Đời sống

Nỗi niềm của một nữ bác sỹ "bất hiếu nhất trần đời" vì không thể có mặt khi mẹ đột quỵ

Giọng bố hối hả: "Mẹ con đang ở phòng cấp cứu, huyết áp cao quá, lên đến 220, giờ phải nhập viện gấp". Bất giác như có gì đó bóp nghẹt tim, cô thấy nghẹn ngào, nước mắt vô thức trào ra, ngấm vào môi mặn chát. Òa khóc nức nở như đứa trẻ thơ chỉ muốn chạy ngay về với mẹ. Cảm giác mình là đứa con bất hiếu nhất trần đời.

Tâm sự của nữ bác sỹ "là đứa con bất hiếu nhất trần đời"

Mới đây, những dòng tâm sự đắng chát của một nữ bác sỹ về nỗi niềm của chị khi không thể có mặt khi mẹ bị đột quỵ, cùng với đó là chuyện của một nam đồng nghiệp không thể chăm sóc bố bệnh nặng, cũng không thể có mặt trong giờ phút lâm chung đã được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Như một góc khuất, một dấu lặng trong tâm hồn những người mặc áo blouse trắng, câu chuyện có thật mà nữ bác sỹ chia sẻ lại khiến nhiều người không khỏi rưng rưng.

Chị kể: "Cô, học Y 6 năm, ra trường làm bác sĩ. Điều kiện khó khăn, phải làm xa nhà, 2 - 3 tháng về thăm một lần, chỉ kịp hỏi thăm bố mẹ vài câu, nấu bữa cơm, ôm mẹ ngủ một giấc, rồi lại đi. Thi thoảng mẹ muốn gọi cho con gái lại thôi, sợ con đang học, đang trực, đang mổ. Tết về nhà một hai ngày thì cũng biết ngủ vì mệt. Gặp gỡ bạn bè cùng trang lứa nghe lương bác sĩ lại cười, không đủ bữa liên hoan nhỏ. Chưa bao giờ thấy buồn, nghề chọn người, cô nghĩ vậy.

Tuổi thanh xuân cứ thế trôi qua, vẫn ngày ngày đi làm, vẫn trực gác. Hằng đêm trực vẫn canh giấc ngủ cho bệnh nhân. Có người gọi cô vì khó ngủ, có người vì đau đầu, đau bụng, không tiểu được...

Một đêm trực, vẫn như mọi đêm, lúc cô đang loay hoay xử trí bệnh thì nhạc chuông điện thoại reo, là mẹ, cô không nghe máy, lát sau xong việc cô gọi lại cho mẹ, đầu dây bên kia giọng mẹ có vẻ mệt: "Không có gì đâu, mẹ nhớ nên gọi thôi, mẹ không biết con trực. Thôi con làm việc đi".  Tắt máy, cô lại quay về với công việc của mình. 30 phút sau, điện thoại lại đổ chuông, là bố! Cô bắt máy,

Nhưng rồi quay về với thực tại, với bệnh nhân, lại mạnh mẽ đứng lên và tiếp tục. Bởi cô biết, là nghề Y, là con đường mà cô đã chọn, là ước mơ, là sứ mệnh...


bác sĩ
Hình ảnh một nữ bác sỹ mệt nhoài ngủ gật trên giường bệnh nhân và câu chuyện đau xót về "đứa con bất hiếu nhất trần đời" gây xúc động mạnh.

Rồi, chị kể tiếp một câu chuyện nữa: "Anh, học Y 6 năm, ra trường, làm bác sĩ. Cũng sinh ra trong gia đình nghèo khó, bôn ba, cũng xa nhà, nhưng xa hơn cô, số lần anh về nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bố anh còn trẻ, nhưng cuộc sống khó khăn, nhìn ông già hẳn, những nếp nhăn hằn trên trán. Có con trai làm bác sĩ, bố vẫn phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để trang trải và lo cho các em ăn học. Bố đau ốm nhiều lần nhập viện anh cũng không về được. Thi thoảng bố lại vào thăm, mang cho con trai ít gạo, con gà.

Mấy ngày trước mẹ anh gọi vào, nước mắt giàn dụa: "Bố bị tai biến nhập viện, nặng lắm!". Thế là anh phải sắp xếp công việc nghỉ phép về quê. Vào bệnh viện nhìn bố nằm trên giường bệnh, lòng quặn thắt, chỉ ước có thể hàng ngày chăm sóc bố như đã từng chăm sóc bệnh nhân. Nhưng rồi cơm áo gạo tiền, vì công việc còn dang dở, vì những bệnh nhân vẫn rất cần anh, thế là bố ổn hơn một tí anh lại phải khăn gói vào để làm việc.

