"Tôi nghĩ chuyện cứ đặt ra vấn đề phải đón Tết nhà nội hay đón Tết nhà ngoại là chuyện… dở hơi. Với tôi, Tết là nhà mình! Mình ăn Tết ở đâu thì nhà mình ở đó, nội hay ngoại chả phải đều là nhà mình sao, khó khăn câu nệ chi cho mất vui đôi ba ngày xuân."
Cứ độ này mỗi năm, chị em phụ nữ lại cứ bàn tán xôn xao với nhau về một chủ đề không hề mới, đó là ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại. Ai cũng ái ngại khi đưa ra quyết định, ăn Tết nhà nội thì sợ ngoại buồn, ăn Tết nhà ngoại thì nội lại không vui, thôi thì tùy vào mỗi nếp nhà mà chị em đưa ra quyết định sáng suốt nhất.
Tuy thế, cũng có nhiều chị em đừng "ngoài luồng" dư luận, bảo chủ đề này đã lỗi thời, ai đời cứ có chuyện ăn Tết ở đâu cũng nhốn nhao, Tết ngoại cũng được, Tết nội cũng không sao, trên hết là cứ Tết ở đâu thì nhà mình ở đó.
"Tôi nghĩ chuyện cứ đặt ra vấn đề phải đón Tết nhà nội hay đón Tết nhà ngoại là chuyện… dở hơi. Với tôi, Tết là nhà mình! Mình ăn Tết ở đâu thì nhà mình ở đó, nội hay ngoại chả phải đều là nhà mình sao, khó khăn câu nệ chi cho mất vui đôi ba ngày xuân.", đó là dòng tâm sự của chị Anh Vân khi được hỏi về vấn đề ăn Tết ở đâu, chị kể mỗi năm Tết với chị không có gì phải nhọc công mà đau đầu như chị em khác.
"Tôi nghĩ chuyện cứ đặt ra vấn đề phải đón Tết nhà nội hay đón Tết nhà ngoại là chuyện… dở hơi." (Ảnh facebook nhân vật)
"Là vì, nhà ngoại mình cách nhà nội có… 4 tầng lầu thôi! Mình ăn Tết nhà nội 10 năm rồi nhưng ông bà ngoại cũng không buồn mấy, vì rảnh là đã thấy con cháu lên chơi rồi. Đêm 30 đã lên xông nhà ông bà ngoại, chúc tụng vui vẻ rồi. Đấy cũng là cái phúc phần của mình, được lấy chồng gần, không mấy người được như thế. Nên chuyện Tết nội – Tết ngoại không phải là vấn đề lắm! Nên chắc bí quyết đầu tiên mà mình muốn chia sẻ với các cô gái chưa chồng mà không muốn đau đầu dịp Tết là nên kiếm anh nào gần nhà mà yêu, mà cưới!", chị Anh Vân cười nói.
Chị Anh Vân cùng chồng (Ảnh facebook nhân vật)
Nói thì nghe đơn giản, nhưng cũng không phải là không có xung đột đâu, "kiếm anh nào gần gần" là cả một quá trình chọn lựa gắt gao nhưng gần làm sao để dung hòa được ý muốn của mình và ý muốn của bố mẹ chồng thì lại là một vấn đề khác.
"Em dâu mình ở cách nhà nội 30km. Thường ăn Tất niên vào buổi trưa ngày 30 Tết. Sau đó mới lại về Hà Nội để ăn Tất niên nhà nội vào buổi tối 30 Tết. Nhà mình dù ở ngay gần, nhưng mẹ chồng cũng nhất định phải ăn Tất niên vào tối 30 Tết, chứ không ăn buổi trưa. Nên cũng có 3 năm trời mình không được ăn Tất niên nhà ngoại. Bố mẹ mình cũng không phàn nàn gì đâu, nhưng mình vẫn muốn được ăn Tất niên cả 2 nơi như em dâu mình nên cũng phải mất công "nịnh" mẹ chồng đến 3 năm mới dời được bữa cơm Tất niên lên buổi trưa, để buổi tối lên nhà ông ngoại ăn Tất niên đấy! Cho nên là mình nghĩ, chả có gì là không thay đổi được đâu, chắc chỉ cần mình khéo nịnh chút!"
