Câu chuyện về đời tư của Hồ Ngọc Hà gần đây cũng được một số cá nhân hoặc nhóm khai thác theo cách cô ấy có bầu, có con, “dụ dỗ” những người đàn ông khác ra sao...
Có lẽ sẽ không có quá nhiều người ngạc nhiên khi chứng kiến những sự phán xét và chỉ trích đời sống riêng tư của một người được lan truyền trên mạng xã hội trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tự trong thâm tâm chắc cũng không có ít người cảm thấy có điều gì đó không ổn đối với những trường hợp như vậy. Bài viết này xin được chia sẻ một góc nhìn của một người làm việc trong ngành tâm lý học tại Việt Nam.
Tôi muốn bắt đầu bằng việc xem xét liệu chúng ta có quyền phán xét về người khác hay không. Trên bình diện cá nhân, chúng ta đều tin rằng mỗi người là một cá thể riêng biệt với những đặc điểm riêng biệt, và hẳn nhiên mỗi cá nhân ấy đều gắn liền với một lịch sử cá nhân khác với những người còn lại. Nếu chúng ta đã tin như vậy thì việc phán xét hay chỉ trích người khác sẽ là điều vô cùng khó khăn. Hay nói cách khác, dường như chúng ta không có quyền phán xét người khác dựa trên những quan điểm và trải nghiệm sống của riêng mình.
Tuy nhiên, cuộc sống của con người không chỉ là là những cá nhân đơn lẻ mà là một cộng đồng, trong đó mối tương quan và cách thức hành xử giữa người này và người kia sẽ tạo ra những giá trị và thúc đẩy xã hội phát triển. Theo đó, các chuẩn mực xã hội được hình thành để trở thành thước đo và tiêu chuẩn điều chỉnh hành vi sống của từng cá nhân. Điều đáng chú ý là các chuẩn mực xã hội đôi khi được lèo lái theo ý chí của một cá nhân hoặc một nhóm người nào đó và như vậy nó hoàn toàn có thể bỏ qua, thậm chí là làm tổn hại đến lợi ích của một cá nhân hoặc một nhóm người khác.
Các chuẩn mực xã hội đôi khi được lèo lái theo ý chí của một cá nhân hoặc một nhóm người nào đó và như vậy nó hoàn toàn có thể bỏ qua, thậm chí là làm tổn hại đến lợi ích của một cá nhân hoặc một nhóm người khác.
Để khắc phục “những hạn chế” của các chuẩn mực xã hội, con người văn minh đã tạo ra hiến pháp và luật pháp và kèm theo đó là một hệ thống các cơ quan với những con người giữ các chức năng cụ thể nhằm xem xét và đưa ra quyết định về hành vi của một cá nhân đối với người khác và đối với cộng đồng xã hội nói chung.
Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường có những suy nghĩ, những bận tâm về hành vi cư xử của những người khác đối với bản thân mình. Và không có gì tranh cãi nếu chúng ta lên tiếng chống lại một cá nhân hoặc một người khác khi xét thấy hành vi của cá nhân hay nhóm người đó gây tổn hại đến đời sống cá nhân của mình. Tuy nhiên, đi từ việc lên tiếng khi đời sống cá nhân của mình bị xâm phạm tới việc lên tiếng vì cho rằng ai đó là làm một điều trái với quan điểm hay giá trị của mình là một khoảng đường khá xa, thậm chí không bao giờ có thể đến được.
Từ Bà Tưng, đến
Lệ Rơi, đến Công Phượng, rồi đến
Hồ Ngọc Hà, thậm chí đến cả một em bé là nạn nhân của một vụ giết người cướp của tại Bắc Giang chúng ta đều có thể nhìn thấy các khía cạnh cá nhân của từng người đã được một vài cá nhân hoặc một nhóm người khai thác quá mức cần thiết và quá giới hạn. Hình ảnh được xem là “khoe thân” của Bà Tưng đã được điều chỉnh bởi những quy định về văn hóa của luật pháp nhưng nhiều cá nhân khác vẫn không từ bỏ việc khai thác cuộc sống từ tuổi thơ của cô ấy chỉ với mục đích “giết nó chết” vì thấy “ngứa mắt”.
Cũng vậy chúng ta có quyền chê bai khả năng về âm nhạc của Lệ Rơi nhưng nó không đồng nghĩa với việc chúng ta có quyền lao về quê nhà anh ta để lôi cho được cái sự nghèo nàn, quê mùa hoặc cái cách làm lụng kiếm sống của cậu ấy. Cháu bé là nạn nhân còn sống sót của một gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang cũng được nhiều người khai thác ở góc độ đời tư, từ những thông tin về chuyện em đi học trở lại ngồi ở đâu, có cười không, có gặp ai không… đến chuyện thoải mái đưa ra chẩn đoán về một căn bệnh tâm lý nào đó của em mà chẳng hề có thời gian tiếp xúc hoặc chẳng hề có chức năng gì trong việc chẩn đoán tình trạng sức khỏe của em.
Câu chuyện về đời tư của Hồ Ngọc Hà được một số cá nhân hoặc nhóm thu thập, khai thác.
