Đời sống

Tết này, cùng lắng nghe chị em "giãi bày" những niềm vui nỗi buồn "đến hẹn lại lên"

Tết là mùa của đoàn viên, của sum vầy, mùa của yêu thương. Tết đến, mỗi nhà mỗi vẻ, mỗi người mỗi tâm trạng. Ai cũng có những niềm vui nỗi buồn riêng...

Niềm vui nỗi buồn 1 cái Tết với chị em là thế nào nhỉ?

Tết là để trở về

Là con gái Hà Thành, sinh ra và lớn lên trên đất Bắc, lấy chồng Thái Bình, nhưng hai vợ chồng lại chọn Sài Gòn làm nơi sinh sống nên Tết với chị Minh Hằng (Luật sư, TPHCM) chính là khoảng thời gian mà chị mong chờ nhất trong năm.

"Chị yêu Tết em ạ. Với chị, Tết là thời điểm duy nhất chị có thể dành trọn vẹn thời gian cho gia đình, người thân. Tết đến cũng có nghĩa là chị được trở về Hà Nội quây quần bên bố mẹ, ông bà. Tết là dịp mà tất cả các thành viên trong gia đình đều có mặt đầy đủ, ai cũng sẽ cố gắng sắp xếp công việc riêng để trở về. Chị yêu bố mẹ, yêu Hà Nội, yêu cảm giác cùng mẹ đi chợ Tết, yêu những món ăn mẹ nấu, yêu sắc xuân trên những cánh hoa đào." – Chị nói.

Tết này, cùng lắng nghe chị em giãi bày những niềm vui nỗi buồn đến hẹn lại lên - Ảnh 1.

Tết cũng là dịp để các bạn nhỏ xúng xính quần áo mới đi chơi xuân, nghe ông bà cha mẹ nói về những văn hóa truyền thống của dân tộc. Chị kể: "Ga và Buck (2 con của chị - PV) cũng rất thích Tết, hai bạn nhỏ thích được về với ông bà, được đi thăm nhà cô dì chú bác, được chơi với các anh chị em họ, chị rất vui vì điều này. Tết này chị sẽ dắt các cháu đi lên phố ông đồ xin chữ và cũng là để dạy Ga hiểu thêm về văn hoá Tết của Việt Nam. Chắc chắn bạn ấy sẽ rất thích thú với những chú tò he, những cây sáo trúc, những câu đối đỏ. Và chị sẽ phải "chuẩn bị tinh thần" để trả lời vô vàn câu hỏi "tại sao" của bạn ấy."

Công việc ở văn phòng của chị Hằng thường ngày cũng khá bận rộn thế nên "với chị Tết còn là dịp được nghỉ ngơi dài nhất trong năm, khoảng thời gian mà chị được sống chậm lại, suy nghĩ về những điều "được-mất" của 1 năm đã qua và "set new goal" cho năm mới của mình."

Tết này, cùng lắng nghe chị em giãi bày những niềm vui nỗi buồn đến hẹn lại lên - Ảnh 2.

Yêu Tết là thế, mong muốn trở về sum vầy với gia đình người thân là thế, nhưng chị Hằng lại rất ghét chuyện nhậu nhẹt ngày Tết, chị không thích chuyện đi chúc Tết nhà nào cũng được mời ăn và phải ăn. "Chị biết là khi đi chúc Tết, gia chủ có quý mới giữ mình lại mời ăn, nhưng thật sự là rất mất thời gian và làm khổ những người phụ nữ trong gia đình em ạ. Sau khi tàn cuộc, chị lại thấy cảnh các mẹ, các chị thay nhau rửa dọn, lau chùi. Tết mà, hãy để các chị, các mẹ có chút thời gian nghỉ ngơi, ngồi coi chương trình ti vi ngày Tết, cảm nhận không khí Tết như tất cả mọi người."

Cảnh tắc đường ở Thủ Đô, cảnh đắt đỏ, vật giá cứ đua nhau leo thang và một số kiêng kị rườm rà ngày Tết cũng là những điều khiến chị Hằng ngán ngẩm.

Em lớn rồi em vẫn thích lì xì

Đó là lời tâm sự hồn nhiên của Quỳnh Diệp (Nhân viên văn phòng, TPHCM) khi được hỏi về Tết. Diệp nói: "Em lớn rồi, nhưng em chưa lấy chồng nên vẫn thích lì xì, nhất là lì xì của bố mẹ và chị Hai. Tết em thích được về nhà chơi với bố mẹ và em gái. Nhìn chị Hai lấy chồng rồi, Tết về nhà chồng ăn Tết, giờ cứ đến Tết em chỉ muốn về với bố mẹ thôi, còn được mấy cái Tết em ở nhà với bố mẹ đâu ạ, phải tranh thủ thôi."

Tết này, cùng lắng nghe chị em giãi bày những niềm vui nỗi buồn đến hẹn lại lên - Ảnh 3.

Đang làm việc xa nhà ở Sài Gòn nên với Diệp thì "Tết là cơ hội để tạm trốn khỏi Sài Gòn, trốn xa nắng nóng, kẹt xe, trở về với xứ lạnh của em. Thay vì 8 tiếng vùi đầu vào công việc như thường ngày, 8 tiếng đó của em bây giờ vô âu, vô lo. Giáp Tết thì em dành để vào bếp phụ mẹ, ngày Tết thì em dành để đi chơi cùng gia đình bạn bè."

