Đời sống

Ước mơ ngày cuối năm của cậu bé mang căn bệnh thế kỷ ở trung tâm tâm thần

Cha đi biệt tích, mẹ để lại căn bệnh hiểm nghèo cho em trước khi về thế giới bên kia. Bất hạnh chồng bất hạnh khi bi kịch cuộc đời biến em thành một đứa trẻ dễ kích động, lúc tỉnh lúc mê…

Đến Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức (Trung tâm) một sáng cuối năm, tôi được tiếp xúc với nhiều mảnh đời khác nhau đón Tết xa nhà. Họ đa phần là những người không tuổi không tên, được đưa vào đây khi trái gió trở trời, giữa lúc vất vưởng phố phường bằng bước chân vô định. Trong tâm khảm họ, cha mẹ, người thân là cái gì đó thật mơ hồ, nằm trong khát khao và giấc mơ cháy bỏng. Với những người đã xác định được nhân thân, nỗi đau càng chất chồng hơn khi câu chuyện của họ được phơi bày qua lời kể trọn vẹn. Cậu bé mà tôi gặp hôm ấy là một trường hợp như vậy.

Bất hạnh từ trong bụng mẹ

Cô điều dưỡng dẫn tôi qua khu vực cách phòng y tế chỉ vài bước chân. Đứng trước chiếc cửa rào sắt dày, cô lớn tiếng gọi: "S. ơi, lại đây con". Cậu bé đen nhẻm, hớt đầu cua từ từ tiến lại. Khi S. đã đối diện chúng tôi, một nhân viên y tế khác đến thay thế, cầm theo xâu khoá nhiều chìa.

Ước mơ ngày cuối năm của cậu bé mang căn bệnh thế kỷ ở trung tâm tâm thần - Ảnh 1.

S. vừa chuyển qua trung tâm không lâu.

Cánh cửa rào sắt mở ra. Đôi mắt lờ đờ đang nhìn xuống đất nãy giờ bất ngờ ngước lên. Tôi thoáng giật mình, lùi xéo sang bờ tường phía tay phải. Trước mặt tôi là cậu bé nhỏ nhất ở "trại" này. Em cũng là một trong những đứa bé mang căn bệnh thế kỷ HIV.

Ước mơ ngày cuối năm của cậu bé mang căn bệnh thế kỷ ở trung tâm tâm thần - Ảnh 2.

S. 13 tuổi, quê Kiên Giang. Em bị lây căn bệnh hiểm nghèo từ chính mẹ ruột của mình. Ngày S. chưa lọt lòng, cha em đã biền biệt trên những chuyến hải trình, bỏ hai mẹ con S. cho bà ngoại già tội nghiệp. Năm S. lên 5 tuổi, người mẹ qua đời. Ít lâu sau, bà ngoại quyết định đem S. gửi lên Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (quận Thủ Đức, TP.HCM) chữa bệnh.

Ước mơ ngày cuối năm của cậu bé mang căn bệnh thế kỷ ở trung tâm tâm thần - Ảnh 3.

Vì dễ kích động, S. được sắp xếp cho ở riêng với một bạn cùng chuyển từ Trung tâm Linh Xuân sang.

BS. Lương Thị Phượng, Trưởng phòng y tế Trung tâm cho biết: "Theo hồ sơ từ phía Trung tâm Linh Xuân chuyển sang, năm lên 10 tuổi, S. được phát hiện có dấu hiệu loạn thần, hay tự gây tổn thương bản thân. Thậm chí có lần quá kích động, em còn đòi nhảy lầu". Có lẽ vì lý do này, S. được chuyển sang trung tâm tâm thần.

Nhưng mới chuyển đến chỗ điều trị bệnh mới, S. lại "gây chuyện". Mấy hôm trước, trong giờ ăn trưa, S. bất ngờ bẻ chiếc đĩa nhựa tự đâm vào cánh tay mình. Thấy em gặp nguy hiểm, bạn cùng "trại" chạy lại can ngăn cũng bị cậu bé đâm trúng. Hậu quả là trung tâm gặp một phen hoảng sợ, một số bệnh nhân tâm thần bị trầy xước cũng được đưa đi khám để phòng ngừa việc phơi nhiễm.

