Đời sống

"Bó chân gót sen": Khi cái giá của sắc đẹp là những đôi chân rỉ máu và biến dạng cả đời

Những người phụ nữ Trung Quốc xưa, đặc biệt là các cung tần, mỹ nữ trong cung vua phủ chúa thường chuộng đôi chân gót sen; thon nhọn và mềm mại. Nhưng đổi lại là nỗi đau đớn và thương tật họ phải mang theo suốt cuộc đời.

Hy sinh cho cái đẹp là hy sinh xứng đáng nhất; có người nào đó đã từng nói câu này. Để rồi từ cái suy nghĩ đấy, người người nhà nhà đổ xô đến các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ với mong muốn thay đổi cuộc đời.

Nhẹ thì chịu đau một chút với thuốc tê rồi có mũi cao, cằm chẻ; đau đớn hơn thì nâng ngực, hút mỡ; còn tận cùng của nỗi đau và có thể mang thương tật suốt đời như kéo chân, cắt xương sườn. Gì người ta cũng có thể nghĩ tới được.

Nhưng để so sánh, có lẽ những nỗi đau đó sẽ không thể nào sánh được với vết thương theo cả đời những người phụ nữ với tục lệ bó chân, đập nát xương bàn chân để uốn hình "gót sen" mong muốn.

Bó chân gót sen: Khi cái giá của sắc đẹp là những đôi chân rỉ máu và biến dạng cả đời - Ảnh 1.

Một cụ già ở nông thôn với đôi chân gót sen bị biến dạng.

Ngày xửa ngày xưa, dưới thời Nam Đường...

Dưới thời Nam Đường (937-975), truyền thuyết kể lại rằng có một cung nữ biểu diễn cho Hoàng đế và các quần thần xem. Cô gái trẻ uyển chuyển, duyên dáng với từng điệu vũ của mình và những gót chân quấn lụa lướt trên sàn như chốn bồng lai tiên cảnh.

Rồi từ đó, cái "đôi chân gót sen" nhỏ nhắn, mềm mại đó được các cung tần, phi tử khác trong cung vua đồn thổi là thứ khiến lòng vua ngây ngất. Một đồn mười, mười đôi trăm rồi qua hàng trăm năm lịch sử, các thiếu nữ vẫn cuồng si đôi gót chân thon nhỏ kia với mong muốn được đàn ông để ý. Những cái tên mĩ miều được dùng cho chúng: chân gót sen" hay "gót huệ"...

Nhưng người khác biết chuyện thì gọi chúng là đôi chân rớm máu, hay tàn khốc hơn là đôi chân biến dạng cả đời.

Bó chân gót sen: Khi cái giá của sắc đẹp là những đôi chân rỉ máu và biến dạng cả đời - Ảnh 2.

Một phụ nữ thời xưa với đôi chân bị bó biến dạng.

Chân gót sen ra đời

Tại sao lại là chân gót sen? gót huệ hay gót hài?

Nếu ai từng nhìn thấy một cánh sen như nào thì có thể mường tượng ra cái tên gọi đằng sau đôi chân biến dạng. Một cánh sen cong thon ở đầu, lớn dần ở phần cuống như nào thì đôi chân cũng vậy; phần gót chân to rồi thon đều, nhỏ gọn về phía mũi. Nghe thôi đã thấy trái tự nhiên khi bàn chân chúng ta có xu hướng to dần về phía các ngón chân.

Rồi sao nữa? Rồi vì đôi chân nhỏ quá, lại dễ tổn thương đau đớn nên các bước đi phải nhẹ nhàng uyển chuyển, như một cánh sen khẽ lay trong gió. Từ đó mà có cái tên chân gót sen ra đời.

Bó chân gót sen: Khi cái giá của sắc đẹp là những đôi chân rỉ máu và biến dạng cả đời - Ảnh 3.

Chân gót sen, mỏng manh như cánh sen, uyển chuyển nhẹ nhàng lướt trên đất.

"Người con gái bó chân phải khóc hàng xô nước mắt"

Nghe vậy là đã hiểu nó đau đớn như thế nào. Một xô nước mắt có lẽ là vẫn nhẹ khi có người phải khóc dấm dứt cả đời.

Có được đôi chân "gót sen" hoàn hảo không phải điều dễ dàng và đi kèm với rất nhiều đau đớn. Người mẹ hoặc người bà trong gia đình sẽ bắt đầu bó chân con gái, cháu gái họ khi đứa trẻ 2 - 5 tuổi. Đây chính là khoảng thời gian xương bàn chân chưa phát triển hoàn thiện, dễ uốn nắn tạo hình.

