Đời sống

Những bạn trẻ làm nghề sống chung với máu và lửa

Đằng sau những màn biểu diễn đặc sắc, các ảo thuật gia đã không ít lần phải đối mặt với những hiểm nguy khôn lường.

Cho đến nay, ảo thuật vẫn luôn là một bộ môn nghệ thuật độc đáo, đòi hỏi ảo thuật gia tính khéo léo, khiến cho khán giả tin vào những điều tưởng như có phép thuật. Thế nhưng, đằng sau ánh đèn sân khấu là cả một quá trình tập luyện tỉ mỉ, nhuần nhuyễn và không ít những tai nạn khiến nhiều người hoảng sợ.

Học cách sống chung với... máu và lửa

Chia sẻ về quá trình tham gia bộ môn này, Nam Nie (Dương Hoài Nam, sinh năm 1993) - thành viên Hiệp hội ảo thuật quốc tế IMS cho biết rủi ro lớn nhất khi làm ảo thuật chính là không lường trước được mức độ nguy hiểm của tiết mục. Thông thường, những người làm ảo thuật thường gặp phải những hiểm họa từ lửa. Ngoài ra, nếu bạn làm ảo thuật với kiếm, dao, cũng rất dễ dàng bị chúng cứa vào tay và gây chảy máu nhiều.

"Mình có không ít những vết sẹo do tập luyện. Đối với những tiết mục nguy hiểm như trói, chặt người, người thực hiện phải căn chỉnh thời gian dịch chuyển sao cho thành viên tham gia màn ảo thuật không bị đinh nhọn đâm hoặc bị "cưa" thân thật", 9X nói thêm.

Những bạn trẻ làm nghề sống chung với máu và lửa 1
Màn ảo thuật biến lửa thành bông hoa của Nam Nie. (Ảnh: NVCC).

Thời điểm hiện tại, Nam Nie đã hạn chế hơn những thất bại và biết cách phòng ngừa nguy hiểm. Nhưng so xuất vẫn xảy ra. "Có một lần đi biểu diễn, mình sử dụng đạo cụ là chiếc gậy thành bông hoa. Nhưng do sơ ý, chiếc gậy đã bật mạnh vào tay khiến mình chảy rất nhiều máu", cậu kể.

Tuy nhiên, Nam cho biết, lúc đó dù rất bối rối nhưng vẫn tiếp tục cố gắng hoàn thành tiết mục, tay cầm chặt vạt áo để máu không vương ra xung quanh.

Nam kể thêm: "Ngoài ra, lần khiến mình nhớ nhất là màn biểu diễn đốt lửa trong một chiếc lồng để biến ra cô gái tại một sân khấu lớn. Để tạo được hiệu ứng ánh sáng lung linh, mình đã sử dụng pháo sáng kẹp trong tay. Tuy nhiên, do người hỗ trợ đã cho hơi nhiều xăng nên khi đốt, lửa xém xuống cánh tay, còn quả pháo cháy trực tiếp trên lòng bàn tay khiến mình bị một vết bỏng khá lớn và nguy hiểm".

Tương tự như Nam Nie, Vũ Tiến Đạt (SN 1992, tại Lâm Đồng) - thành viên Hiệp hội ảo thuật quốc tế IBM cũng chia sẻ về chuyện từng bị đạo cụ rạch vào từng thớ da hay bị bỏng cồn... từ khi làm quen với bộ môn này. Chuyện thất bại trong những tiết mục đầu tiên cũng không phải xa lạ đối với 9X.

Tiến Đạt kể lần bị bỏng nhớ đời nhất của cậu ngay trên sân khấu là khi biểu diễn cho một hãng hàng không vào dịp trung thu. Hôm ấy, trời mưa lớn nên các đạo cụ bị ẩm ướt. Khi thực hiện màn đốt cháy cây gậy biến thành chậu hoa thì do dây ẩm nên bị cháy lâu hơn - thông thường loại dây này cháy trực tiếp trên tay trong thời gian cực nhanh thì ảo thuật gia sẽ không bị bỏng.

"Lúc ấy, cảm giác nóng và phồng rộp nhưng mình vẫn phải cắn răng chịu đựng do muốn hoàn thành tốt phần biểu diễn. Kết thúc tiết mục, mình được mọi người sơ cứu và mất hơn một tuần để vết thương dịu lại. Khán giả cũng nhận ra và dành cho mình những tràng pháo tay thật lớn khiến mình cảm thấy được an ủi hơn rất nhiều", cậu tâm sự.

Những bạn trẻ làm nghề sống chung với máu và lửa 2
Tiến Đạt biểu diễn màn ảo thuật đơn giản với những lá bài và bông hoa. (Ảnh: NVCC).

Hoặc như chia sẻ của Rick Nguyễn (Nguyễn Phú Quý, sống tại TP.HCM), cũng là một thành viên của Hiệp hội ảo thuật quốc tế IBM kể về tai nạn của một người bạn: "Mình nhớ đó là khi bạn mình biểu diễn màn bắn pháo lửa. Tiết mục được thực hiện với đạo cụ là một cây pháo và thiết bị đánh lửa với 2 đầu bịt kín bằng giấy bạc mỏng. Khi bắn, pháo sẽ cháy và phát lửa ra từ một đầu. Tuy nhiên, vì sơ suất, bạn mình đã cầm nhầm hướng và để lửa liếm trọn cả cánh tay, gây bỏng nặng. Lần đó, bạn mình đã khiến người xem khá hoảng hốt. Còn cậu ấy thì được đưa đến bệnh viện gấp" - 9X kể.

Không dừng lại ở những vết bỏng

Các tiết mục càng lớn, độ mạo hiểm càng cao thì người thực hiện càng phải đối mặt với những hiểm nguy tiềm ẩn. Điển hình nhất là trường hợp ảo thuật gia 23 tuổi người Mỹ - Jeff Rayburn Hooper với cái chết thương tâm trong tiết mục còng tay để người khác thả ra giữa hồ (tháng 7/1984).

Tại Việt Nam, mới đây nhất có trường hợp thí sinh uống nhầm axit trên sân khấu Tìm kiếm tài năng Việt. Và trường hợp của ảo thuật gia Ngọc Huyền (SN 1991, sống tại TP.HCM) - bị chiếc kéo khổng lồ đâm xuyên qua lưng khi đang thực hiện màn biểu diễn của mình đầu tháng 1 năm nay. Cô đã bị lệch đĩa đệm và phải nằm viện điều trị trong thời gian dài với chi phí rất cao.

Đôi khi, những ảo thuật gia vì đam mê với nghề và sự cống hiến cho khán giả, đã vô tình quên đi sự an toàn của bản thân. Những điều chúng ta xem được tưởng chừng như đơn giản nhưng ẩn chứa đằng sau là cả một quá trình khổ luyện, gian nan và những cống hiến xương máu của những ai theo đuổi bộ môn nghệ thuật đặc biệt này.

aFamily

      © 2021 FAP
        4,011,555       215