Những bến neo đậu tạm bợ mùa Tết vừa là nguồn sống, vừa là niềm vui cho những người đã trót mang kiếp thương hồ.
Nhắc đến chợ hoa kiểng Tết trên sông, người ta thường nghĩ ngay đến bến Bình Đông (Q.8), nơi được xem là "vựa hoa ghe" lớn và lâu đời vào bậc nhất Sài Gòn với gần 300 năm lịch sử. Nhưng cách đó không xa cũng có những vựa hoa trên ghe khác. Tuy không bề thế, cổ xưa bằng bến Bình Đông chính hiệu, những bến Bình Đông "mini" này cũng rộn ràng, rực rỡ trong không khí mùa xuân, nuôi sống những người dân miền Tây chân chất phải tha phương cầu thực, mong có một năm mới đủ đầy.
Cách trung tâm Sài Gòn khoảng 30km, từ nhiều năm nay, khu vực cầu Ngang (phường Lái Thiêu, TX Thuận An, tỉnh Bình Dương) trở thành nơi tập kết của nhiều chủ cây kiểng miền Tây khi rất nhiều loại hoa Tết được vận chuyển lên để chờ tiêu thụ trong lễ hội hoa xuân mà địa phương tổ chức.
Ngay từ những ngày 19-20 âm lịch, các ghe hoa từ miệt Chợ Lách (Bến Tre) đã cặp bến, mang theo đủ loại sắc màu, từ truyền thống như hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa mai đến cây kiển hiện đại như ớt, hoa giấy, hoa đồng tiền, màu gà…
Chị Sớm (48 tuổi) cho biết đã lên từ hôm 20 tháng Chạp. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa Tết chị cùng chồng và hai đứa con ngược xuôi 15 tiếng đồng hồ để mang cho bằng được hoa lên thành phố bán. "Năm nay bán chậm quá, ớt và hoa giấy mới bán được vài cây, chắc bán luôn đến chiều 30 mới về" – chị chia sẻ.
Chú Hưng (58 tuổi, quê Bến Tre) mệt mỏi sau một chuyến hành trình dài. Ngồi trên ghe phì phò điếu thuốc, chú kể: "Tôi bán ở đây được 6-7 năm nay, nhưng đi ghe hoa Tết thì lâu lắm rồi. Năm nào cũng đến trưa mùng 1 mới về nhà, hết Tết lại đi chở xơ dừa cho người ta. Riết rồi cũng quen, lời không được bao nhiêu tiền nhưng không đi là nhớ".
Vì hoa đã vận chuyển trên đoạn đường dài sông nước, nên những người bán như chú Sự (57 tuổi) phải liên tục tưới nước để giữ cho hoa được tươi nhất có thể. Điểm thuận lợi của việc đi ghe là có thể tận dụng luôn nguồn nước sông.
Với nhiều thương hồ ngày Tết, nguồn nước giàu phù sa kia còn là thứ duy trì nguồn sống, từ tắm táp, giặt giũ đến nấu nướng, soi mình. Sông nước từ lâu đã gắn chặt với cuộc đời của họ.
Khác với thương hồ chợ nổi, những người chủ ghe ngày Tết dường như không quá đặt nặng vấn đề "lời lỗ". Nó đúng nghĩa là một cuộc du xuân, dạo chơi quên ngày tháng, để rồi ngày đầu năm lại trở về quê nhà ăn Tết. Họ dắt díu cả gia đình đi theo với một tâm thế đầy thoải mái.
Tại khu vực chợ đêm Bạch Đằng (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), hơn chục chiếc ghe hoa cũng đã đậu dài như bao mùa xuân trước. Nơi đây có bờ sông rộng nên ghe cũng lớn hơn, nếu ngại đem lên bờ, người bán cũng có thể để luôn hoa trên ghe rồi chờ khách đến lựa.
Gia đình cô Lê Thị Ánh Tuyết (55 tuổi) đem hoa lên đây bán đã hơn 10 năm. Cô nói dù biết việc buôn bán này khá vất vả, phải đi đường dài, lại đầy rủi ro từ việc cây mất giá, nhưng năm nào cứ thấy người ta hì hục chuẩn bị hoa đưa lên ghe là cô và chồng cũng chộn rộn. Vậy là bất chấp tất cả, họ cũng phải đi "cho có với người ta".
Nhiều gia đình chọn nấu nướng luôn trên ghe để tiết kiệm chi phí. Bữa cơm của họ đơn giản mà đủ đầy sự ấm cúng, khi xung quanh là mùi hoa thơm ngào ngạt.
Cô nói, nghề bán hoa Tết lệ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Mấy ngày trước trời bỗng đổ mưa, sợ hoa nở sớm rồi nhanh tàn, cô lo lắng đến mất ăn mất ngủ. "Mấy bữa nay có đứa cháu ngoại theo cha lên phụ nên tôi cũng bình tĩnh lại phần nào".
Đứng cạnh những chậu tắc (quất) kiểng, chú Minh (57 tuổi) nhớ về thời xa xưa: "Hồi mới 8-9 tuổi, tôi đã theo cha đi bán hoa ở bến Bình Đông, khung cảnh náo nhiệt lắm. Sau này vì thời thế đổi thay, sau khi cha mất, tôi thay cha tiếp quản ghe, trôi dạt về miệt Bình Dương buôn bán. Nơi đây không sầm uất như Sài Gòn nhưng yên bình hơn. Giờ tôi già rồi, cái nghề chẳng mấy chốc sẽ truyền lại cho các con".
Trời chập choạng, những người chủ ghe vận quần dài để lên bờ ngồi chờ khách đến. Với họ, đêm tối lại chính là thời khắc mang lại hi vọng đầu năm nhiều nhất.
Thông thường với những ghe đông người, phụ nữ và trẻ con sẽ được ưu tiên ngủ trên ghe, còn đàn ông tự tìm cho mình một chỗ ngả lưng trên bờ. Đã quen kiếp lênh đênh rày đây mai đó nên họ xem đó chỉ như chuyện cỏn con, không đáng bận tâm.
Ngày Tết đã cận kề, những chiếc ghe hoa rồi cũng dần rời bến. Nó mang theo hi vọng có một cái Tết đủ đầy, gieo rắc hương xuân khắp đất trời sông nước. Rồi những người chủ vườn lại cặm cụi chăm sóc cho từng cây mai, đọt bông giấy, để đến mùa Tết năm sau, vợ chồng con cái lại dắt díu nhau mang hương sắc cỏ hoa đến cho đời.
ghe hoa, Tết, thương hồ, bến Bình Đông "thu nhỏ"