Và rồi, câu chuyện về đời tư của Hồ Ngọc Hà gần đây cũng được một số cá nhân hoặc nhóm khai thác theo cách cô ấy có bầu, có con, cưới chồng lần đầu từ hồi nào, ở đâu, rồi “dụ dỗ” những người đàn ông khác ra sao, rồi thì phá hoại hạnh phúc của gia đình này gia đình kia…
Tôi tự hỏi, những cá nhân hoặc nhóm người có thể sẵn sàng dồn rất nhiều công sức để thu thập và kể lại cho người khác những thông tin riêng về một người khác liệu có động cơ tiêu cực nào không hay chỉ là vì mình thích nói về những điều riêng tư của người khác thôi. Nếu là có động cơ, có mục đích thì việc này sẽ liên quan đến luật pháp, liên quan đến việc sỉ nhục hoặc xúc phạm nhân phẩm người khác. Còn nếu đó chỉ là một hành động nhằm tạo ra cho mình một sức mạnh (vì sở hữu thông tin) trên đám đông “hóng chuyện” thì chắc cá nhân đó phải xem lại về tình trạng sức khỏe tâm thần của chính mình.
Ở đây, tôi không có ý định nói đến chuyện theo kiểu đạo đức nhưng hãy biết thông cảm, tha thứ… cho người khác, mà ý tôi muốn nhấn mạnh là điều gì khiến cho một cá nhân có thể có những khao khát thể hiện sức mạnh của mình bằng việc hạ nhục người khác. Tôi hình dung đến hình ảnh của những người cười khoái trá khi hành hạ một con vật. Đó chắc chắn là một thái độ và hành vi nhẫn tâm, thậm chí là dã man. Làm sao bạn có thể hả hê khi xúc phạm và chửi bới, thóa mạ người khác được nếu bạn là một người khỏe mạnh.
Cũng vậy, với một đám đông những người chỉ đợi có người chửi rủa người khác để mình cảm thấy “sướng” và vỗ tay tung hô thì rõ ràng đó cũng không phải là những người khỏe mạnh. Một người khỏe mạnh là một người đạt tới sự hiểu biết rõ ràng, thấu đáo sự việc trước khi đưa ra quyết định; là một người có thể cảm nhận được nỗi đau khi thấy người khác bị hạ nhục hoặc bị làm đau; là một người có thể có hành vi bảo vệ khi thấy người khác bị hành hạ, bị sỉ nhục.
Vậy khi bạn có thể đưa ra một lời bình phẩm (rất nhiều lời bình phẩm có tính sỉ nhục người khác) mà chưa thấu đáo thông tin, khi bạn có thể cười vui sung sướng trước sự đau khổ của người khác, khi bạn có thể thờ ơ và thậm chí là vỗ tay tán thưởng một người đang hạ nhục người khác thì bạn không phải là một con người khỏe mạnh.
Hồ Ngọc Hà phải đối mặt với nhiều lời bình phẩm có tính chất thóa mạ và bôi xấu từ một vài trang facebook của một vài cá nhân
Chưa hết, về trường hợp của Hồ Ngọc Hà gần đây, tôi đọc thấy rất nhiều lời bình phẩm có tính chất thóa mạ và bôi xấu cô ấy từ một vài trang facebook của một vài cá nhân, nhưng hoàn toàn không tìm thấy thông tin về nhân thân của người chủ trang. Đó có thể là một dấu hiệu khác của sự không khỏe mạnh khi mà một người có thể thường xuyên đưa ra những thông tin xúc phạm người khác nhưng không chịu trách nhiệm cho những gì mình đưa ra.
Có thể có trường hợp đó chỉ là một trang được lập ra với mục đích hạ gục một người khác bằng sự nhẫn tâm của một người khác, nhưng vấn đề nghiêm trọng không kém là trang đó thu hút rất rất nhiều những bình luận từ người khác, những người chỉ nghe “nói lại” chứ không hề biết thông tin sự thật là gì. Gần đây chúng ta có nghe một câu chuyện về một nghệ sỹ đã cho phép người khác được quyền làm bất kỳ điều gì trên cơ thể của cô ấy, và kết quả là sự bạo lực, nhẫn tâm và dã man có chiều hướng tăng dần khi những người tham gia không gặp phải bất kỳ một ngăn cản nào trong việc thể hiện hành vi. Đáng ra câu chuyện này phải làm cho nhiều người giật mình tỉnh thức về cách hành xử không nhân văn của mình, nhưng có vẻ như không hề tác động bao nhiêu.
Hẳn nhiên, trong một khía cạnh nào đó, sự dã man của con người trong thái độ và hành vi cư xử cũng còn được xem là hệ quả của một sự dồn nén, bức bối trong đời sống của các cá nhân khi không có cơ hội để được giải tỏa hoặc cải thiện.
Có hai vấn đề lớn cần được quan tâm và xem trọng: Một là các cá nhân cần phải nhìn nhận rõ ràng rằng chúng ta có quyền bình luận về người khác trong tương quan với chính mình, nhưng chắc chắn không phải bằng thái độ và hành động gây tổn hại cho người khác hoặc vượt quá ranh giới của đời sống cá nhân; Hai là con người cá nhân cần học cách để tuân thủ theo các chức năng điều chỉnh hành vi con người dựa trên hệ thống pháp luật – là điều được công nhận bởi toàn xã hội loài người.