Bó chân gót sen: Khi cái giá của sắc đẹp là những đôi chân rỉ máu và biến dạng cả đời - Ảnh 4.

Bàn chân biến dạng đầy đáng sợ.

Bó thế cũng không phải là dễ; người ta phải ngâm chân các bé gái trong nước ấm pha thảo dược và máu động vật. Đến khi đôi chân có vẻ mềm chút, người ta sẽ nắn bóp, xoa nhẹ rồi bẻ quặp các ngón chân xuống và ép vào lòng bàn chân. Từng ngón một rồi xương vòm chân bị bẻ gãy, người ta quấn thật chặt lại trong vải.

Thông thường, người ta sẽ không để các bà mẹ bó chân con gái vì thường mẹ sẽ thương con mà bó nhẹ, không nỡ nhìn con gái đau đớn, thương tật vĩnh viễn.

Thỉnh thoảng, người ta lại tháo vải ra rồi tiến hành lại quy trình: đập dập xương chân rồi bó lại sao cho càng nhỏ càng tốt. Nhiều người bị hoại tử, nhiễm trùng, mưng mủ ở chân vì quá trình đau đớn kéo dài hàng năm trời. Kể cả về sau, khi đã về già, đôi khi những bàn chân vẫn nhức nhối do trái gió trở trời.

Bó chân gót sen: Khi cái giá của sắc đẹp là những đôi chân rỉ máu và biến dạng cả đời - Ảnh 5.

Một đôi chân phụ nữ không bị bó bên cạnh bàn chân gót sen. Thông thường, vì những người nông dân còn phải làm việc đồng áng nên sẽ không bó chân quá chặt.

Đau đớn nhưng không còn cách nào khác

Cái thời bấy giờ, dù biết nỗi đau đi kèm với đôi chân gót sen là vô cùng đáng sợ nhưng người người, nhà nhà bó chân gót sen. Con cái không muốn bó thì bố mẹ cũng bắt bó. Bất thành văn tự, nó đã thành một biểu tượng của quý phái.

Con gái nhà giàu không bó chân gót sen thì không lấy được người có địa vị cao quý trong xã hội, lại chịu ê chề điều tiếng.

Con gái nhà nghèo không bó chân thì dễ bị đời xô vào kiếp nô lệ, mãi không ngóc lên được.

Bó chân gót sen: Khi cái giá của sắc đẹp là những đôi chân rỉ máu và biến dạng cả đời - Ảnh 6.

Những đôi giày thêu nhỏ xíu, được cắt may vừa vặn với chân gót sen.

Nó nhiều tới nỗi mà ở thế kỷ 19, người ta ước tính có khoảng 50% phụ nữ Trung Quốc bó chân và tỷ lệ con nhà giàu bó chân lên tới 100%. Dù không có số liệu điều tra chính xác nhưng nghe thôi đã đủ bàng hoàng.

Thông thường, ở các vùng nông thôn, phụ nữ sẽ bó chân muộn hơn và bó sơ sài vì còn phải làm việc đồng áng. Còn ở thành thị, các con nhà quan lại sẽ phải bó thật chặt và gần như 100%. Đơn giản vì họ có người hầu kẻ hạ, đi lại làm gì cũng có người giúp, chỉ dám lướt thướt bước từng bậc trong nhà.

Đến năm 1911, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố xóa bỏ tục bó chân, chấm dứt những năm tháng đau đớn của phụ nữ suốt nghìn năm lịch sử. Tuy nhiên, đâu đó ở nông thôn Trung Quốc, người ta vẫn tìm thấy các cụ bà với bàn chân bó nhỏ xíu.

Người ta vẫn tin rằng, đó là chuẩn mực của cái đẹp, một quy chuẩn vĩnh viễn không bao giờ thay đổi.

Bó chân gót sen: Khi cái giá của sắc đẹp là những đôi chân rỉ máu và biến dạng cả đời - Ảnh 7.

Có lẽ mãi về sau, những người phụ nữ Trung Quốc vẫn sẽ không quên đôi chân gót sen - một tiêu chuẩn cái đẹp đầy đau đớn trong lịch sử.

aFamily

phụ nữ trung quốc, nỗi đau đớn, Phẫu thuật thẩm mỹ


      © 2021 FAP
        4,019,695       724