghĩ đến lời bố chồng nói hay chì chiết là mình lại ôm con khóc. Chồng thì được bố mẹ bao bọc nên bênh bố chồng chằm chằm rồi. Mình ngột ngạt quá mà không dám tâm sự cũng ai vì phận làm dâu tâm sự cùng ai thì cũng đến tai bố chồng thôi. Mình buồn lắm, muốn xin cho
vợ chồng ra riêng mà chồng không đồng ý. Nhưng sống mãi thế này với bố chồng, mình sợ mình nghĩ quẩn mất”.
Cũng trong cảnh phải chịu trận với bố chồng như vậy là Huyền, 28 tuổi. Theo như Huyền chia sẻ thì ngay từ khi mới về làm dâu nhà chồng, Huyền vẫn thường bị bố chồng chửi như hát hay. Nhưng đến nay, sau hơn 1 năm làm dâu, bố chồng chửi con dâu ngày càng ngoa ngoắt với nhiều từ ngữ ngày càng khiến Huyền không thể chịu đựng nổi.
Huyền kể: “Mẹ chồng mình mất nhiều năm trước, nên vợ chồng mình phải ở cùng bố chồng. Song bố chồng mình bản tính rất đàn bà, ngoa ngoắt và hay soi mói con dâu. Cứ chuyện bé tí bằng cái móng tay, ông lại để ý và chửi rủa mình. Ai đời có bố chồng nào chửi
con dâu bằng những từ như: đồ của nợ, ngu như bò, ngu như lợn… chưa?”.
Nàng dâu mới này cũng bức xúc kể về lần mang thai vừa rồi của mình: “Mới lấy chồng, mình bị công ty cắt giảm biên chế. Thế là mình phải ở nhà 2 tháng liền để tìm việc làm. Trong thời gian ấy, mình mang bầu. Mang bầu lần đầu tiên mà bố chồng cứ bắt vợ chồng phải bỏ thai vì bảo chồng mình làm đủ ăn đủ tiêu còn mình chưa có việc thì sinh con ra làm gì. Mình nhất quyết không bỏ thì ông ghét ra mặt. Suốt thai kỳ cho đến khi mình sinh con, bố chồng không thèm hỏi thăm mình 1 câu. Ông cũng chẳng lên phòng hay trông cháu bao giờ. Nói chung ông chẳng thèm đoái hoài gì đến cháu. Thậm chí, chồng mình muốn nhập khẩu cho con, ông còn làm khó dễ mãi mới chịu. Nhiều lúc không thể hiểu bố chồng nghĩ gì nữa”.
Cứ phải nhẫn nhịn với bố chồng như vậy, nhiều khi Huyền ức chế và muốn làm tam bành mọi chuyện (Ảnh minh họa)
Ngoài khó chịu với bố chồng những điều trên, Huyền còn không thể chịu nổi khi bố chồng cứ liên tục đặt điều về gia đình thông gia. Thậm chí nhiều lúc ông còn nói xấu con dâu với bố mẹ đẻ Huyền. “Nhiều lúc, đang yên đang lành, bố chồng còn đùng đùng gọi điện cho bố đẻ mình. Ông mở đầu bằng câu: ‘Không biết cái con H này nó có được dạy không?’. Và rồi ông kể một lô một lốc điều không hay và không đúng sự thật về mình… Với mình, nhiều lần ông còn lôi cả
bố mẹ đẻ mình ra đặt điều và chửi bới. Ông khinh nhà mình nghèo hơn nhà ông. Ông chê bố mình chỉ là dân lao động chân lấm tay bùn, ráo mồ hôi là hết tiền. Trong khi ông mang tiếng làm cán bộ phường mà lương cũng có đủ ăn tiêu cho bản thân ông đâu. Mình thật sự rất sốc khi thấy bố chồng dám chửi cả thông gia. Dù tức nghẹn cổ nhưng anh xã mình không cho mình phản kháng lại”.
Cứ phải nhẫn nhịn với bố chồng như vậy, nhiều khi Huyền ức chế và muốn làm tam bành mọi chuyện: “Chẳng hiểu sao ông lại ăn nói vô văn hóa thế. Cũng may được chồng hiểu chuyện chứ không mình đã ôm con về nhà mẹ đẻ từ lâu rồi. Nhưng hàng ngày, mình cứ thấy tủi thân cho thân mình phải rơi vào một bố chồng như vậy. Song đành chịu đựng chứ biết làm sao?”.