Đời sống

Sợ dân chán hôn nhân, Iran lập trang web mai mối

Iran là một nước có dân số đông và rất trẻ. Tuy nhiên, tình trạng ly hôn ngày càng tăng khiến chính phủ phải thành lập một trang web hẹn hò trực tuyến.

Khoảng

Hơn 1/5 cuộc hôn nhân ở Iran kết thúc bằng sự tan vỡ. Ảnh: peacecouncil.net

Khoảng 22% cuộc hôn nhân ở Iran kết thúc bằng đơn ly hôn. Ở thủ đô Tehran, tỷ lệ gia đình tan vỡ thậm chí còn cao hơn.

Nguy cơ ly hôn thường xuất hiện ở các cặp vợ chồng dưới 30 tuổi - độ tuổi chiếm phần lớn dân số của đất nước.

Giới chức Iran hết sức lo ngại trước con số thống kê ấy. Vì thế họ lập trang web mai mối trực tuyến để kết nối những người độc thân.

Trang web mà chính phủ Iran lập có tên miền là hamsan.tebyan.net và chịu sự điều hành của Tổ chức Phát triển Hồi giáo, cơ quan khuyến khích lối sống Hồi giáo và hoạt động dưới sự giám sát của Đại giáo chủ. Nó tích hợp với tebyan.net, một trang web về lối sống Hồi giáo và chuyên tư vấn đời sống tình cảm.

Trong bản kế hoạch đầu năm nay, Thứ trưởng Bộ Thể thao và Thanh niên Mahmoud Golrazi hy vọng trang web mới sẽ tạo ra "100.000 hôn lễ" và qua đó "giải quyết chuyện hôn nhân giữa những người trẻ".

Hồ sơ ẩn danh

Sự ra đời của trang web mai mối là dấu hiệu cho thấy chính quyền đang quyết tâm đảo ngược tình trạng ly hôn.

Khoảng 100 người điều hành trang Hamsan.tebyan.net và mặc dù hiện nó chỉ hoạt động ở Tehran, chính phủ có kế hoạch mở rộng phạm vi đến các thành phố khác.

Người tìm bạn đời sẽ nhập những thông tin cơ bản, như chiều cao và trọng lượng, hay nghề nghiệp của cha, mẹ và tình trạng hôn nhân. Những câu hỏi thông thường về sở thích, thị hiếu âm nhạc hay bộ phim yêu thích sẽ không xuất hiện.

Không giống như các trang web hẹn hò truyền thống, ứng cử viên không thể xem hồ sơ hoặc thậm chí ảnh của người có thể sẽ thành bạn đời của họ vì chính phủ cho rằng đây là hành vi khiếm nhã. Chỉ người quản trị trang web mới có thể truy cập những thông tin này và kết hợp các cặp đôi "thích hợp".

Chính phủ Iran hy vọng trang web sẽ tạo ra nhiều hôn lễ hơn nữa. Ảnh:

Chính phủ Iran hy vọng trang web sẽ tạo ra nhiều hôn lễ hơn nữa. Ảnh: heraldboy.com

Mối quan hệ "Ba mươi phút”

Không chỉ giải quyết câu chuyện hôn nhân, theo ông Golrazi, trang web mới ra đời này còn giúp giới trẻ tránh xa những nội dung "bất hợp pháp và vô đạo đức" xuất hiện đầy rẫy trong khoảng 300 trang web hẹn hò kiểu phương Tây đang hoạt động ở Iran.

Đạo luật Sharia nghiêm khắc của người Hồi giáo cấm quan hệ tình dục trước hôn nhân. Giới chức lo ngại rằng các trang web kiểu phương Tây khuyến khích thanh niên tìm cách “lách luật” thông qua các cuộc hôn nhân tạm thời (sigheh).

Một mối quan hệ kiểu sigheh có thể chỉ tồn tại 30 phút hoặc kéo dài tới 99 năm. Đương sự không cần bất cứ loại giấy tờ chính thức nào, mà chỉ cần lời ban phước của một giáo sĩ.

Với sigheh, những người đàn ông đã lập gia đình có thể tìm một mối quan hệ thứ hai, nhưng phụ nữ đã có chồng không thể. Theo luật Hồi giáo, nếu hành vi ngoại tình của phụ nữ bại lộ, họ sẽ phải chịu hình phạt đánh roi hoặc ném đá đến chết. Tuy nhiên, trong thực tế những hình phạt khắc nghiệt nhất hiếm khi diễn ra.

Chính phủ từng thử nghiệm nhiều biện pháp để quản lý các trang web hẹn hò bất hợp pháp, song họ đều thất bại. Khi một trang ngừng hoạt động, những trang khác lại xuất hiện.

Ý kiến trái chiều

Bất chấp sự quyết tâm và lạc quan của chính quyền, dư luận ở Tehran đưa ra quan điểm trái chiều khi nói về trang web mới.

Kaveh, một thanh niên trẻ, tỏ ra hào hứng: "Đây là một lựa chọn tốt cho những người sống trong các gia đình truyền thống ở Tehran, nơi việc thanh niên tìm hiểu nhau là rất khó khăn".

Trong khi đó, nhiều người khác lại tỏ ra dè dặt hơn.

Ali, một thanh niên, khẳng định anh sẽ không sử dụng trang web của chính phủ.

"Những người điều hành các trang web sẽ lựa chọn các cặp đôi, và tôi không tin họ sẽ đưa ra quyết định đúng đắn. Các trang web khác thường dựa trên sự tương đồng cũng như bất đồng của các ứng cử viên để kết nối họ với nhau, còn trang web của chính phủ hoạt động hoàn toàn tùy tiện".

Thậm chí nhiều người không muốn đưa hoạt động hẹn hò ra bên ngoài khuôn khổ của cuộc sống thực. Mohamed, một thanh niên độc thân, thẳng thắn: "Tôi muốn hẹn hò với cô gái mà tôi gặp ngoài đời, chứ không phải trên mạng internet".

Rõ ràng, để đạt mục tiêu 100.000 hôn lễ, Thứ trưởng Golrazi và những người điều hành trang web còn rất nhiều việc để làm.

aFamily

hôn nhân, hôn nhân ngắn ngủi, mai mối


      © 2021 FAP
        4,298,429       399