Mới đây, quan điểm gộp Tết Nguyên Đán và Tết Tây vào thành một kỳ nghỉ lễ để tiết kiệm, văn minh lại được khơi dậy, khiến chị em "dậy sóng".
Trong những ngày "ra Giêng ngày rộng tháng dài", "Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè", Chủ tịch một công ty truyền thông lại khơi dậy câu chuyện tranh cãi chưa có hồi kết về việc gộp
Tết Nguyên Đán và Tết dương lịch làm một kỳ nghỉ lễ.
Theo vị này, những lý do quan trọng để chúng ta nên ủng hộ việc gộp Tết này là: cả thế giới đang nghỉ
Tết dương lịch, chỉ có chúng ta và một vài nước nghỉ
Tết âm lịch; Tết âm lịch kéo theo những suy nghĩ, thói quen và hành xử "âm lịch"; sau Tết, tâm lý ì của người lao động rất lớn; chúng ta đang tiến đến công nghiệp hóa nên việc ăn Tết âm lịch không còn phù hợp, sẽ cản trở kinh tế...
Quan điểm này, dầu không quá mới mẻ nhưng đã khơi lại cuộc tranh cãi "tóe lửa" trong dự luận, đặc biệt là chị em phụ nữ - những người được coi là vất vả, khổ sở nhất trong những ngày Tết dài. Hãy nghe chị em bày tỏ quan điểm của họ về việc có nên gộp ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc với ngày Tết dương lịch mà phần lớn thế giới đang kỷ niệm nhé!
Đoàn Dịu: Gộp Tết Tây – Tết Ta sẽ khiến người Việt bớt ì
Điều mọi người lo lắng nhất trong truyện "gom" hai kỳ nghỉ làm một, đó là ý nghĩa về Tết truyền thống không còn, hoặc ý nghĩa của Tết Tây cũng sẽ mất đi. Hơn nữa, khi gộp lại đồng nghĩa với việc, người ta sẽ mất đi 1 kỳ nghỉ. Mặt khác, người thành phố còn biết đến Noel, Tết Tây, chứ người nông thôn đâu để ý Tết Tây là gì. Người Việt đang công nghiệp hóa, thành thị hóa, tiến đến một xã hội tân tiến và nếp sống Tây, nhưng không phải vì thế mà nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân nông thôn không cần được cân nhắc.
Tuy nhiên, nếu gộp được mà không làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của Tết nguyên đán thì cũng chẳng sao. Thực ra, nếu gộp lại, khái niệm Tết Tây sẽ biến mất, và mọi người sẽ mặc định đó là Tết truyền thống. Vậy cũng hay, ai nghĩ là Tết nào thì nó là Tết ấy.
Theo quan điểm cá nhân của mình, gộp Tết Tây và Tết Ta cũng được vì hạn chế được rất nhiều chi phí cho nhân dân cũng như nền kinh tế. Sự thay đổi này sẽ khiến người Việt bớt ì, giảm được tình trạng uể oải khi đi làm những ngày đầu năm là chắc chắn. Thứ nhất, thời gian nghỉ Tết kiểu mới chắc chắn sẽ hơn nghỉ Tết Nguyên Đán.
Thứ hai, khi thời gian nghỉ ngắn, người ta sẽ bớt bày biện nhiều, làm gói gọn mọi thứ còn trở về với công việc. Thứ ba, tâm lý con người sẽ thay đổi và thích nghi dần với hoàn cảnh. Nghỉ về quê chơi có 5 ngày hay 1 tuần khác sẽ khác hẳn với tâm lý nghỉ 9 – 10 ngày.
Chị Đoàn Dịu ủng hộ việc gộp Tết và cho rằng, điều đó sẽ có lợi cho nền kinh tế, loại bỏ sức ì của người lao động và khiến phụ nữ thảnh thơi hơn. Quan trọng nhất, cái lợi nhất của việc gộp Tết, có lẽ chính là vấn đề kinh tế và sự giải phóng phụ nữ. Tết, phụ nữ mệt nhoài vì phải chuẩn bị thứ này thứ khác cúng lễ, tiếp đón khách khứa, đàn ông thì say xỉn.
Chưa nói đến chuyện, Tết nào các vụ tai nạn, chết chóc cũng nhiều, một phần cũng bởi say xỉn, nhậu nhẹt mà ra. Ai cũng “thả phanh” vì nghĩ rằng vẫn còn vài ngày nữa để nghỉ Tết, để hưởng thụ. Nếu thay đổi được những chuyện đó, chẳng phải sẽ tiết kiệm và “khỏe” hơn rất nhiều sao?