"Con muốn ăn cơm sườn mẹ nấu"

Đó là tất cả những gì tôi biết trước khi đối diện cùng S. Tôi cố gắng bắt chuyện với em bằng sự gần gũi nhất có thể. Ánh mắt cậu bé dần dãn ra khi cầm lấy chiếc điện thoại của tôi, say sưa với trò chơi xếp hình.

Và em kể về những ngày được đi học. Ngộ thay, kỷ niệm đến trường của em lại là những trận đá bóng, những giờ tung tăng dưới hồ bơi. Trong mắt S., cái khoảnh khắc được hoà mình vào chúng bạn, sút tung tưới đối phương trong tiếng vỗ tay tung hê là lúc mà em thấy sung sướng nhất.

Nhưng khi hỏi về mẹ, bất chợt cậu bé lại hướng ánh nhìn xa xăm. Trong lời kể đứt quãng vì lúc nhớ lúc quên là những cái gãi đầu liên tục từ S.

Ước mơ ngày cuối năm của cậu bé mang căn bệnh thế kỷ ở trung tâm tâm thần - Ảnh 4.

Ở nơi mới, S. không có bạn đồng trang lứa để chơi chung, nên không cảm thấy thoải mái.

"Mẹ con thương con lắm. Hồi nhỏ mẹ hay nấu món cơm sườn. Con muốn ăn cơm sườn mẹ nấu. Con muốn Tết này được về quê, ngoại dẫn con vô chùa mẹ con nằm, có hủ cốt của mẹ. Con chưa vô đó lần nào hết…".

S. nói chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn. Không còn can đảm hỏi thêm câu nào, tôi lặng yên quan sát cậu bé. Cặp mắt em vẫn sáng bừng, những đường nét ngây thơ như bao đứa trẻ khác vẫn hiện hữu. Tôi không thể mường tượng cảnh S. kích động tự làm tổn thương mình khi ngắm nhìn gương mặt ấy.

Ước mơ ngày cuối năm của cậu bé mang căn bệnh thế kỷ ở trung tâm tâm thần - Ảnh 5.

S. nói luôn nhớ về những tháng ngày được đi học, được chơi đá bóng cùng các bạn.

Ước mơ ngày cuối năm của cậu bé mang căn bệnh thế kỷ ở trung tâm tâm thần - Ảnh 6.

Đôi lúc em cũng sang giao lưu với các bạn phòng bênh cạnh.

Gọi theo số điện thoại mà Trung tâm cung cấp, tôi liên lạc được với bà H. (66 tuổi, ngoại em S.) khi bà đang hì hục với xe bánh mì không giữa chợ Rạch Giá (Kiên Giang). Mười mấy năm nay, đó là nguồn sống, duy nhất để bà có thể cầm cự, nuôi sống cho đứa cháu trai bé bỏng. Bà kể, hồi mới đưa cháu lên Sài Gòn, dù có bận bịu đến mấy, tháng nào bà cũng bắt xe đò lên coi cháu có mạnh giỏi hay không. Mấy năm gần đây buôn bán ế ẩm, bà lại bị tai nạn ở chân, nên khoảng thời gian bà H. thăm S. ngày giãn dần.

"Tội nghiệp thằng nhỏ, mới sinh ra đã mang bao điều bất hạnh. Nhiều người khuyên bỏ nhưng bỏ làm sao được, nó là núm ruột duy nhất của con gái tôi mà" – bà H. chia sẻ.

Ước mơ ngày cuối năm của cậu bé mang căn bệnh thế kỷ ở trung tâm tâm thần - Ảnh 7.

Rồi Tết này, S. có được ngoại dẫn ra khỏi cánh cổng trung tâm tâm thần để về quê thăm mẹ hay không?

Khi tôi nói về mong muốn của S., bà H. ngừng giọng một lúc lâu. Rồi cuộc gọi cũng đứt quãng khi bà lão đang bán vội, cúp máy. Câu hỏi lấp lửng ấy đến giờ vẫn chưa có lời giải, dù cánh cửa khu nhà S. ở khoá lại đã lâu. Nó cũng mông lung như bệnh tình và tương lai của cậu bé. Biết Tết này em có đủ sức khoẻ để về nhà, hay lại mài tuổi thơ trong bệnh tật và bốn bức tường lạnh lẽo.

Nhiều khi ước mơ chỉ là mơ ước…

aFamily

bất hạnh, cậu bé, trung tâm tâm thần, ước mơ cuối năm


      © 2021 FAP
        4,304,206       172