Diệp có một nhóm bạn thân, học với nhau từ thời mẫu giáo, hầu như Tết năm nào cũng chọn 1 nhà của 1 bạn trong nhóm làm nơi tụ họp. "Em thích Tết lắm, Tết đến ai cũng về nhà nên nhóm em gần như đông đủ. Em nói gần như đông đủ là vì 3-4 năm nay, năm nào cũng có 1 bạn theo gia đình về ngoài Bắc ăn Tết, thế nên tụi em bị thiếu 1 thành viên."

Tết này, cùng lắng nghe chị em giãi bày những niềm vui nỗi buồn đến hẹn lại lên - Ảnh 4.

Hỏi Diệp ấn tượng với điều gì và sợ điều gì trong Tết nhất, Diệp bảo: "Em sợ nhất là từ ngày chị Hai lấy chồng, 2 cái tủ kính to đùng ở nhà, 1 tủ sách báo, 1 tủ đồ trang trí, xưa là việc của 2 chị lớn trong nhà, giờ còn mình em đảm nhận. Bé Út đã có nhiệm vụ dọn dẹp khác nên em đành ngậm ngùi lau chùi 2 cái tủ ấy một mình. Còn ấn tượng nhất hả chị? Đó là em được gói bánh chưng với bố. Em không biết gói đâu, chỉ là ngồi lau lá cắt lá phụ bố thôi nhưng vui lắm chị ạ, cảm thấy không khí Tết đã về đến nhà em rồi."

Điều làm Diệp không vui trong dịp Tết nhất đó chính là họ hàng nội ngoại đều ở xa nên mùng 1 Tết không được cảm nhận cảm giác đi chúc Tết ông bà như bạn bè vẫn kể. Mùng 1 Tết nhà Diệp chỉ có anh chị họ và các cháu ra chơi thôi.

Tại sao Tết người ta cứ phải tụ tập nhậu nhẹt?

Cùng quan điểm với chị Minh Hằng, chị Huyền Trang (Nhân viên ngân hàng, Lâm Đồng) rất không thích chuyện tụ tập nhậu nhẹt ngày Tết. "Tại sao Tết người ta cứ phải tụ tập nhậu nhẹt cơ chứ? Trang không thích chuyện đó một chút nào cả. Trang thích không khí đầm ấm lúc gia đình quây quần, thích gặp mặt bạn bè hàn huyên, nhưng không thích nhậu nhẹt. Anh chị em trong gia đình thì có thể tập trung ở nhà ông bà, bố mẹ, nói chuyện, chơi đùa cùng nhau, kể nhau nghe về những chuyện vui buồn của một năm đã qua.

Bạn bè thì có thể hẹn nhau café, ngồi chơi, nói chuyện, cho con cái gặp gỡ nhau. Mọi chuyện có thể đơn giản như vậy cơ mà. Nhậu nhẹt đâu có tốt cho sức khỏe đâu. Chưa nói đến chuyện sau nhậu, các anh các chú say sưa đánh võng ngoài đường, tai nạn nọ kia, lúc đó còn gì là Tết, chỉ khổ người thân mất luôn cả Tết. Rồi không tai nạn thì lại có những vụ rượu vào lời ra, nhẹ thì cãi nhau, nặng thì gây gổ đánh nhau, Tết mà vậy thì còn gì là vui."

Tết này, cùng lắng nghe chị em giãi bày những niềm vui nỗi buồn đến hẹn lại lên - Ảnh 5.

Chị Huyền Trang mới lấy chồng tháng 1/2016, đến cuối năm thì đón chào thiên thần nhỏ, vậy nên Tết này là Tết đầu tiên chị đón Tết trong tư cách một người mẹ. "Có Mon, bận rộn lắm, xoay đi xoay lại hết ngày, vừa chăm con vừa chuẩn bị Tết, hơi đuối một chút nhưng chị rất vui và hạnh phúc. Cũng may là chồng chị và bố mẹ đỡ đần cho nhiều nên chị vẫn có thời gian nghỉ ngơi cùng con."

Bà mẹ trẻ thích thú bảo: "Điều khác biệt lớn nhất mà chị cực thích trong Tết năm nay đó là được tám, trò chuyện, gặp bạn bè, chị em cũng là mẹ bỉm sữa như mình để được tâm sự, học hỏi các kinh nghiệm chăm con. Có con rồi, nói gì, làm gì cũng thấy con hết."

Tết này, cùng lắng nghe chị em giãi bày những niềm vui nỗi buồn đến hẹn lại lên - Ảnh 6.

Nhà chị Trang cách nhà chồng chừng 5km còn chỗ chị làm việc thì cách 2 nhà 50km. Tiếng là chỗ làm không quá xa nhà, nhưng đường từ nhà chị lên Đà Lạt là đường đèo nên chị thuê nhà để ở cho thuận tiện và an toàn. Trước khi nghỉ thai sản như hiện tại, thời gian ở bên hai gia đình nội ngoại cũng không nhiều nên chị bảo Tết nhất chị cũng chỉ muốn dành hầu hết thời gian của mình cho bố mẹ và các anh chị em.

Tết là mùa của đoàn viên, của sum vầy, mùa của yêu thương. Tết đến, mỗi nhà mỗi vẻ, mỗi người mỗi tâm trạng. Ai cũng có những niềm vui nỗi buồn riêng... Chúng ta không thể cầu mong một năm mới tràn ngập toàn niềm vui, chỉ mong sao niềm vui nhiều hơn nỗi buồn, là đủ.

aFamily

chị em phụ nữ, sắp xếp công việc, đi chợ tết, ông bà cha mẹ, văn hóa truyền thống, Tôi yêu Tết


      © 2021 FAP
        4,301,942       678