Giữa trưa trời nắng, cô Ngô Thị Công tất tả xách trên tay chiếc túi đựng bộ đồ nghề với đủ loại dầu gội, dầu xả, máy sấy tóc, khăn… đi bộ từ nhà trọ đến bệnh viện Ung Bướu TP.HCM để bắt đầu một ngày mới.
Nhiều bác sĩ, nhân viên ở bệnh viện và cả bệnh nhân đã quen với hình ảnh của người phụ nữ này và ví von gọi công việc của cô là người làm đẹp cho bệnh nhân ung thư.
“Cô làm đẹp tới rồi kìa”, “may quá chị Công đến rồi, nhờ chị làm vệ sinh giúp bà xã em với”, gội đầu xong chị mát - xa mặt và lưng cổ giúp em với nghen”…khi thấy bóng dáng của chị công trước của phòng Khoa ngoại 1 và 4 nhiều bệnh nhân í ới gọi cô Công như vậy.
Vào mỗi phòng bệnh, một mình cô Công vừa xoay xở sách hai thau nước đầy, vừa bố trí nơi đặt cái máng gội đầu rồi len lỏi trong một khoảng trống giữa hai giường tìm cách nâng đỡ bệnh nhân chuyển tư thế sao cho không bị đau.
Tới giường bệnh của Bà Lê Thị Chiêu (84 tuổi), chị Công ân cần đỡ bà cụ bà nằm xuống, miệng vừa dí dỏm kể chuyện vui còn tay thì thoăn thoắt rửa mặt rồi gội đầu cho bà một cách nhẹ nhàng.
Cứ mỗi phòng bệnh nào chị Công vào là lại rạo rực tiếng cười nói. Chị giải thích:“ Ở cái bệnh viện này, mới đầu ai vô mà chẳng ai mà không sốc, ai mà không buồn khi phải chấp nhận sự thật là mình mắc căn bệnh ung thư… phòng bệnh nơi đây, hầu như lúc nào cũng tràn trề một không khí nặng nề vì vậy tôi phải vừa làm việc vừa nói chuyện vui, pha trò cho người bệnh thấy thoải mái hơn, như vậy họ mới thấy nhẹ lòng hơn được”.
Có người là chồng, có người là con, là cháu… đứng sang 1 phía nhìn ông, bà, cha, mẹ mình được cô Công gội đầu, lau người, rửa chân, vệ sinh.. một cách cẩn thận, chuyên nghiệp tỏ vẻ ngại ngần.
Một công việc đều đặn khác hàng tuần vào mỗi sáng thứ 5 của cô Công là nấu cháo và tặng cháo trước cổng bệnh viện. Cô làm công việc này cũng đã gần 10 năm nay. Xuất phát từ ý nghĩ mình cũng là người từng sống bằng những bữa cơm từ thiện.
Để chuẩn bị cho bữa cháo phát lúc 4h30 sáng, cô Công cùng hai người quen đã phải thức nguyên buổi đêm để nấu 3 nồi cháo. Thực đơn của món cháo đa dạng từ cháo lươn, cháo cá, cháo thịt - cà rốt, cháo nấm - hạt sen,… chi phí nấu cháo, cô tích góp từ số tiền những lần chăm sóc bệnh nhân cho.
Khi biết tin chẩn bệnh “ung thư tử cung”… trời đất như muốn sụp xuống chân, cô sốc và bật khóc ngay khi chợt nghĩ tới 3 đứa con thơ dại ở nhà sẽ bơ vơ côi cút nếu một ngày không may chúng mất mẹ.
Những ngày tháng cắn răng chịu đựng cơn đau hoành hành, nước mắt chảy ngược vì nổi tủi hờn của một người nghèo cô độc mà lại mắc “ bệnh nhà giàu” và càng đau đớn hơn với nỗi đau của người vợ bị chồng ruồng bỏ.
Cô Công nói mình vẫn còn may may mắn vì mình còn đứa con gái hiếu thảo ở quê nhà quyết không bỏ rơi mẹ, may mắn hơn vì có phúc gặp được nhiều nhà hảo tâm giúp mình trong từng toa thuốc, những đợt hóa trị - xạ trị.
Sau tám năm dài điều trị may thay là phước lành đến, cô Công khỏe dần và bệnh đỡ hẳn nhiều. Lúc này cô quyết tâm ở lại Sài Gòn lập nghiệp, nuôi 3 con ăn học và hơn nữa là trả nợ ân tình.
Cô nói: “Nếu không có những tấm lòng thơm thảo giúp đỡ thì có lẽ tôi cũng không sống được đến hôm nay. Vì vậy, tôi tự nhủ với mình rằng mình cần phải gắn bó với nơi này để trả lại ân nghĩa. Bệnh viên Ung Bướu này là cũng là nơi suốt gần 10 năm như nhà tôi rồi”.
Ra viện, cô Công làm đủ việc để kiếm sống: Mua bán ve chai, bán quần áo lề đường, phụ quán… Cô nghĩ đến việc đi gội đầu, giặt đồ, chăm sóc cho bệnh nhân vì hồi trước cô là người chứng kiến cảnh người bệnh không có thân nhân không thể tự xoay sở lo cho bản thân.
“Ban đầu tôi cứ đi từng phòng hỏi hay xem ai cần giúp thì lại giúp chứ không quá đặt nặng đến vấn đề tiền nong, ai cho tiền hay không cũng được, cho bao nhiêu tôi lấy bấy nhiêu. Đối với những người khó khăn thì tôi nhất quyết làm không công. Việc mình đi gội đầu, mát-xa mặt, lưng... cũng như là để gột rửa đi bớt những cơn đau và làm đẹp cho những phụ nữ đang phải chịu đựng bất hạnh bệnh tật”.
Chiều tà, người phụ nữ ấy lại sách thùng đồ nghề đi về để tiếp túc công việc bán quần áo, mặc những tiếng thở hổn hển vì căn bệnh hở van tim. Mỗi tối của ngày thứ 4, dù đã rất mệt đến nổi nói không nên lời, chân tay bủn rủn nhưng cô cùng hai người thân trong nhà trọ vẫn thức trắng đêm để lo chế biến nguyên liệu, nấu nồi cháo để kịp cho mờ sớm đem đi tặng bệnh nhân.
đàn ông, phụ nữ, làm đẹp, ung thư, bệnh nhân