Đời sống

Trải nghiệm của những người Việt trên đường chinh phục đỉnh Everest khắc nghiệt

Nguyễn Mậu Linh và Phan Thanh Nhiên là những người Việt đầu tiên vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên, những lúc cận kề cái chết để chạm vào đỉnh nóc nhà của thế giới năm 2008.

Bùi Văn Ngợi, Nguyễn Mậu Linh, Phan Thanh Nhiên là ba người Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Everest trong chương trình Everest Việt Nam 2008 - Tinh thần Việt hòa cùng thế giới. Nhân sự kiện bộ phim Everest công chiếu, phóng viên trò chuyện cùng anh Nguyễn Mậu Linh và Phan Thanh Nhiên.

Người Việt, Everest, leo núi

Nguyễn Mậu Linh trên đỉnh Everest.

- Các bạn có thể tóm tắt nhanh về hành trình chinh phục Everest của mình bằng số liệu?

- Đoàn leo có 10 người, gồm 5 người Sherpa hỗ trợ, 3 người Việt Nam, 1 người Thái, 1 người Mỹ (trước đó có một thành viên đoàn Việt Nam là Lê Bá Công dừng chân ở thác băng Khumbu). Ngày 18/5/2008, chúng tôi từ trại chính lên trại 1, rồi tiếp tục qua trại 2, 3, 4. Ngày 22/5, chúng tôi chạm đỉnh Everest theo thứ tự lần lượt anh Ngợi (lúc 7h15), Nhiên (9h15), và Linh (9h40).

- Trước khi bắt đầu hành trình, các anh đã phải luyện tập rất gắt gao. Có quy định phải chinh phục một số đỉnh núi nào để chứng minh khả năng phù hợp leo Everest hay không?

- Mậu Linh: Không quy định chính xác bắt buộc, nhưng đây là một nguyên tắc phải có. Bình thường, mỗi người mất khoảng 3 năm tập luyện để có sức khỏe, thể lực, kiến thức leo núi, đặc biệt là thích nghi độ cao và nhiệt độ âm. Nhiên và tôi có hơn 7 tháng tập luyện và đã leo một số đỉnh như Fansipan cao 3.143 m (Việt Nam), Kinabalu 4.095 m (Malaysia), Kilimanjaro - Nóc nhà châu Phi cao 5.895 m (giữa 2 quốc gia Tanzania và Kenya), Island Peak cao 6.160 m (Nepal). Island Peak có thời tiết và địa hình gần tương tự, nếu không leo thành công thì khó nghĩ tới Everest cao 8.848 m.

Người Việt, Everest, leo núi

Hành trình chinh phục Everest của đoàn Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

- Các bạn phải vượt qua tình trạng khắc nghiệt như thế nào?

- Thanh Nhiên: Đó là cái lạnh -30 độ C, leo núi trong điều kiện gió mạnh, mưa tuyết, băng qua những dốc núi tuyết dựng đứng lên đến 70, 80 độ, khi oxy chỉ còn 27% trong không khí.

Trong thời gian dài tập luyện, chúng tôi đã được trang bị rất kỹ về tâm lý, khả năng và về phản ứng thích nghi trong môi trường tập thể, tình đồng đội. Vì vậy, trên hành trình, tâm lý mọi người khá vững vàng, không nghĩ đến cái chết, chỉ tập trung cho việc hỗ trợ đồng đội và phải chiến thắng.

Thực sự đã có những khoảnh khắc nguy hiểm tưởng như sắp chết: điều kiện ăn uống không phù hợp, khí hậu khắc nghiệt, lượng oxy xuống quá thấp, cơ thể kiệt sức triền miên, không ngủ được trong nhiều ngày nên đầu nóng lên. Những lúc đó, suy nghĩ không còn tỉnh táo nữa. Nhưng tất cả cũng qua.

- Lý do của việc mất ngủ là gì?

- Thanh Nhiên: Do lượng oxy thấp, lúc nào nhịp tim cũng làm việc rất nhanh, đập hơn 142 nhịp/phút, vừa để cung cấp oxy, vừa sưởi ấm cơ thể (vì thiếu oxy và lạnh nữa nên rất khó ngủ).

Người Việt, Everest, leo núi

- Tại sao mọi người leo núi đều có thiết bị bảo hộ chuyên dụng, nhưng vẫn xảy ra tình trạng đó?

- Thanh Nhiên: Những trang thiết bị bảo hộ chuyên dụng chống lạnh được khí lạnh bên ngoài, nhưng do mình hít thở bằng khí trời nên luồng không khí lạnh đi thẳng vào lồng ngực, làm lạnh từ trong ra. Không phải lúc nào cũng có thể dùng bình oxy, chỉ có những đoạn cuối cùng như từ trại 4 lên đỉnh, hay ở thềm Hillary (do không đủ lượng bình cũng như chi phí rất cao và không đủ sức mang nhiều). Hầu hết các vận động viên leo núi đều phải tập tự hít thở.