Sáng qua còn trực, còn mổ, đến tối nhận được tin bố trở nặng, anh bắt xe về nhà, được nửa đường thì hay tin bố đã ra đi. Lần đầu tiên thằng con trai mạnh mẽ trong anh biết mất, gục mặt, nước mắt lã chã rơi. Anh về đến nhà cũng không kịp nhìn mặt bố lần cuối. Xót xa...
"

Câu chuyện thứ hai khiến lòng chúng ta quặn thắt, sự mâu thuẫn giữa những bổn phận, giữa công việc và chuyện cá nhân, sự bất lực của một người con là bác sĩ nhưng không thể chăm sóc chính cha mình, nỗi xót xa của một đứa con không thể có mặt nghe lời hấp hối của bố... nhưng những lời chia sẻ sau đây mới khiến những người ngoài nghề xúc động: "Anh và cô, đến cuối cùng vẫn trở về với công việc, gạt bỏ nỗi đau và mạnh mẽ bước tiếp. Bởi họ biết họ đã mang trên mình chếc áo blouse trắng huyền thoại là đồng nghĩa với sứ mệnh cao cả chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Họ biết dù sao đi chăng nữa, bố mẹ vẫn luôn dõi theo và ủng hộ sự lựa chọn của họ, tự hào về họ. Đây chỉ là 2 chuyện nhỏ trong muôn vàn những chuyện có thật đến rơi nước mắt trong ngành Y. Các nhân viên Y tế đang ngày đêm chiến đấu trên mặt trận sinh tử đó để giành giật sự sống từ tay thần chết. Họ để tuổi thanh xuân trôi qua trong những đêm trực dài, họ bỏ gia đình đằng sau vì các bạn.
Tất nhiên, xã hội nói chung và ngành Y nói riêng, đâu đó vẫn luôn có những mặt trái, nhưng xin đừng vì thế mà phủ nhận những gì mà họ đã hi sinh. Tại sao khi cầm một tờ giấy trắng có một vết mực nhỏ, bạn chỉ thấy vết mực mà không thấy rằng phần còn lại là cả một tờ giấy trắng tinh? Không cần xã hội tôn vinh, báo chí ca tụng, tất cả những gì họ cần chỉ là... được bình yên để tiếp tục chiến đấu
".

Dù chỉ được chia sẻ trên trang cá nhân, những dòng đầy tâm huyết này của nữ bác sỹ đã nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng và nhận được nhiều đồng cảm. Nick Nguyenchat Tamnhon xúc động bình luận bằng một bài thơ, như một lời tri ân tới những con người đang miệt mài với công việc của mình: 

"THƯƠNG QUÁ EM ƠI
Thức trắng đêm trực, em ngủ vùi
Cứu người sống lại, lòng em vui
Thấy em, lòng anh thương thương quá
Mong sao bệnh tật được đẩy lùi

Em ơi, ngày mai trời hửng sáng
Tiền không có túi, lời trái ngang
Thượng Đế nhìn em, thương em quá
Đêm đông lạnh lẽo, xuân sẽ quang

Chỉ anh hiểu em là được rồi
Cuộc đời tẻ nhạt, bạc như vôi
Đừng buồn em nhỉ, lý tưởng sống
Lý tưởng em sống,quá tuyệt vời
"

Tram Nguyen, một nhân viên y tế cũng đã chia sẻ bài viết trên với niềm xúc động: "Ở ngưỡng gần 30, vẫn có những người một balô gói ghém tất cả đồ đạc cá nhân, sáng thức dậy trước 6 giờ sáng, chạy đi chạy lại với những quãng đường xa, tối bụng đói lại cặm cụi học, cuối tuần lại làm thêm để lấy kinh nghiệm... Những con người lúc nào cũng có thể cau mày bảo "Phải xác định mục tiêu, tinh toán và chuẩn bị chứ...." nghe rất quen với những từ tiên lượng... Những con người khô như ngói, lúc gặp mặt cau có, mệt đến mức chọc cười cũng quạu vì mệt quá, cười không nổi. Cũng là những người có thể gọi điện thoại đêm vẫn mở máy, họ quen với những câu hỏi như "T đang bị.... Có trường hợp như vậy... Như vậy.... Cậu xem sao?"...

Mỗi lần muốn cúp học vì chút mệt mỏi, liếc sang người bạn lúc nào cũng đi về 20km để học, ngày đi, ngày trực, chỉ khoái một giấc ngủ thật ngon và tâm sự "Đặt đâu cung ngủ được, chỉ mỗi tật xấu lúc gọi dậy hơi quạu". Tự nhiên thấy có động lực chăm chỉ! Dù gì, vẫn thích đôi mắt sáng, sự nhiệt huyết, quyết đi theo một con đường. Và cũng mong thành công sẽ đến
".

