Đã thành thói quen, 6h sáng trước số nhà 128 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, người dân từ già đến trẻ đều kiên nhẫn chờ gánh tàu hũ của cô Dung được dọn ra. Người mua mang đi, người ngồi lại chậm rãi thưởng thức chén tàu hũ nước đường nóng hổi, thơm ngon.
Đã lâu lắm rồi, tiếng rao "Ai tàu hũ hônnnn?" dần bị quên lãng ở Sài Gòn. Hình ảnh những người phụ nữ đội nón lá, mang guốc mộc với đôi quang gánh tàu hũ trên vai chậm rãi đi vào từng con hẻm và cất tiếng rao quen thuộc ấy, đã từng là sự ngóng chờ của bao nhiêu đứa trẻ thành phố.
Và cái hình ảnh mộc mạc, với những chén tàu hũ nước đường đặc quánh, sóng sánh lớp dừa cốt bên trên, đã xuất hiện trong một clip vô cùng đáng yêu về Sài Gòn những ngày qua.
Đoạn clip được đăng tải trên Fanpage EMagazine đã thu hút gần 6 nghìn lượt thích và hơn 5 nghìn lượt chia sẻ, trong clip, cộng đồng mạng đặc biệt chú ý đến gánh tàu hũ của người phụ nữ quê Quảng Ngãi. "Cô bán ở đây trên hơn 30 năm rồi đó con, ở dưới quê cô khó làm ăn lắm nên cô lên đây đi bán tàu hũ, tuy nó cực nhưng dễ kiếm tiền hơn ở quê. Có mấy chú thuở nhỏ hay ra đây ăn, giờ vẫn ăn, nhưng nhắc cô ngồi sát vô lề thôi...", những chia sẻ chân thành của cô gánh tàu hũ trong đoạn clip khiến nhiều người tò mò và râm ran hỏi nhau địa chỉ.
Chén tàu hũ thơm ngon, sóng sánh nước cốt dừa bên trên, là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người Sài Gòn.
3 ngày sau khi đoạn clip được truyền tay nhau, gánh tàu hũ của cô Dung cũng được nhiều người biết hơn. Khi chúng tôi quay lại, cô ngại ngùng chia sẻ: "Trời ơi mấy nay người trong xóm cứ chọc cô hoài à, họ nói cô được lên ti-zi đó con, mà cô đâu có biết gì đâu. Cô có sao nói vậy thôi à, rồi tự dưng người ta đến ăn nhiều hơn, nói rằng thấy mình trên mạng, làm cô ngại gì đâu...".
Những gánh tàu hũ truyền thống như thế này ở Sài Gòn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, đó cũng là lý do người ta muốn tìm đến những gánh hàng còn sót lại để thưởng thức chén tàu hũ tuổi thơ này.
Gánh tàu hũ của cô Dung lúc nào cũng tấp nập khách từ 7 giờ sáng.
Sự nồng hậu, đôi mắt hay cười và cái cách mà cô Dung trò chuyện với từng vị khách ghé ăn, chính là thứ khiến người ta vương vấn gánh tàu hũ của cô. Cô Dung năm nay đã 60 tuổi, cô nói, đi bán chỉ cho vui chứ thực chất cuộc sống của cô khá thoải mái, có con, có cháu đều là người thành đạt. Nhưng vì đã quen với góc đường này suốt 30 năm qua, giờ bỏ "nghề", cô không đành.
"Hồi mấy chục năm trước cô vô đây bán, người ta chỉ cách nấu mà cô nấu hư hoài, lỗ hoài. Cô nấu hư hay dở là cô bỏ chứ không có bán cho khách. Lâu dần mình học được cách nấu riêng nên buôn bán đắt khách lắm. Có mấy người nước ngoài cũng ghé ăn, Việt kiều về nước cũng nhắn với cô là phải ngồi đây bán chứ đừng có đi đâu, kẻo họ thèm tàu hũ mà tìm không thấy", cô Dung chia sẻ.
Nhờ sự gần gũi, cách trò chuyện thân tình của cô Dung mà các khách quen ngày nào cũng ghé đến.
Để có được nồi tàu hũ nóng thơm mùi lá dứa cùng nước đường đặc sệt, ngọt thanh, cô Dung bắt đầu các công đoạn chế biến từ 0h đêm. Lấy đậu nành đã ngâm cả ngày hôm trước, cô xay nhuyễn với lá dứa rồi đem đun nước đậu. Để nồi nước đậu không bị khê, cô phải dùng tay khuấy đều liên tục, sau đó cô cho lá gelatine vào và đặt tàu hũ vào tủ mát để sánh lại. Tiếp theo, cô nấu nồi nước đường với gừng, cuối cùng là chế biến nước dừa. Tất cả những khâu nấu nướng này cũng mất cả đêm. Đến 5 giờ sáng, khi mọi thứ đã xong, cô mới tất bật nhờ con trai chở ra vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng để bán.
