Không màu mè hoa mĩ, không chạy theo lồng đèn điện, những người làm lồng đèn truyền thống ở xóm Phú Bình vẫn miệt mài từng ngày, để lưu giữ lại những gì tinh túy nhất của những chiếc lồng đèn giấy kiếng xưa mà thế hệ cha ông đã để lại.
Những ngày này, xóm lồng đèn Phú Bình (quận 11, TP. HCM) lại nhộn nhịp hẳn lên vì đang trong giai đoạn nước rút để chuẩn bị đón một mùa trung thu nữa lại về. Mặc dù những hộ gia đình làm lồng đèn giấy kiếng truyền thống ở xóm này không còn nhiều như trước, nhưng đâu đó người ta vẫn thấy không khí tươi vui hơn mỗi lần bước chân vào đây.
Mùi tre nứa, mùi sơn, mùi giấy kiếng vẫn phảng phất đâu đó trong con xóm này như muốn níu chân người ở lại, khiến cho chúng ta như trở về tuổi thơ...
Trải qua hơn 6 thập kỉ tồn tại với biết bao thăng trầm, làng lồng đèn truyền thống Phú Bình vẫn còn đó, vẫn âm thầm lưu giữ nét xưa.
Cô gái đang phơi tre nứa, nguyên liệu chính làm lồng đèn thủ công.
Để cho ra sản phẩm lồng đèn hoàn chỉnh bán ra thị trường thì phải trải qua nhiều công đoạn trong đó quan trọng nhất là tạo khung hình, thường rất kì công và mất nhiều thời gian.
Đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ có nhiều năm trong nghề làm lồng đèn truyền thống. Hầu hết những gia đình ở xóm Phú Bình đều có khoảng 3 đời làm lồng đèn truyền thống.
Một lồng đèn hình chú gà trống vừa được gia đình ông Nguyễn Mạnh Tùng - có truyền thống 3 đời làm lồng đèn hoàn thành. Vì số lượng đặt hàng nhiều trong mùa trung thu nên việc dán giấy kiếng phải mang tới một gia đình khác thực hiện.
Cứ mỗi mùa trung thu về là ông Hỷ Đảo Sáng (63 tuổi) cùng các con lại tất bật với công việc dán giấy kiếng để kiếm thêm thu thu nhập.
Mỗi một chiếc lồng đèn được dán xong ông lấy tiền công 1.500 đồng.
Sau khi dán giấy kiếng đến công đoạn vẽ trang trí cho lồng đèn thêm nhiều màu sắc. Tại gia đình ông Tùng, công đoạn vẽ trang trí do chàng trai 17 tuổi tên Hữu Phúc (con trai ông Tùng) đảm nhận.
Sau thời gian đến trường Phúc thường phụ gia đình trang trí lồng đèn. Vì em có năng khiếu trong hội họa nên việc trang trí lồng đèn không hề quá khó khăn. Những nét vẽ trang trí rất điêu luyện luôn cho ra sản phẩm đẹp mắt.
Không gian của một gia đình có truyền thống làm lồng đèn giấy kiếng từ 3 đời nay luôn tràn ngập màu sắc của những chiếc đèn lồng với nhiều kích cỡ khác nhau.
Một chiếc lồng đèn hình cá hoàn chỉnh được treo lên trần nhà chờ khách đến lấy.
Mỗi chiếc lồng đèn Phú Bình phân phối cho đầu mối tại Chợ Lớn có giá khoảng 14.000 đồng/chiếc. Lồng đèn ngôi sao kích thước lớn từ 0,8 đến 1,5 mét giá hơn 120.000 đồng mỗi chiếc, loại này thường được mua về làm từ thiện cho trẻ em nghèo, mồ côi.
Nhân viên cửa hàng lồng đèn đóng gói sản phẩm để chuẩn bị giao hàng.
Đa dạng sản phẩm lồng đèn với nhiều màu sắc sắp được đem đến tận tay các em thiếu nhi.
Năm nay cũng nhiều sản phẩm mới như mèo máy Đô-rê-mon vui vẻ cũng được nhiều người đặt hàng.
Không như thời hưng thịnh có nhiều xe tải đến chở lồng đèn đi bỏ mối, những chuyến hàng bằng xe máy ở hiện tại cũng đủ để xóm lồng đèn truyền thống duy nhất ở Sài Gòn có thêm hy vọng lưu giữ một nét đẹp của chiếc đèn lồng mỗi dịp trung thu về.
tết trung thu, trung thu, lồng đèn