Theo mình, nhiều người giữ nghỉ Tết như hiện nay vì được nghỉ dài hơi. Có những công nhân 5 năm, 10 năm chưa về quê, nghỉ Tết nhiều khi là cơ hội đoàn tụ, sum họp gia đình cho hõ. Nhưng đôi khi, như vậy còn đem hại đến cho họ, vì nhiều người tích cóp cả năm, về Tết là hết sạch tiền, năm mới lại tiếp tục vỏng quay tiếp kiệm để tiêu hết.
Mỗi lần công việc mệt mỏi, áp lực, mình cũng muốn nghỉ dài ngày, nhưng suy cho cùng, nghỉ Tết nhiều chỉ làm chúng ta ỷ lại hơn thôi. Thế nên, nếu ăn Tết Ta theo Tây lịch, từ 21/12 đến 1/1 thì cũng được 7 ngày, không ngắn đâu!
Nguyễn Minh Nga: Đừng đổ lỗi cho Tết nếu phụ nữ không biết cách tự giải phóng mình
Mình cho rằng, không có lý gì khi gộp hai Tết vào nhau, vì hai lý do chính: mình muốn có 2 lần nghỉ, và mình muốn giữ
truyền thống.
Có người so sánh, Nhật Bản cũng là nước tôn trọng truyền thống, nhưng họ cũng gộp Tết từ lâu rồi. Theo mình biết, người Nhật nghỉ Tết 10 ngày, tính ra cũng chẳng ngắn hơn lịch nghỉ 2 đợt của người mình đâu. Lại có người bảo, nghỉ thế cho người Việt đỡ ì. Ô hay, ì hay nhanh nhẹn là do ý thức của từng người và do văn hoá của công ty nữa, sao lại đổ tội cho Tết nhỉ?
Như công ty mình đây, hết Tết, đi làm lại là ai cũng hối hả làm việc, chẳng thấy ì chút nào. Ì hay không ì không phải do nghỉ vào thời điểm nào, mà là do mỗi cá nhân thôi.
Nếu ai đó cho rằng, nên gộp Tết vì người Việt ăn Tết Nguyên đán tốn kém quá, nhậu nhẹt lu bù, rồi mua sắm thực phẩm vô tội vạ; kèm với đó là quan điểm cần giải phóng sức lao động cho phụ nữ, để chị em thảnh thơi chơi Tết chứ không phải lao đầu vào bếp núc, mình cho rằng, đó vẫn là do ý thức của từng cá nhân. Có rất nhiều gia đình không ăn Tết mà họ đi du lịch, cũng là cách giải phóng sức lao động cho chị em phụ nữ đấy thôi!
Với chị Minh Nga, việc Tết bận rộn, tốn kém hay không, hết Tết người ta có uể oải, lười biếng hay không là do mỗi người, chứ Tết không có tội. Tết âm lịch có văn hóa riêng độc đáo, đáng lưu giữ mà nếu bỏ đi thì tiếc lắm, như là cảnh gia đình quây quần bên mâm cỗ, chúc tụng nhau, mặc quần áo đẹp rôm rả chụp ảnh, rồi những cành đào nở rực rỡ, những phong bao lì xì đỏ chói…Nét đẹp của Tết đâu có bao gồm nhậu nhẹt bia rượu, đó là ý thức của mọi người thôi.
Người phụ nữ nếu không tự biến mình thành nô lệ của Tết thì cũng sẽ không ai bắt mình phải phục vụ cả. Như nhà mình chẳng hạn, không phụ nữ nào phải bù đầu bếp núc hết. Bố mẹ chồng mình kinh doanh nên ông bà bận bán hàng vào dịp Tết, cỗ bàn gần như dẹp hết, chỉ có mâm cơm cúng đơn giản, năm nào cũng đặt làm. Ngày mùng 1 rất thảnh thơi, có gì ăn nấy rồi nghỉ ngơi, ngày mùng 2 thì túc tắc đi chúc Tết các gia đình.
Chuyện ăn uống cũng thế, mua bao nhiêu, mua cái gì là do mình mà. Có nhiều gia đình làm lẩu tất niên thay vì xôi gà canh măng. Chuyện rượu cũng thế, chẳng ai ép uống nếu mình nhất quyết không uống thêm ly nữa. Dầu gì, Tết vẫn tuyệt vời và đừng đổ lỗi cho Tết nếu mình không biết cách tự giải phóng cho bản thân.