Nồi tàu hũ sánh mịn, thơm mùi lá dứa.
Cô Dung có hai người con đều đã lớn, con gái đầu của cô 37 tuổi, hiện là chủ một tiệm cơm, còn con trai kế là trưởng phòng tại công ty về công nghệ. Riêng chồng cô vì phải ở quê nhà chăm sóc mẹ già nên không thể vào Sài Gòn cùng mấy mẹ con.
Dù vào Sài Gòn đã lâu nhưng cô Dung vẫn luôn nhớ về vùng quê nghèo xứ Quảng của mình. Cô nói, ở quê cô có vườn rau, ao cá, không khí trong lành và yên bình lắm. "Có mấy người bạn khuyên cô bán nhà ở quê đi rồi vào Sài Gòn mua đất, cất nhà. Nhưng cô không bán vì cô muốn vẫn còn một quê hương để về thăm mẹ cha, tảo mộ ông bà. Ở Sài Gòn cô sống không bon chen nên thong thả lắm, mấy chục năm nay mẹ con cô ở nhà trọ cũng đâu vấn đề gì. Nhà trọ có máy lạnh, có phòng đầy đủ tiện nghi, như vậy là đủ rồi", cô cười.
Nước đường được cô Dung chế biến theo bí quyết riêng nên ngọt thanh, sánh đặc, có sự khác biệt so với những gánh tàu hũ còn sót lại ở Sài thành bây giờ.
Tàu hũ nóng hổi, thơm mùi nước gừng ngào ngạt, cô cho vào hộp nhựa để khách mang đi.
Một buổi sáng, cô Dung bán gần 200 chén tàu hũ, mỗi chén chỉ có giá 5.000 đồng. Hơn 30 năm trước, giá một chén tàu hũ của cô chỉ 1.000, 2.000 rồi cuối cùng là lên 5.000 đồng. "Cô nghĩ bán 5.000 đồng là được rồi, không lời nhiều nhưng vẫn có khách, cô quyết không lên giá nữa vì có mấy đứa sinh viên hay đến ăn, bán đắt quá tội tụi nhỏ", cô cho biết.
Một buổi sáng trong lành như thế, gánh tàu hũ của cô Dung tiếp rất nhiều khách, có các cô chú xe ôm, vé số, có mấy người chủ nhà ở khu vực đó cũng mang chén mang ly ra mua mấy phần tàu hũ, có nhân viên văn phòng tranh thủ ghé đến ăn một chén tàu hũ nóng cho đỡ "ghiền" rồi tất bật đi làm. Không khí rộn ràng cho đến hơn 9 giờ thì lượng khách ngơi bớt, lúc này nồi tàu hũ của cô Dung cũng đã gần hết.
Khách quen của cô Dung đủ mọi lứa tuổi từ già đến trẻ, từ dân văn phòng đến người lao động, bà nội trợ...
Mọi người đều rất nhớ và rất thích hương vị của những chén tàu hũ kiểu "cổ điển" này.
Bán hết nồi, cô lại đón xe ôm về lại nhà trọ phía chân cầu Điện Biên Phủ để nghỉ ngơi. Đến chiều cô đón cháu nội về nhà, lo ăn uống, tắm rửa, sau đó cô ngủ một giấc đến đêm thì thức dậy nấu tàu hũ cho buổi hôm sau đi bán.
Có người ngồi lại ăn, có người mua bịch, mua hộp đem đến cơ quan, trường học để thưởng thức.
Nhiều người mua tàu hũ bịch mang về.
Mỗi ngày cô bán hàng trăm bịch sữa đậu nành như thế này, sữa không đường giá 3.000 đồng/bịch, sữa có đường 4.000 đồng/bịch.
Một chén tàu hũ nước đường nóng hổi chỉ 5.000 đồng.
Cô Dung nói rằng cô không quan trọng bán đắt hay ế, chỉ mong mọi người luôn dành tình cảm cho gánh tàu hũ của mình. "Đến đây với cô bằng cái tình, ngồi trò chuyện san sẻ với nhau, là đủ vui rồi con à", cô cười.
sài gòn, phụ nữ, tàu hũ