"Chả có gì là không thay đổi được đâu, chắc chỉ cần mình khéo nịnh chút!" (Ảnh facebook nhân vật)
"Thiên thời địa lợi" từ gia đình, từ chồng con nên chị hào hứng khi Tết về lắm, chị bảo mình yêu Tết cực kỳ bởi vì… không phải làm gì hết, chỉ việc hưởng thụ. Mới đây chị Anh Vân cũng có chia sẻ một dòng tâm sự thể hiện tinh thần yêu Tết cuồng nhiệt của mình trên trang mạng cá nhân để tạo cảm hứng cho chị em bè bạn.
"Em là đứa đặc biệt yêu Tết! Là vì em có mẹ đẻ ít cầu kỳ, có mẹ chồng khéo, có em dâu đảm. Tết, mẹ đẻ em lo hết cả chuyện về quê, mừng bà ngoại em đã hơn 100 tuổi. Mẹ chồng em lo hết cả chợ búa nấu cỗ, thịt đông chắc, giò thủ ngon, măng lưỡi lợn giòn, miến dong mềm dẻo. Em chả phải dúng tay việc gì chỉ việc xơi. Em dâu em giỏi việc nước đảm việc nhà lo từ món bắp bò ngâm mắm cho em nhắm, lẫn hoa đẹp đèn màu cho em ngắm. Em chỉ việc thưởng cũng không phải mó gì. Năm nay, em đã huấn luyện được cả "trâu già" lẫn "nghé non" giúp em dọn nhà dọn cửa nên em cũng lại có mỗi việc chỉ tay năm ngón không có phải bận chi. Nên rút lại là em chỉ còn mỗi việc đi mua lá mùi về tắm là rảnh rang đón Tết... Nên rốt cuộc, em yêu Tết cực! Các mẹ, hãy như em!"
Vì cái câu chuyện yêu tết cuồng nhiệt,nhiều người bảo chị Anh Vân sao lười biếng quá (Ảnh facebook nhân vật)
Cũng vì cái câu chuyện trên mà nhiều người bảo tại sao chị Anh Vân là phụ nữ, cũng là phận dâu con đàn bà mà… làm biếng quá vậy? Chị Anh Vân lại cười nói: "Thực ra thì mình cũng không đoảng quá như vậy, đó là tự trào cho vui và cũng bớt áp lực thôi. Chứ phụ nữ mà, ai cũng phải lo Tết nhất, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chồng con, nội – ngoại, quà cáp… Nhưng có điều mình xem tất cả những điều đó là niềm vui, và mình không câu nệ phải làm thế này hay thế khác. Không có hoa đào thì mình chưng hoa khác. Không có rượu ngoại thì mình uống bia. Quà cho nhà ngoại thì mình để ông chồng lo, có thế nào vui thế đó, bố mẹ mình không bao giờ so đo gì. Mọi thứ ở nhà chồng thì mẹ chồng mình sắm sửa hết, cho theo ý bà, mình có sao thì hưởng vậy, cũng không câu nệ phải có cái này hay cái kia mới thành Tết".
"Cuộc đời có đi qua mấy cái Tết đâu mà phải khổ sở như vậy. Tết là để vui mà!" (Ảnh facebook nhân vật)
Với chị Anh Vân, "hưởng thụ" là tận hưởng Tết như mấy chục năm nay, từ nhỏ tới lớn chị đã từng trải qua, thời nào thì vui theo thời nấy, lúc nhỏ thì tận hưởng niềm vui con nít, chưa lấy chồng thì hưởng thụ những cái Tết thanh xuân, còn bây giờ có chồng con thì hưởng thụ tình cảm gia đình. Đôi khi, "phụ nữ chúng mình cứ vất vả quá, cứ phải lo trước lo sau, vừa lòng người này, không vừa lòng người khác mà thành ra khiến chuyện Tết nhất thành nặng nề quá! Cuộc đời có đi qua mấy cái Tết đâu mà phải khổ sở như vậy. Tết là để vui mà!", chị Anh Vân chia sẻ.