Nếu có gì khiến mình sợ Tết, đó là những ngày trước Tết phải “chạy cong mông” lên để giải quyết công việc, cái gì cũng dồn ứ, đưa quà biếu đến khách hàng trong cảnh tắc đường, thế thôi.
Trần Phương Nga: Người đề xuất bỏ Tết âm sẽ hối hận khi điều đó trở thành hiện thực
Cứ tưởng tượng, một năm nào đó sẽ đón Tết Nguyên Đán mà không có cành đào, cây quất (vì chưa đến mùa), tôi đã thấy buồn cười. Quan điểm của tôi: hãy tôn trọng và bảo tồn tính cổ truyền của dân tộc.
Tranh cãi về chuyện gộp Tết hay không gộp sôi nổi mấy năm nay, tôi thấy lạ là mọi người cứ tìm cách đổ tội cho Tết những vấn đề tiêu cực như: làm người ta lười, bê trễ công việc, nhậu nhẹt hay mua sắm vung tay quá trán. Tôi nghĩ thế này, dù có gộp để ăn Tết một lần, ai lười vẫn lười thôi, vì lười hay bê trễ không phải do đón Tết dài, mà là do tư duy.
Nếu bàn là gộp Tết để tiết kiệm, vì ăn Tết ta tốn kém quá, chẳng nhẽ gộp Tết thì người ta không ăn nữa? Gộp thì vẫn cứ nghỉ, nghỉ thì vẫn cỗ bàn, vẫn ăn. Nếu muốn đỡ tốn kém, tốt nhất là… đừng nghỉ Tết nữa, hoặc nghỉ đúng 1 ngày tết dương thôi, sau đó chúng ta lại hăng say chiến đấu với công việc?
Điều quan trọng chúng ta cần bàn, đó là thay đổi tư duy chứ không phải là gộp Tết hay không. Gộp không giải quyết được vấn đề gì cả. Ăn Tết, nếu có thể thì hãy giảm bớt chi tiêu, chi tiêu hợp lý hơn. Đừng có vin vào tết để rượu chè be bét. Đừng vin vào là vừa nghỉ Tết ra chưa ai làm việc, tự mình bớt đi những cái hội hè không đáng có, vậy thôi.
"Hãy tôn trọng và bảo tồn tính cổ truyền của dân tộc".
Đừng đổ lỗi cho Tết, bởi nó có rất nhiều ý nghĩa về mặt tinh thần. Tôi cho rằng, những người khởi xướng ra ý tưởng này chưa bao giờ trải qua cảm giác không đón Tết âm, và họ sẽ hối hận nếu điều đó thành hiện thực.
Buồn cười nhất là nhiều người so sánh rằng Tây ăn Tết văn minh, không tốn kém như mình, mà không nhớ Tây họ có cả kỳ nghỉ hè và nghỉ đông để thư giãn, chứ không chỉ mỗi ngày Noel hay Tết dương lịch. (Đương nhiên, ta không bắt chước được vì năng suất làm việc của họ rất cao).
Điều quan trọng nữa là họ theo đạo khác chúng ta, có đức tin khác chúng ta. Họ không thờ cúng tổ tiên, ông bà, không có thói quen thắp hương hay dâng cơm dọn cỗ lên các cụ ngày giỗ, ngày Tết. Ai cũng có thể nói ra rả về bảo tồn và phát huy tính truyền thống dân tộc, nhưng cái mang đậm tính dân tộc, phổ biến nhất trong lòng tất cả người dân, ngay cả trẻ nhỏ, là Tết âm lịch thì hết dọa bỏ đến đe gộp là thế nào?
Tết, tôi cũng mệt chứ, dọn nhà, cỗ bàn, mệt “phờ râu”, chẳng sung sướng gì, nhưng cái mệt vì Tết nó vẫn có gì đó rất riêng. Còn những chị em than thở rằng Tết khiến họ bị “cầm tù”, tôi e rằng chưa chắc họ lại mệt và bận bịu vì Tết. Ai cũng có những vấn đề riêng, và thay vì nghĩ cách và tìm ra hướng giải quyết cho bản thân, thì họ kêu la và mong chờ người khác giải quyết thay cho họ.
Nếu thấy cơm nước mệt quá thì tuyên bố: Thôi, tôi không nấu nướng gì đâu, ai làm thì làm; rồi xách túi đi du lịch. Thế có phải sướng không? Chẳng tự tranh đấu cho bản thân được thì lại đi kêu gào, đổ tội cho Tết, vì Tết, tự thân nó không lên tiếng bảo vệ mình được chăng?