Ăn không dám ăn, mặc không được đẹp, hàng ngày ông chồng vẽ tranh, vợ ve chai vẫn cười đùa vui vẻ với nhau cùng hai đứa con ngây dại dẫu cho cuộc sống của gia đình họ còn lắm cơ cực, thiếu thốn.
Tình yêu của người chồng vẽ tranh vợ ve chai giống như một câu chuyện cổ tích được kể giữa đời thường bởi dù có sự chênh lệch về tuổi tác, họ vẫn đến với nhau bằng sự đồng cảm để đắp xây lên tổ ấm cho đời mình.
Cuộc sống "giật gấu vá vai" mà đẹp như cổ tích của ông chồng họa sĩ, vợ ve chai giữa lòng Sài Gòn
Dẫu có sự chênh lệch về tuổi tác nhưng đôi vợ chồng già vẫn hạnh phúc bên nhau trong cảnh túng quẫn, nghèo hàn
Ông là Lý Ngọc Thành (SN 1941), người vẽ tranh nghèo đã hết thời...
Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, bố mẹ không may mất sớm, một mình ông Thành phải vất vả cho cuộc sống mưu sinh bằng nghề vẽ tranh thuê và bán nước dạo trước cạnh trường học. Đến năm 49 tuổi, ông đã tìm được hạnh phúc cho đời mình khi kết hôn cùng bà Đào Thị Hương, người kém ông tận 21 tuổi làm nghề lượm ve chai về cùng sinh sống.
Những lúc rảnh rỗi, ông Thành liền lấy tranh ra để vẽ dù 23 năm nay, tranh ông bán không ai mua
Mỗi lần ông vẽ tranh, bà Hương lại đến bên cạnh chăm chú xem ông vẽ với gương mặt hạnh phúc
Tìm đến căn nhà tình nghĩa cũ nát nằm sâu trong con hẻm 124, đường Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh mới thấy được hết tình yêu giản dị mà trọn vẹn yêu thương của ông bà dành cho nhau.
Niềm vui và tiếng cười vẫn vang lên trong căn nhà chật chội này. Ông đùa bà, bà chọc ông...cứ thế họ vui vẻ mà sống. Ảnh: Hai ông bà chụp bên bức tranh ông vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc sống của ông bà hằng ngày gói gọn trong căn nhà nhỏ chật chội mà chỉ cần hai người đi gần nhau là không chen lọt qua cánh cửa. Sống cơ cực riết rồi quen, ông nhìn bà rồi bà nhìn ông cứ thế vui vẻ mà sống tiếp.
Ông Thành cũng giống như nhân vật ông Đồ trong bài thơ của Vũ Đình Liên, một người đã hết thời bị lãng quên giữa nhịp sống hiện tại
Ông Thành cười đùa cho biết: "Ông có bao giờ đi ra khỏi nhà đâu mà biết được ở ngoài kia ra sao. Với ông bà vẫn là đẹp nhất, chỉ biết có mỗi mình bà thôi à. Vợ chồng sống với nhau, thương mến nhau quan trọng ở tấm lòng, thoắt cái đã hơn 25 năm rồi. Dù có nghèo thật nhưng ông bà cảm thấy hạnh phúc".
Có lẽ điều may mắn và hạnh phúc nhất cuộc đời ông Thành là cưới được bà Hương, người phụ nữ lượm ve chai hiền hậu, đảm đang
Trong cái nghèo đói, niềm vui lớn nhất của ông bà là hai đứa con của mình được lớn lên khỏe mạnh mỗi ngày. Tuy nhiên, dù cả hai đã hơn 20 tuổi nhưng không được lanh lẹ như bao người. Vì hoàn cảnh khó khăn, cả hai đứa con ông bà đều phải nghỉ học từ sớm, điều này khiến ông bà không khỏi chạnh lòng mỗi khi nhắc lại.
Em Danh, dù đã 23 tuổi nhưng vẫn khờ khạo, ngày ngày đi học võ để tự vệ cho bản thân
Dù bị viêm khớp nặng nhưng mọi việc trong nhà đều do một tay bà Hương quán xuyến
Căn bếp nhỏ ẩm thấp lọt thỏm giữa đống đồ ve chai là nơi bà Hương chăm chút cho từng bữa cơm gia đình
Bữa cơm trưa đạm bạc nhưng tràn đầy hạnh phúc của gia đình họa sĩ nghèo
Bà Hương nghẹn ngào: "Ông bà cũng không muốn cho tụi nó nghỉ học đâu, nhưng tiền ăn mà không có lấy đâu tiền học phí để đóng cho tụi nó. Giờ con Trang (đứa con gái đầu, 25 tuổi) đi lên chùa học thêu thùa may vá, còn thằng Danh (23 tuổi) lại theo nghề võ… Không được học hành, chỉ mong chúng nó có cái nghề để sau này mà sinh sống. Chứ ông bà đâu sống đời với tụi nó được…".
Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, bà Hương những lúc khỏe mạnh thường đi lượm ve chai và xin củi khô để về cho gia đình
Sống bằng tiền trợ cấp xã hội với mỗi tháng chỉ vẻn vẹn 800.000 đồng cho 4 miệng ăn. Dù bị viêm khớp, chân đau không đi lại nhiều được nhưng bà Hương cùng người con trai vẫn thi thoảng đi nhặt ve chai kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, cả tháng nay, đống ve chai mà bấy lâu bà tích góp đã vơi dần để đổi lấy rau canh mỗi ngày bởi đôi chân bị viêm khớp của bà không cho bà tiếp tục công việc.
Sống trong căn nhà tình thương tạm bợ đã xuống cấp nghiêm trọng. Mái tôn nhà đã mục nát, vách tường nứt nẻ, nền nhà sụn lún.Mỗi khi có mưa nước chảy tràn lan, nhem nhuốc, chỉ có một góc (1/5 ngôi nhà) là chỗ trú mưa của cả gia đình.
Đồ đạc trong nhà chất chồng lên nhau, khu vệ sinh, bếp nấu ăn thì nhem nhuốt, dơ bẩn. Lối đi trong nhà chất đầy bao bì, đồ đạc cũ, tranh ảnh, quần áo, sách vở… treo vất vưởng, nằm ngổn ngang, nham nhở và bốc mùi ẩm mốc. Dẫu vậy, chưa một lần nào ông bà tranh cãi nhau về cuộc sống cơ hàn. Suốt hơn 25 năm qua, hai vợ chồng ông bà chưa biết quán xá là gì, chưa từng dám bỏ tiền mua một tô hủ tiếu.
Gia tài lớn nhất đời ông Thành là vợ con cùng những tác phẩm tranh vẽ của ông
Ông say mê vẽ, những gì ông vẽ ra đều do ông tự nghĩ, tự tưởng tượng. "Bức tranh Hoàng hôn này là ông nằm nghĩ, nó phải có núi, có sông, cứ thế mà vẽ ra chứ có bao giờ ông thấy được mấy cảnh vật này đâu".
Ông Thành trầm ngâm nói: "Ông bà sống như vậy là tốt lắm rồi, chỉ sợ 2 đứa nó thiếu thốn mà thôi… Nó lớn vậy nhưng còn con nít lắm, lâu lâu cũng nhũng nhẹo đòi mua cá thịt về ăn. Mà ông bà đến đầu cá còn quý chứ nói gì được như người ta. Chỉ mong hai đứa nó có sức khỏe, hiếu thuận với ông bà là vui lắm rồi".
Điều ông bà mong muốn nhất lúc này là hai đứa con được khỏe mạnh, có công việc để tự lo cho mình. Lỡ mai này ông bà mất đi, họ cũng có cái để sinh sống
Là một người vẽ tranh già hết thời, trong sự lãng quên của nhịp sống Sài Gòn hiện tại, tranh ông Thành vẽ giờ chẳng ai mua. Nhưng ông vẫn cứ đều đặn sáng tác trong niềm say mê của mình. Ông ngậm ngùi nói: "Đam mê mà, sao bỏ được, hai mấy năm rồi có ai đến mua tranh đâu. Mình cứ vô tư mà sống, khổ cũng không buồn, chỉ buồn khi lúc thèm ăn cá thịt mà không có tiền mua thôi".
Vườn cây kiểng lượm về được là niềm vui tuổi xê chiều của ông Thành
Những tác phẩm tranh vẽ của ông Thành là tài sản vô giá của riêng ông, nó mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc giữa cuộc sống bộn bề
Còn với bà Hương, người vợ đã theo ông suốt mấy chục năm nay chỉ mong sao mình có thêm sức khỏe để sống mà chăm sóc các con. Bà nói: "Lúc trước còn đi lượm ve chai được, mỗi tháng bán đi còn biết chợ búa, mua tận 1kg đầu gà, hay cá vụn về nấu cho mấy cha con ổng ăn. Giờ phải dè dặt từng đồng, ước gì được một lần, cả gia đình được ra hàng quán để ăn tô phở, nhưng thế bà nhắm mắt cũng mãn nguyện".
Tình yêu của ông bà giống như câu chuyện cổ tích giữa đời thường về sự trân quý, yêu thương nhau trong cảnh đói nghèo
Dẫu cuộc sống còn lắm bộn bề khó khăn nhưng có lẽ tình yêu thương đã trở thành sức mạnh giúp gia đình ông Thành vượt qua bao nỗi nhọc nhằn của cuộc sống.Tình yêu của cặp vợ chồng già như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường về giá trị đích thực trong cuộc sống, họ đã yêu thương và đến với nhau bằng cả trái tim. Và sướng hay khổ, hai trái tim ấy vẫn đồng cam cộng khổ, mà có "khổ cũng không buồn".
chồng họa sĩ, vợ ve chai, cuộc sống, Góc nhỏ Sài Gòn