Nhưng chị cũng công nhận, một phần tâm thế phụ nữ nên tận hưởng như vậy nhưng có thật sự được tận hưởng hay không, nó lại thì nó phụ thuộc rất nhiều vào chồng và gia đình chồng. Người ta thường nói phụ nữ tài hoa không bằng may mắn. Phận đàn bà sợ lấy chồng xa, không gần gũi bố mẽ ruột thì Tết nhất, có muốn về nhà mà di chuyển khó khăn quá, nhiều chị em lại thôi. Lại nữa, ai lấy được anh chồng biết hiểu chuyện, bố mẹ chồng tâm lý thì khi Tết đến xuân về chị em cũng đỡ đau đầu hơn một chút, bởi nếu chồng quản thúc, mẹ chồng hoạnh họe nặng nhẹ là chị em sẽ đón một cái Tết buồn ngay.
Gia đình nhỏ của chị Anh Vân (Ảnh facebook nhân vật)
"Tôi cũng may mắn thật nhưng đôi khi cái may mắn là do tôi tự chọn lựa cho mình chứ không phải phó mặc cho số phận. Chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại chỉ là 1 chuyện trong rất nhiều nhiều chuyện mà các cặp vợ chồng gặp phải và dễ tạo ra xung đột, nhiều khi rất khó để giải quyết. Chắc là trước khi cưới nhau, các cặp đôi nên tạo một check list các vấn đề dễ xung đột Nội – Ngoại mà đồng thuận với nhau trước đi. Ăn Tết một năm nhà nội, một năm nhà ngoại, một năm không thèm về nhà ai hết, hai vợ chồng nắm tay dắt mấy đứa con đi du lịch chẳng hạn, cũng hay đó chứ. Cứ vợ chồng đồng thuận yêu thương nhau thì bà nội có hờn một tí, bà ngoại có dỗi một tẹo, thì cũng tìm ra cách xoa dịu cả thôi! Mẹ chồng hay mẹ ruột ai cũng đã từng trải qua quá trình làm dâu, làm con nên mình tinh tế xíu là họ hiểu ngay thôi mà."
Công bằng mà nói thì mọi thứ đều do phụ nữ chọn hết, sướng khổ là do mình. Mà để chọn được như vậy chị em phải điềm nhiên nhìn quanh cái đã, tinh tế một chút để mạnh tay cầm cái kéo mà cắt phăng những nút thắt muộn phiền lo lắng dở hơi đi, chứ đừng vì cái nút thắt đã bị cột gút lại rồi thì có ngồi đó mà cả ngày, lo gỡ ra cũng chỉ tổ bực tức.
Tết đã về trước hiên nhà rồi, sao chị em còn chưa chịu vui? (Ảnh internet)
"Tôi nghĩ mấy vấn đề này cũng phụ thuộc vào chồng và gia đình bố mẹ chồng, nếu hên chị em sẽ có cái Tết hạnh phúc sướng vui, nếu xui thì cũng… không sao, vẫn có thể có được như ý nếu chị em tâm lý một chút, thủ thỉ với mẹ chồng đôi lời, nhõng nhẽo với chồng đôi ba câu thì khó cỡ nào, chồng và gia đình chồng cũng tạo điều kiện cho các cô thực hiện ý muốn ngay, nếu không được nữa thì tập cách tận hưởng Tết ở nhà chồng luôn chứ sao, cãi lại thì ồn ào mất vui, rồi qua Tết thì tới lui nhà bố mẹ đẻ cũng đâu có muộn, dễ ợt mà. Tết có mấy ngày đâu chị em ơi!"
Đấy, cứ tùy vào hoàn cảnh mà nương theo đó để tự tạo cho mình những niềm vui nho nhỏ. Bố mẹ ruột ở nhà cũng hiểu mà, gả con theo chồng bao nhiêu năm, về thăm bao nhiêu lần rồi, cần gì Tết phải bắt vợ chồng cháu chắt kề bên phụng sự, hiếu thuận là được, không đòi hỏi phải ở bên, chứ còn không thuận thảo thì có bảo về ở luôn, bố mẹ chẳng thấy hạnh phúc gì đâu nhé!
Bữa cơm tất niên, dọn dẹp nhà cửa, lấy chồng xa, đi du lịch, gia đình chồng, cơm tất niên, ăn tết nhà chồng, Tôi yêu Tết