- Mậu Linh: Nhiều trường hợp khi không có oxy lên não, cơ bắp không hoạt động, không di chuyển được. Nhịp tim lúc đó lại tăng rất cao nên dù còn sống vẫn không thể di chuyển được và chỉ còn cách chờ chết.

- Đoàn hỗ trợ gì cho các bạn trong chuyến đi?

- Mậu Linh: Người Nepal cung cấp lương thực mang theo. Từ trại chính trở lên, ngoài đồ mình mang riêng, có những khu trại có đồ ăn sẵn. Nhưng hầu hết đồ ăn ở đó không phù hợp với người Việt. Một số đoàn mang theo đầu bếp, đoàn Việt Nam chủ yếu ăn lương khô.

- Hành lý các bạn mang theo là gì?

- Mậu Linh: Chúng tôi có quần áo, lương thực, túi ngủ. Mỗi người phải tự mang những thứ đó, vì trên hành trình, nếu quá mệt, phải nghỉ ngơi nên cần đồ sử dụng ngay. Ngoài ra trong balo còn có lương thực, nước uống, trường hợp lạc vẫn có thể cầm cự được vài ngày. Tất cả những thứ này không thể nhờ người khác mang giúp, vì hoàn toàn có thể lạc nhau.

- Những hội chứng nào thường dễ mắc phải khi leo Everest?

- Thanh Nhiên: Hội chứng phổ biến nhất khi con người tiếp xúc với độ cao, thiếu oxy là đầu nhức, mắt mờ, buồn ói, chân tay bủn rủn. Tôi leo đến cao độ tầm 5.300 m thì gặp những triệu chứng này. Khi cơ thể thích nghi được, triệu chứng sẽ giảm xuống chứ không hết hẳn. Nếu cơ thể không thích nghi, bạn chỉ có duy nhất một cách là xuống núi ngay.

Thứ hai là do thở khí trời, lạnh quá sẽ bị viêm phổi, bị ho khoảng 1-2 tháng, và thậm chí ho quá có thể làm gãy xương sườn, đâm vào nội tạng.

Thứ ba, vấn đề vệ sinh hàng ngày dẫn đến tiêu chảy. Các cơ quan ko hoạt động bình thường do thiếu oxy, lại ăn những thức ăn không phù hợp nên nhiều người bị tiêu chảy, không kiểm soát được. Nhiều người bị nhưng không thể thay được, do cởi đồ ra sẽ bị lạnh mà chết. Để lâu sẽ bị hoại tử do nhiễm bẩn lâu ngày.

Thứ tư là bị vỡ mao mạch mũi và miệng do hít thở ở nhiệt độ âm. Những mao mạch đó sẽ bị khô lại và vỡ ra, làm nứt và chảy máu, khiến mình khó thở hơn bình thường

Thứ 5, triệu chứng tháo tay và tháo chân, do lạnh quá thì bị hoại tử. Trong thời gian dài không chú ý đến bàn tay, bàn chân, không hoạt động thường xuyên sẽ làm ngón bị lạnh, đen đi. Đen đến đâu, người leo núi phải tháo khớp, bôi thuốc ngay tránh bị lan rộng.

Thứ sáu là chảy não. Do áp suất, não lỏng ra giống nước, chảy xuống xương sống hoặc chảy ra lỗ tai.

- Sau 7 năm, hiện nay các bạn bị di chứng nào?

- Hai chúng tôi bị dễ quên, trò chuyện xong lại quên mất nội dung đã nói, hoặc sẽ không thể nhớ được những cuộc nói chuyện trước đây.

- Hiện nhiều người vẫn không tin các bạn đã chạm vào nóc nhà thế giới. Hai bạn có thể chia sẻ thêm thông tin để xác định kỳ tích này?

- Thanh Nhiên: Những ai leo núi thành công sẽ được cấp giấy chứng nhận của Bộ Văn hóa - Du lịch và Hàng không dân dụng của chính phủ Nepal. Tên cũng được cập nhật vào website lưu giữ người chinh phục thành công Everest (Everestsummiteersassociation.org). Chúng tôi cũng có hình ảnh và đoạn phim ngắn quay trên đỉnh núi.

Người Việt, Everest, leo núi

Chứng nhận chinh phục thành công đỉnh Everest của Phan Thanh Nhiên do Bộ Văn hóa - Du lịch và Hàng không dân dụng của chính phủ Nepal cấp.

Hiện nay, Thanh Nhiên kinh doanh trong lĩnh vực tổ chức các hoạt động leo núi, khám phá trải nghiệm mạo hiểm. Mậu Linh công tác tại một công ty tổ chức sự kiện, các hoạt động team building.
aFamily

everest, leo núi, mạo hiểm, du lịch mạo hiểm, người việt


      © 2021 FAP
        4,101,043       377