"Khi mình đang chăm sóc bệnh nhân, sẽ có người khác chăm sóc cha mẹ mình"

Nữ bác sỹ
đã có những chia sẻ thấm thía ở trên là chị Trương Thị Phượng (27 tuổi, BS khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng). Chị cho hay, thứ bảy tuần trước là ngày  bố của một nam người đồng nghiệp trong khoa của chị mất. Chị và anh cùng trực chung một ca, nên thấy hoàn cảnh của anh, chị lại nhớ đến câu chuyện của chính mình gần 1 năm về trước. Tranh thủ vắng bệnh, chị viết đôi dòng chia sẻ cảm xúc thôi, không ngờ lại được nhiều người hưởng ứng.

Chị Phượng tâm sự, quê chị ở Huế, do tính chất công việc phải trực gác thường xuyên nên chị cũng ít về nhà. Chị nhớ lại: "Mình cũng chẳng biết diễn tả sao, chỉ nhớ cảm giác cực kỳ khó thở và xót xa. Trong khi mình thì chăm sóc cho bệnh nhân còn mẹ thì bị đột quỵ. Mẹ cha vất vả nuôi con học y 6 năm trời, đổi lại, lúc cần con nhất thì không thể có mặt. Nhưng rồi mình lại nghĩ, mình chăm sóc người khác nhưng lại có những người như mình đang chăm sóc mẹ, như một quy luật bù trừ, nên rất ấm lòng và vững tin.

Giờ mẹ đã qua cơn nguy kịch, chỉ hơi bị yếu chi một chút. Bà vẫn đang điều trị tại Huế, vẫn đi châm cứu và phục hồi chức năng. Sau chuyện đó, cuộc sống của nhà mình cũng thay đổi nhiều, mọi thứ dường nhưng ổn hơn. Mẹ cũng quen với việc nhập viện một mình, mình thì chịu khó ghé về nhà nhiều hơn một chút
".

Chị Phượng kể, chị là con ít trong gia đình có 4 anh chị em, nhà chị vốn nghèo nên không có ai, ngoại trừ chị được học hành đàng hoàng, đến nơi đến chốn. Các anh chị phải làm ăn xa vất vả, nên cũng không ai ở gần chăm sóc bố mẹ. Lúc mẹ chị đột quỵ, hầu như chỉ có bạn bè, đồng nghiệp của chị ở Huế chăm sóc bà, sau đó, anh trai chị cũng bỏ việc về nhà chăm mẹ, nên chị cũng thấy yên tâm hơn.
bác sĩ
Nhiều người ngành y không có điều kiện chăm sóc người thân yêu của mình. (Ảnh minh họa).

Nói về lý do mình chọn nghề y, chị Phượng cười: "Có bao nghề mẹ thấy nhẹ nhàng hơn, sao con mẹ lại chọn làm bác sĩ?, đó là câu hỏi của mẹ mình khi mình quyết định học nghề này. Mẹ mình bị bệnh từ lúc mình 3 tuổi, thập tử nhất sinh, sau đó nhà mình đổ nợ, cuộc sống khó khăn. Mình lớn lên, mẹ vẫn phải vào ra viện để điều trị. Nhiều lần làm người nhà bệnh nhân, hiểu cảm giác nỗi đau của bệnh nhân, của gia đình, nên mình quyết tâm trở thành bác sĩ. Có lẽ nói ra nhiều người không tin, bảo mình lý tưởng hóa, nhưng thực sự là như vậy đấy.

Riêng đối với nghề y, mình chọn nghề nhưng cũng là nghề chọn người. Mình yêu nghề này, yêu bệnh nhân, và như bài thơ mình viết tặng mẹ ngày mình mới đi học Y:
Vì tim con muốn được sẻ chia
Và con sợ khi nhìn thấy mẹ đau
Mồ hôi và những giọt nước mắt
Căn bệnh gì khiến mẹ con gục ngã
Con sẽ học và sẽ tìm ra
Hãy chờ con, mẹ nhé!
".

Chị kể, nam đồng nghiệp của chị, người đã mất cha thứ bảy tuần trước hiện tại vẫn còn ở quê. Nhà anh cũng nghèo, anh lại là con đầu, quê ở tận Nghệ An nên ít chó thời gian về nhà gặp bố mẹ. Chuyện của chị và của người đồng nghiệp chỉ là một phần nhỏ thôi trong những câu chuyện nghề, chuyện đời mà các anh chị đã gặp phải và chứng kiến. "Công việc của chúng mình thực sự rất áp lực, nhưng nhiều khi người ngoài nhìn vào ngành y, vào người làm ngành y một cách lệch lạc. Đọc báo, lắng nghe những gì nhiều người nói về chúng mình, đôi lúc cũng thấy buồn và chạnh lòng, nhưng điều đó không khiến chúng mình gục ngã, vì đã chọn, đã yêu và nguyện sống trọn vẹn với nghề rồi mà!" - nữ bác sỹ tâm tư.
aFamily

bác sĩ, bác sỹ, nữ bác sỹ, bất hiếu, áp lực, tâm sự


      © 2021 FAP
        4,019,205       416